Mỹ đe sẵn sàng phản ứng quân sự quy mô lớn với Triều Tiên

VietTimes -- Việc thử bom H của Triều Tiên đã gây phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, trong đó Mỹ và Hàn Quốc sẽ triển khai phương án quân sự cụ thể, có thể có phản ứng quân sự quy mô lớn.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành chỉ đạo đối với chương trình vũ khi hạt nhân. Ảnh: Reuters.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành chỉ đạo đối với chương trình vũ khi hạt nhân. Ảnh: Reuters.

Ngày 3/9, báo chí Triều Tiên xác nhận, dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Triều Tiên đã thử thành công bom H (bom khinh khí) với “sức mạnh chưa từng thấy”.

Đối với vụ thử này, Mỹ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc đều xác nhận đã xảy ra địa chấn mạnh 6,3 độ Richter ở Triều Tiên, cho thấy Triều Tiên đã thử hạt nhân tiếp theo. Đây thực sự là một “thách thức” đối với Mỹ và đồng minh Đông Bắc Á.

Thậm chí đây có thể được coi là một thách thức đối với cộng đồng quốc tế, bởi vì các hành động của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Ngay sau khi Triều Tiên thử bom H lần này, không chỉ Mỹ và đồng minh Đông Bắc Á, đồng minh châu Âu, mà cả Trung Quốc và Nga đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Trung Quốc lên tiếng bày tỏ “phê phán mạnh mẽ” nhưng vẫn tiếp tục duy trì lập trường cũ, trong đó tuyên bố kiên trì thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Trong khi Nga cho rằng lãnh đạo Triều Tiên đã đơn phương áp dụng hành động phá hoại hệ thống chống phổ biến toàn cầu, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh bán đảo Triều Tiên và toàn bộ khu vực, tiếp tục hành động theo hướng này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân Triều Tiên.

Nga cho rằng đối thoại, đàm phán là con đường duy nhất giải quyết vấn đề Triều Tiên. Nga nhắc lại sáng kiến chung do Nga và Trung Quốc khởi xướng để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters.

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã yêu cầu sáng ngày 4/9 khẩn cấp mở hội nghị thảo luận về tình hình Triều Tiên. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án Triều Tiên thử hạt nhân, cho rằng điều này “tạo ra mối đe dọa to lớn cho an ninh khu vực”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến hành trừng phạt mới đối với Triều Tiên, bao gồm các biện pháp trừng phạt mới của Liên hợp quốc, từ đó “cô lập toàn diện Triều Tiên”.

Trong điện đàm, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức cho rằng vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên là hành vi khiêu khích đã đạt mức cao hoàn toàn mới. Hai bên chủ trương tiếp tục gia tăng mức độ trừng phạt của EU đối với Triều Tiên.

EU cũng lên tiếng phê phán mạnh mẽ vụ thử hạt nhân mới của Triều Tiên, cho rằng hành động này của Triều Tiên là “không thể chấp nhận được”. EU yêu cầu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình tên lửa đạn đạo, lập tức chấm dứt các hoạt động liên quan.

Tuần tới, phía EU sẽ tiến hành gặp gỡ các tổ chức quốc tế liên quan, thảo luận về giải pháp đối với Triều Tiên. Nhưng EU cho rằng, giải quyết vấn đề Triều Tiên chỉ có thể thông qua biện pháp hòa bình.

Đặc biệt, Mỹ đã lên tiếng phản ứng mạnh mẽ nhất đối với Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết bất cứ mối đe dọa nào của Triều Tiên đối với Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ đều sẽ dẫn tới “phản ứng quân sự quy mô lớn”. Ông cho biết nếu Mỹ muốn tiến hành tiêu diệt hoàn toàn Triều Tiên thì sẽ có rất nhiều phương án để làm như vậy.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford. Ảnh: The Independent.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford. Ảnh: The Independent.

Trước đó, ông James Mattis và các cố vấn cấp cao khác đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, thảo luận về vấn đề Triều Tiên thử bom H. Trong cuộc họp báo, ông James Mattis tuyên bố: “Bất cứ mối đe dọa nào đối với Mỹ, bao gồm mối đe dọa đối với Guam hoặc đối với các đồng minh của chúng tôi, thì đều sẽ đối mặt với phản ứng quân sự quy mô lớn, đó là phản ứng mạnh mẽ và mang tính áp đảo”.

Ông James Mattis nói: “Chúng tôi cho biết rõ, chúng tôi có năng lực bảo vệ bản thân và đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản tránh bất cứ cuộc tấn công nào. Cam kết của chúng tôi đối với đồng minh là kiên định”.

Trong khi đó, ngày 3/9, quân đội Hàn Quốc cho biết đồng minh Hàn - Mỹ sẽ tiến hành đáp trả bằng các hành động cụ thể. Quan chức cấp cao quân đội Hàn - Mỹ cũng đã tiến hành điện đàm khẩn cấp sau khi Triều Tiên thử hạt nhân, nhất trí hai bên sẽ nhanh chóng đưa ra và triển khai thực hiện phương án quân sự liên quan.

Theo tiết lộ của nhiều nguồn tin trong chính phủ Hàn Quốc ngày 3/9, Hàn Quốc và Mỹ đang tích cực cân nhắc triển khai luân phiên các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35B trên bán đảo Triều Tiên, tăng cường khả năng tiến hành mở rộng răn đe của Mỹ. Mỹ còn có thể triển khai bổ sung 1 - 2 phi đội máy bay chiến đấu F-16 ở Hàn Quốc.

Trong đó, máy bay chiến đấu F-22 có tính năng tàng hình, có thể tránh được mạng lưới phòng không của đối phương, có thể mang theo 8 quả bom GBU-39 tầm phóng 110 km. Còn F-35B có tốc độ tối đa 1,6 Mach, hệ thống radar dò được mục tiêu trong phạm vi 500 km, trang bị vũ khí tấn công dẫn đường liên hợp và bom lượn chống radar.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ. Ảnh: Huanqiu.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ. Ảnh: Huanqiu.

Trước đó, ngày 1/9, Mỹ và Hàn Quốc đã đồng ý tăng cường khả năng phòng thủ của Seoul, Mỹ đồng ý bán trang bị quân sự trị giá vài tỷ USD cho Hàn Quốc.

Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết: “Nhà lãnh đạo hai nước đồng ý thông qua hợp tác quốc phòng để tăng cường quan hệ đồng minh, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ của Hàn Quốc. Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn bằng cam kết đối với kế hoạch mua sắm trang bị quân sự vài tỷ USD của Hàn Quốc”.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí về nguyên tắc rằng tiến hành nới lỏng hạn chế đối với khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc. Theo quy định trước đây, tầm bắn tối đa của tên lửa đạn đạo Hàn Quốc bị giới hạn là 800 km, đầu đạn nặng không quá 500 kg. Hàn Quốc mong muốn trọng lượng tối đa của đầu đạn là 1 tấn.

Trong khi đó, tờ National Interest Mỹ ngày 1/9 đã liệt kê những vũ khí trang bị mà Nhật Bản có thể dùng để ứng phó với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên, bao gồm: tăng cường khả năng phòng thủ của tàu khu trục Aegis, mua sắm hoặc phát triển tên lửa hành trình (như Tomahawk Mỹ), phát huy sức mạnh của lực lượng tàu chiến mặt nước; tăng cường tập trận chung Mỹ - Nhật đối phó với các cuộc khủng hoảng tiềm tàng trên bán đảo Triều Tiên.