Mỹ dồn quân tới Biển Đông, Trung Quốc lo bị bao vây

VietTimes -- Tuần qua, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã thăm tới hai tàu sân bay, tiết lộ một thỏa thuận quân sự mới với Ấn Độ và báo hiệu rằng chính quyền Obama đã quyết định tập trung nhiều sức mạnh quân sự hơn nhằm chống lại tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực, The Strait Times nhận xét.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ vừa đi quan Biển Đông, gửi một thông điệp mạnh tới Trung Quốc
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ vừa đi quan Biển Đông, gửi một thông điệp mạnh tới Trung Quốc

Tuy nhiên, The Strait Times cho rằng cách tiếp cận mới đầy cơ bắp được thể hiện trong chuyến công du của ông Carter là một canh bạc. Trong khi Mỹ phát đi thông điệp rằng Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh thách thức sự bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông, nó cũng đồng thời bộc lộ sự sợ hãi trong giới lãnh đạo Trung Quốc về cố gắng của Mỹ nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa Lầu Năm Góc càng tăng cường lực lượng tới khu vực, Trung Quốc có thể càng cảm thấy cần phải đẩy nhanh xây dựng sức mạnh quân sự, bao gồm nhanh chóng quân sự hóa các đảo nhân tạo mới xây dựng trái phép với các hệ thống radar và đường băng ở vùng biển tranh chấp.

Một số nhà phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc có thể phản ứng trước các động thái của Lầu Năm Góc với những hành động hung hăng hơn, thách thức cam kết của Mỹ đối với khu vực trong một trò chơi bắn gà và đang làm gia tăng nguy cơ về một một cuộc xung đột quân sự.

Trung Quốc đã theo dõi rất sát chuyến công du của ông Carter, chuyến đi lẽ ra ông đã dự kiến có chặng dừng chân ở Bắc Kinh nhưng đã bị hủy bỏ đột ngột chỉ một tuần trước khi ông chủ Lầu Năm Góc tới châu Á. Trong thông cáo cuối tuần trước, bộ quốc phòng Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ làm sống dậy “tâm lý chiến tranh lạnh” và tuyên bố Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao tình hình và kiên quyết bảo vệ cái gọi là “chủ quyền và lợi ích biển” của nước này.

Ngày 15/4,  trong một phản ứng thách thức và thể hiện thái độ không khoan nhượng, Trung Quốc thông báo phó chủ tịch quân ủy trung ương Phạm Trường Long đã đi thăm các đảo tranh chấp ở quần đảo Trường Sa. Giáo sư Su Hao ở Đại học Ngoại giao tại Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc xem các hành động của nước này ở Biển Đông là hợp pháp trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ (thật nực cười là Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm và tự vẽ ra đường lưỡi bò ngang ngược, bấp chấp luật pháp quốc tế, để rồi bây giờ lại coi khu vực này thuộc chủ quyền của họ). Theo ông Su, Trung Quốc sẽ không thay đổi thái độ hay kế hoạch triển khai ở Biển Đông chỉ đơn thuần do Mỹ.

Trong chuyến công du châu Á vừa qua, ông Carter đã cho thấy Mỹ có ý định vừa tăng cường khối liên minh, cũng như vừa điều động nhiều binh sĩ và vũ khí hơn tới đây để ngăn chặn mục tiêu quân sự hóa của Trung Quốc. Cuối tuần trước, ông bay một vòng trên trực thăng, một hành động mang tính biểu tượng của quyền lực Mỹ tại Thái Bình Dương, khi ông chủ Lầu Năm Góc ra thăm tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz đi xuyên qua vùng nước tranh chấp ở Biển Đông.

Theo New York Times, nhân vòng công du, bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã nhiều lần nhắc lại rằng chính các hành động của Trung Quốc là động lực chủ yếu làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, hàm ý rằng đó là nguyên do thúc đẩy các nước láng giềng của Trung Quốc ngày càng hợp tác nhiều hơn với Lầu Năm Góc. Thế nhưng ông Carter luôn cho rằng Trung Quốc không nên coi sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ là một sự khiêu khích.

