Mỹ tung 3 cụm tàu sân bay “ứng tiếp” 40 chiến hạm Trung Quốc tập trận ở Biển Đông

VietTimes -- Ngày 05.04.2018, quân đội Trung Quốc (PLA) tiến hành cuộc diễn tập Hải quân lớn chưa từng có ở trên Biển Đông. Ngoại trừ tàu sân bay Liêu Ninh còn có hơn 40 chiến hạm và tàu ngầm khác từ các hạm đội Bắc, Đông và Nam Hải với mục đích biểu dương sức mạnh trên biển trước toàn thế giới.
Tàu sân bay Liêu ninh trên nền một chiếc tàu vận tải lớn của Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu ninh trên nền một chiếc tàu vận tải lớn của Trung Quốc

Nhà phân tích quân sự Trung Quốc Zhou Chenming, trong bài viết trên tờ South China Morning Post cho biết: Trung Quốc muốn cho cả thế giới, đặc biệt là các bên liên quân thấy được quyết tâm bảo vệ những thành quả công cuộc cải cách và phát triển của nền kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua.

Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Ren Guoqiang khẳng định rằng, tàu sân bay, kỳ hạm của cụm binh lực hải quân chủ lực Trung quốc sẽ là thành phần then chốt cho các cuộc diễn tập hải quân quy mô lớn. Nhưng đó là những cuộc diễn tập “thông thường” trong chiến lược quân sự "phòng thủ ngoài khơi xa" của quân đội Trung Quốc và những cuộc diễn tập đó không gây nguy hiểm cho các nước khác.

Zhou Chenming nhấn mạnh mục đích của cuộc diễn tập, điều gây quan ngại nhiều nhất cho tất cả các quốc gia có liên quan, đó là: "Giống như Mỹ, sức mạnh quân sự của Trung Quốc là một trong những công cụ chính trị của chính quyền để bảo vệ lợi ích quốc gia của đất nước".

Bắc Kinh tiếp tục triển khai quy mô lớn lực lượng hải quân dường như nhằm ứng phó với những tình huống diễn biến trong khu vực, khi hải quân Mỹ càng ngày càng tăng cường hợp tác quân sự với các nước khác, có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc trên Biển Đông.

Đền thời điểm này, Mỹ đã đưa 3 cụm tàu sân bay tấn công chủ lực đến vùng nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Cụm tàu tấn công USS Theodore Roosevelt đến Singapore ngày 02.04.2018, sau khi thực hiện nhiệm vụ ở Trung Đông. Cụm tàu sân bay này có thể sẽ tiến hành các cuộc tập trận với hai cụm tàu sân bay khác thuộc hạm đội 7 của Mỹ, đó là cụm tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu USS Carl Vinson - khi các hải đoàn này đi trên tuyến đường biển quốc tế đang có nhiều nguy cơ trên Biển Đông.

Trung Quốc ngang nhiên coi Biển Đông là vùng sân sau của riêng mình, thường xuyên ra tuyên bố về chủ quyền không tranh cãi bất chấp luật pháp quốc tế và thậm chí chứng tỏ sự sẵn sàng chiến đấu nhằm thách thức các nỗ lực của Mỹ. Quyết tâm duy trì vị thế truyền thống, Washington cố gắng duy trì sức mạnh thống trị trong khu vực nhằm hạn chế ảnh hưởng và các kế hoạch quân sự của Bắc Kinh trong khu vực.

Washington lo ngại về việc Trung Quốc đang xây dựng vững chắc các căn cứ quân sự trên những các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp phi pháp ở Biển Đông. Tình huống này có thể dẫn đến hình thành một khu vực cấm truy cập, ngăn chặn tiếp cận (A2AD) ở châu Á, đe dọa sự thống trị các đại dương toàn cầu của Hải quân Mỹ.

Khoảng 90% Biển Đông bị Trung Quốc mập mờ tuyên bố thuộc chủ quyền lãnh thổ với cái gọi là "đường chín đoạn” kéo dài khoảng 2.000km từ bờ biển quốc gia này một cách ngang ngược và phi lý. Hành động tham vọng đầy phi lý của Bắc Kinh đã bị Tòa Trọng tài quốc tế chính thức bác bỏ. Nhiều nước láng giềng quanh Biển Đông đã rơi vào trong khu vực tranh chấp theo tuyên bố của Trung Quốc về cái gọi là quyền lịch sử “không thể tranh cãi” bất chấp luật pháp quốc tế. Mỹ cũng đã bác bỏ mọi tuyên bố của Trung Quốc, tiếp tục các hoạt động duy trì “tự do hàng hải” và nâng cao tầm quan hệ với các đối thủ cạnh tranh của Bắc kinh.

Cuộc chiến “lạnh” về quân sự dường như đã xuất hiện cùng lúc với sự gia tăng mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Washington trong cuộc chiến "hàng rào thuế bảo hộ” diễn ra gay gắt.

 Ngày 03.04.2018, Washington tuyên bố áp đặt mức thuế 25% với danh sách 1.333 mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc với trị giá khoảng 50 tỷ USD.

Ngày 05.04.2018, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng tăng mức thuế lên đến khoảng 100 tỷ USD.

Ngày 06.04.2018, Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương tự với My. Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Gao Feng khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ chiến đấu "bằng mọi giá " và "sẽ có biện pháp đáp trả toàn diện" nếu Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách bảo hộ đơn phương nền sản xuất.

Những mâu thuẫn quân sự và kinh tế trong một cuộc chiến giành ảnh hưởng trên khu vực châu Á – Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ cho thấy, sau hai nhiệm kỳ của người tiền nhiệm và hơn một năm cầm quyền của tổng thống Donal Trump, Washington có thể nhận thức rõ Bắc Kinh là đối thủ nguy hiểm như thế nào. Và Mỹ hiểu rằng đó là sức mạnh lớn có thể phá hủy chiến lược siêu cường toàn cầu của Mỹ, không chỉ trên vùng nước Thái Bình Dương.

Không quân Trung Quốc huấn luyện chiến đấu trên sân bay Liêu ninh - videio CGTN
TTB