Mỹ không can thiệp, Syria đã bớt đau thương hơn

VietTimes -- Nếu như chúng ta (Mỹ) không huấn luyện và trang bị cho cái mà chúng ta gọi là “Quân đội Syria tự do” thì giờ đây có lẽ cuộc nội chiến Syria đã kết thúc với số thương vong ít hơn nhiều so với việc kéo dài nỗ lực chiến tranh? - Một góc nhìn khác từ tác giả Mỹ.
Mùa xuân Ả rập bắt đầu từ ngày 18/12/2010 tại Tunisia
Mùa xuân Ả rập bắt đầu từ ngày 18/12/2010 tại Tunisia

Hoa Kỳ có nên kéo dài cuộc nội chiến ở Syria bằng cách trang bị vũ khí cho quân nổi dậy? Trên cơ sở những kinh nghiệm mới đây, có thể đặt câu hỏi rằng liệu việc hạ bệ các nền quân chủ cầm quyền có đem lại lợi ích cho dân chúng Trung Đông nói riêng, toàn thế giới nói chung hay không? Hãy thử xem:

Thất bại của chính quyền Carter giúp đỡ đồng minh Mohammad Reza Palevi - vua Iran, đã dẫn đến sự ra đời của Nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, nay là mối đe dọa lớn nhất trong khu vực. Phần thưởng cho sự trợ giúp ngầm của Hoa Kỳ chính là cuộc tấn công vào Đại sứ quán tại Tehran, kéo theo cuộc khủng hoảng con tin, những đám đông ngoài phố hô vang “Bọn Mỹ chết đi” và sự bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố nhắm vào chính nước Mỹ và đồng minh của Mỹ. Kết quả đối với Israel sẽ là những mối đe dọa chết chóc còn kéo dài nhiều năm tháng nữa.

Thất bại của chính quyền Obama trợ giúp đồng minh Hosni Mubarak, tổng thống Ai Cập và là người ủng hộ chủ chốt tiến trình hòa bình với Israel được khởi xướng bởi Anwar Sadat, thiếu chút nữa đã dẫn đến việc tổ chức Anh em Hồi giáo, bị một số đồng minh trong khu vực coi như là một tổ chức khủng bố, lên nắm chính quyền. Chỉ nhờ sự can thiệp của giới quân sự mới cứu Ai Cập trở thành một đất nước Hồi giáo toàn trị mà thôi.

Còn Muammar Gadafi, một người không phải có phẩm hạnh tốt gì, trong khi đối đầu với các hành động quân sự của (tổng thống) Reagan,  tiếp đó là sự răn đe ngầm của cuộc chiến chống khủng bố do (tổng thống) George W. Bush phát động sau ngày 11/9 /2001, đã chấp nhận từ bỏ tham vọng hạt nhân và thực tế đã hỗ trợ đáng kể trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo. Tuy thế, Hillary Clinton, Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Obama lại phán quyết rằng, đại tá Gaddafi không được phép đàn áp phong trào nổi dậy ở Libya, vì thế đã huy động cộng đồng quốc tế giải phóng đất nước này khỏi thói quen sử dụng bạo lực của ông này. Thế là, sự can thiệp của chúng ta lại đem đến thảm kịch cho nước Mỹ và khủng hoảng cho nhân dân Libya.

Saddam Hussein, một đối trọng của Iran tại Trung Đông, là một nhà độc tài có thiên hướng can dự vào nền chính trị thế giới và gây ra những hành động đáng liều lĩnh. Sau ngày 11/9, ngoài việc tiến hành chiến tranh chống Taliban tại Afghnistan, chính quyền Bush còn mở cuộc xâm lược vào Iraq bởi quan ngại về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Hussein. Chính quyền tiếp theo của Iraq có sự thay đổi, từ sự kiểm soát bởi những người Hồi giáo dòng Sunni, vốn kìm kẹp những người hồi giáo dòng Shiite bằng bàn tay sắt, chuyển sang chính quyền nằm dưới sự kiểm soát của người Shiite lại tiến hành đàn áp người Sunni. Kết quả là thời kỳ khủng bố diễn ra liên miên với các vụ đánh bom tự sát và bom xe nhằm vào cả hai nhánh của đạo Hồi ở đây.  

Sự can dự của chúng ta vào Iraq khi đó dẫn đến quyết định sai lầm mang tính thảm họa và vội vàng của (tổng thống) Obama rút lực lượng Mỹ, từ đó kéo theo sự ra đời của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (IS), gây nên biết bao chết chóc khắp nơi, không chỉ ở Trung Đông mà còn mở rộng ra châu Âu, châu Phi, thậm chí cả ở Mỹ.

Điều đó làm tôi liên tưởng đến câu hỏi về Syria: Nếu Hoa Kỳ không khuyến khích dân chúng Syria nổi dậy chống lại chế độ của tổng thống Assad, nếu như chúng ta không bí mật vũ trang cho quân nổi dậy với vũ khí từ các kho của Gaddafi ở Libya; nếu như chúng ta không huấn luyện và trang bị cho cái mà chúng ta gọi là “Quân đội Syria tự do” thì giờ đây có lẽ cuộc nội chiến Syria đã kết thúc với số thương vong ít hơn nhiều so với việc kéo dài nỗ lực chiến tranh? Tôi không biết trả lời cho câu hỏi này thế nào, nhưng chắc cũng đáng để xem xét một cách nghiêm túc.

Thật là sự trùng hợp đáng chú ý, làn sóng cách mạng lan truyền từ quốc gia Hồi giáo này sang quốc gia Hồi giáo khác, bắt đầu từ Tunisia năm 2010, đến Libya, Egypt, Yemen, Syria và Iraq chỉ cách nhau mấy tháng? Có phải sự trùng hợp ngẫu nhiên, cũng trong thời gian này đã  xảy ra các cuộc biểu tình, đập phá ở Morocco, Bahrain, Algeria, Lebanon, Jordan, Kuwait, Oman và Sudan và các cuộc chống đối quy mô nhỏ hơn ở gần một chục quốc gia khác?

Mùa xuấn Ả rập trải dài qua nhiều nước
Mùa xuấn Ả rập trải dài qua nhiều nước

Có phải là trùng hợp ngẫu nhiên không, khi ở chỗ nào các cuộc biểu tình ngay lập tức bị đàn áp bằng bạo lực bởi chính quyền, các lực lượng dân quân thân chính phủ, các  cuộc phản biểu tình thì tình trạng lộn xộn lại qua nhanh, còn ở đâu Mỹ và các đồng minh can thiệp ủng hộ sự thay đổi chế độ thì trận chiến vẫn tiếp diễn ác liệt và bạo lực vẫn hoành hoành tạo ra làn sóng người tỵ nạn đang đe dọa nền văn minh phương Tây.

Vậy Mỹ và các nước Tây Âu có thực sự muốn ép buộc thay đổi chế độ ở Syria hay thay vào đó, chúng ta nên ủng hộ việc ngừng bắn với chế độ hiện tại? Có những bước đi chúng ta có thể làm trong khi không cần thay đổi chế độ mà theo kinh nghiệm mới đây của chúng ta, có thể đưa lại những kết quả tốt hơn.

Bài của tác giả Robert Turner đăng trên American Thinker 13/4/2017