Mỹ giảm “đi lại tự do” ở Biển Đông để cải thiện quan hệ với Trung Quốc?

VietTimes -- Lầu Năm Góc không còn thường xuyên công khai bàn về các hành động tự do đi lại ở Biển Đông, mà chuyển sang mỗi năm công khai một lần danh sách các hành động. Đây là một thỏa hiệp của Mỹ đối với Trung Quốc.
Trong cuộc gặp từ ngày 6 - 7/4/2017 tại bang Florida Mỹ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dư luận cho rằng Trung Quốc và Mỹ đã có nhiều "thỏa hiệp" với nhau. Ảnh: Washington Times
Trong cuộc gặp từ ngày 6 - 7/4/2017 tại bang Florida Mỹ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dư luận cho rằng Trung Quốc và Mỹ đã có nhiều "thỏa hiệp" với nhau. Ảnh: Washington Times

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 7/5 dẫn nguồn tin từ Mỹ cho hay, theo tiết lộ của một số quan chức Lầu Năm góc, hiện Mỹ đang giảm giọng điệu một số phát ngôn của phía quân đội, bởi vì những phát ngôn này có thể dẫn tới  việc Triều Tiên coi Washington là hiếu chiến.
Đồng thời, Lầu Năm Góc tìm cách giảm tuyên truyền công khai vấn đề các tàu hải quân đi qua Biển Đông. Đây là một trong những biện pháp được chính phủ Mỹ áp dụng để cải thiện quan hệ với Trung Quốc, mục đích là để Bắc Kinh thúc giục Bình Nhưỡng hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân.
Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng mạnh mẽ tuyên truyền về các hành động đi lại ở Biển Đông của tàu hải quân Mỹ, đó chính là những hành động “tự do đi lại”, mục đích là để thế giới biết rằng Bắc Kinh không muốn thừa nhận khu vực này là vùng biển quốc tế.
Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, sau khi ông Donald Trump lên cầm quyền, hải quân Mỹ chỉ một lần đưa ra yêu cầu triển khai hành động loại này, nhưng vẫn bị Lầu Năm Góc từ chối.
Quan chức này cho biết, điều đó xuất phát từ một số nguyên nhân, bao gồm Lầu Năm Góc đang giảm nhiệt những hành động  bị coi là nhằm đối đầu với Trung Quốc hoặc Triều Tiên.
Theo đó, chính phủ Mỹ xem xét toàn diện đối với hành động “tự do đi lại” (đặc biệt là các hành động ở Biển Đông), mục đích là đảm bảo cho chiến thuật của phía quân đội thống nhất với chính sách Trung Quốc tổng thể của Mỹ, chính sách này bao gồm các nỗ lực ngoại giao và chính trị áp dụng lập trường tương đối ôn hòa đối với Bắc Kinh.

Cụm tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan Hải quân Mỹ tiến hành huấn luyện trên Biển Đông. Ảnh: Sohu
Cụm tấn công tàu sân bay USS Ronald Reagan Hải quân Mỹ tiến hành huấn luyện trên Biển Đông. Ảnh: Sohu

Sau khi hoàn thành xem xét, chính phủ Mỹ đã tiến hành điều chỉnh quan trọng đối với việc tuyên truyền công khai của những hành động này. Các quan chức cho biết Lầu Năm Góc không còn tiếp tục thường xuyên công khai bàn về những hành động này, chuyển sang một năm công khai một lần danh sách các hành động. Cách làm này rất giống với giảm giọng điệu các phát ngôn về Triều Tiên, nhưng động cơ có khác nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng sử dụng các phát ngôn thù địch đối với Trung Quốc kéo dài tới vài tháng, bao gồm tuyên bố coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, nhưng hiện đã có sự chuyển ngoặt lớn. Đến nay, ông Donald Trump công khai ca ngợi Trung Quốc đã có những nỗ lực trong việc hóa giải cuộc khủng hoảng Triều Tiên.
Vài quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong vấn đề Triều Tiên, đến nay Mỹ đang tìm cách để cho sĩ quan chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Bộ Tư lệnh quân Mỹ tại Hàn Quốc (chứ không phải là quan chức Lầu Năm Góc) đưa ra thông tin công khai, mục đích là giảm phạm vi ảnh hưởng và giảm tầm quan trọng của nó.
Ngoài ra, chính quyền Donald Trump hầu như đã giảm sức ép đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Dư luận quốc tế cho rằng đây là một thỏa hiệp khác được Tân Tổng thống Mỹ đưa ra đối với Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Một quan chức quốc phòng cao cấp cho biết từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền, yêu cầu duy nhất điều tàu chiến đến vùng biển đảo nhân tạo trên Biển Đông do quân đội Mỹ đưa ra cũng bị Lầu Năm Gốc phủ quyết.

Cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ trên Biển Đông ngày 17/5/2016. Ảnh: Sina
Cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis Hải quân Mỹ trên Biển Đông ngày 17/5/2016. Ảnh: Sina

Theo chuyên gia, đây là động thái mới nhất để vỗ về Trung Quốc của ông Donald Trump, bởi vì ông muốn Trung Quốc hỗ trợ Mỹ ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Trong một phiên điều trần xác nhận đề cử chức Ngoại trưởng, ông Rex Tillerson từng cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sẽ áp dụng thái độ mạnh tay hơn trong vấn đề Biển Đông. Nhưng, cùng với sự cải thiện trong quan hệ giữa ông Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cộng với Mỹ coi tình hình bán đảo Triều Tiên là nhiệm vụ quan trọng, Mỹ đã giảm làm nóng vấn đề Biển Đông.
Nhà nghiên cứu cấp cao Mike Chinoy, Đại học Nam California, cho rằng quyết định không thách thức Trung Quốc ở Biển Đông của chính quyền Donald Trump làm cho Trung Quốc cảm thấy rất phấn khích.
Mike Chinoy nói: “Nếu bạn là nhà lãnh đạo Trung Quốc, bạn sẽ rất vui mừng nhìn thấy Donald Trump vào làm ông chủ Nhà Trắng, bởi vì ông đã nhượng bộ Trung Quốc rất nhiều về phạm vi ảnh hưởng và ưu thế. Đồng thời, những nước không muốn Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột nhưng mong muốn Mỹ kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc hy vọng làm rõ họ không còn tiếp tục lệ thuộc vào Mỹ như trước đây”.
Một số nước đã bắt đầu xem xét lại vấn đề này. Trong Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 4/2017, Trung Quốc đã giành được “một thắng lợi quan trọng”. Bởi vì, Tuyên bố Chủ tịch của hội nghị này đã giảm mạnh giọng điệu phê phán hành vi xây dựng đảo nhân tạo (phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên? Ảnh: KRT
Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc để giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên? Ảnh: KRT

Giáo sư nghỉ hưu Carl Thayer của Đại học New South Wales, Australia nói: “ASEAN không thể duy trì được lập trường trước Trung Quốc… trừ phi các cường quốc biển gây sức ép với Trung Quốc”.
Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ vẫn sẽ tiếp tục các hành động “tự do đi lại” thường xuyên, nhưng trong thời gian tới “những hành động này sẽ chỉ công khai trong báo cáo hành động tự do đi lại thường niên, chứ sẽ không công khai nhanh chóng”.
Điều này đã có sự khác biệt rất lớn so với chính sách của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trước đây, chính quyền Barack Obama luôn thường xuyên công khai thảo luận về các hành động ở Biển Đông.