«Chúng tôi đã có mặt ở đây từ thập kỷ này qua thập kỷ khác. Lý do duy nhất khiến cho vấn đề được đặt ra là những gì đã xảy ra trong năm qua, và đó là một câu hỏi về hành vi của Trung Quốc. Việc tàu sân bay Mỹ hiện diện ở khu vực này không mới. Cái mới là bối cảnh và tình trạng căng thẳng mà chúng tôi muốn làm dịu căng thẳng», ông Carter nói.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter trên trực thăng khi thăm tàu sân bay trên Biển Đông tuần qua
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter trên trực thăng khi thăm tàu sân bay trên Biển Đông tuần qua

Trước khi thăm mẫu hạm John C. Stennis, ông Carter đã bế mạc cuộc tập trận kéo dài 11 ngày giữa quân đội Mỹ với Philippines và thông báo một số binh sĩ Mỹ sẽ ở lại nước này để “đóng góp vào sự ổn định và an ninh khu vực”. Ông cũng cho biết Mỹ đã bắt đầu các cuộc tuần tra chung với quân đội Philippine.

Hồi đầu tuần trước, ông Carter cũng đã lên một tàu sân bay Ấn Độ, chuyến thăm lần đầu tiên của của một bộ trưởng quốc phòng Mỹ tới một con tàu như vậy và thông báo Mỹ sẽ giúp Ấn Độ nâng cấp các tàu sân bay. Ông cũng tiết lộ một thỏa thuận mới Mỹ-Ấn và nói rằng hai nước sẽ làm việc cùng nhau về các công nghệ quân sự khác.

Những biện pháp bộ trưởng quốc phòng Mỹ thông báo cho thấy một sự tăng cường quân sự mạnh mẽ tiềm tàng tại phần thế giới mà Trung Quốc vốn tin rằng họ sẽ vượt qua ảnh hưởng của Mỹ. Chính quyền Obama dường như đánh cược rằng Trung Quốc sẽ lùi bước thay vì tiếp tục dấn thêm các hành động dẫn tới thúc ép các nước láng giềng ngả về phía Mỹ.

Chính quyền Obama không coi cách tiếp cận của mình đối với Trung Quốc là sự hồi sinh của chính sách «kiềm tỏa», một chiến lược thời Chiến Tranh Lạnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa cộng sản. Trái lại, ông Carter xác định rằng các sáng kiến quân sự mới trong khu vực đều phù hợp với chính sách mà Mỹ đã có từ lâu: Đó là hợp tác chặt chẽ với các nước cùng chung ý hướng.

«Chính sách của Mỹ tiếp tục dựa trên các nguyên tắc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, giải quyết trên cơ sở tôn trọng luật pháp các vấn đề như tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, hoặc ở bất cứ nơi nào khác, tôn trọng tự do hàng hải, tự do thương mại». Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nêu rõ: «Quốc gia nào mà không chấp nhận những điều đó, thì sẽ tự cô lập mình... Đó sẽ là tự cô lập, chứ không phải là bị Mỹ cô lập».

Các diễn biến trên đây thể hiện một thất bại đối với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã giám sát việc Bắc Kinh tăng tốc xây dựng tiềm năng quân sự ở Biển Đông. Ông Tập Cận Bình có thể bị cáo buộc là đã lôi kéo Mỹ trở lại khu vực môt cách vô ích.

Theo chuyên gia Desmond Walton, cựu tùy viên quân sự Mỹ tại Thái Lan và nguyên giám đốc đặc trách Đông Nam Á tại Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, chỉ trong vòng 5-6 năm trở lại đây chính do Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông mà liên minh Mỹ-Philippines đã được phục hồi. Giờ đây, không hồ nghi rằng mục đích trung tâm của liên minh là cung cấp sự tiếp cận các căn cứ quân sự ở Philippines cho các lực lượng Mỹ. Từ đó, Mỹ có thể dễ dàng hành động chống lại hành động bành trướng và dọa dẫm của Trung Quốc ở Biển Đông.

T.N