Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung:

Mỹ quyết không nhượng bộ; Trung Quốc quyết giáng trả!

VietTimes -- Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chẳng những không dịu bớt mà còn tiếp tục gia tăng. Trong khi Phó tổng thống Mile Pence tuyên bố: “Trừ phi Trung Quốc thay đổi sách lược mậu dịch, nếu không Mỹ quyết không nhượng bộ, sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp cứng rắn!”.
Cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung chỉ có thể được giải quyết trên bàn đàm phán.
Cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung chỉ có thể được giải quyết trên bàn đàm phán.

Cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Donald Trump, ông Lary Kudlow hôm 18/7 đã bày tỏ, hai nước Mỹ - Trung không đạt được thỏa thuận để giải quyết bất đồng về mậu dịch, trách nhiệm ở về phía nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông nói, quả bóng đang nằm trong chân ông Tập Cận Bình, chỉ cần Trung Quốc có phương án đáng hài lòng thì Mỹ sẽ có thể bãi bỏ những mức thuế áp đặt lên sản phẩm Trung Quốc.

Lary Kudlow đã nói như trên tại cuộc hội nghị “Delivering Alpha” (Thực hiện hồi đáp đầu tư tuyệt đối do hãng CNBC và tạp chí “Institutional Investor” tổ chức. Ông nói: “Tôi đã theo đoàn chúng ta tới Bắc Kinh; khi đoàn Trung Quốc tới Mỹ tôi cũng tham gia vào cuộc thảo luận trong bữa ăn tối. Tôi ngồi cạnh Lưu Hạc và viên trợ lý trẻ của ông ta. Tôi cho rằng họ có thành ý nên thấy có hy vọng; nhưng tôi nhận thấy ông Tập Cận Bình không muốn đi theo phương hướng mà chúng tôi đạt được. Tôi cho rằng, Tổng thống rất bất bình với cái gọi là các cuộc đàm phán với Trung Quốc, vì vậy ông không ngừng gây áp lực”.  Ông cho rằng: “Trung Quốc muốn đạt được một thỏa thuận, nhưng ông Tập Cận Bình không muốn nhượng bộ”.

Các vòng đàm phán về mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc đều thất bại
Các vòng đàm phán về mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc đều thất bại 

Ông Bùi Mẫn Hân, Chủ nhiệm nghiên cứu quốc tế và chiến lược của Học viện Claremont McKenna College, cho rằng: ông Tập Cận Bình đứng trước sự lựa chọn giữa việc có tiến hành chiến tranh thương mại với Mỹ hay không? Ông nói: “Nếu không tiến hành thì mất mặt; nếu trả đũa thì chiến tranh thương mại sẽ leo thang, tất có ảnh hưởng đến lợi ích thực tế của Trung Quốc”.

Ông Lary Kudlow đã nêu lên 3 điều kiện để có thể chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại hiện nay. Ông nói: “Chỉ cần Trung Quốc đưa ra một phương án khiến Mỹ chấp nhận được thì vấn đề sẽ nhanh chóng được giải quyết, Phương án đó gồm 3 nội dung: thứ nhất, hạ thấp mức thuế nhập khẩu; thứ hai, hủy bỏ các rào cản phi thuế quan; thứ ba, chấm dứt việc ăn cắp bản quyền, cho phép người Mỹ, người Anh, người Đức và bất kỳ nước nào mở công ty 100% vốn ở Trung Quốc”.

Ông Lary Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Donald Trump
Ông Lary Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Donald Trump 

Đáp lại, ngày 18/7, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Trung Quốc tuyên bố trong cuộc họp báo: “Nếu Mỹ kiên trì thứ logic “Mỹ đánh người khác thì có lý, người khác tự vệ là vô lý”, sẽ chỉ đơn độc ngày càng đi xa hơn trên con đường sai lầm, các nước sẽ càng kiên quyết đáp trả mạnh mẽ”.

Trước những cáo buộc của Mỹ, bao gồm “Trung Quốc cự tuyệt mậu dịch công bằng”, “ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ”, bà Hoa Xuân Oánh chỉ trích những luận điệu của Mỹ đều sai trái, phê bình Mỹ lấy cớ vì an ninh quốc gia để gây trở ngại cho việc các công ty Trung Quốc đầu tư và kinh doanh ở Mỹ. Bà nói: “Trung Quốc đang mở cửa, nhưng Mỹ đang đóng cửa, ai đúng ai sai, cứ nhìn qua là biết”.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hai nước đang cố đạt được một thỏa thuận trước khi Mỹ áp dụng tăng thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu để tạm thời dẹp yên tranh chấp mậu dịch giữa hai bên. Chính phủ Donald Trump thì muốn giải quyết vấn đề trước khi bước vào chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới; còn Trung Quốc cũng lựa chọn cách sớm kết thúc cuộc chiến tranh thương mại này vì muốn giữ ổn định đất nước để giải quyết vấn đề trong nước, tiếp tục phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật.