Muốn “lên sàn” phải xin... Thủ tướng!

Quá trình chuẩn bị thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã xuất phát từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa đi đến điểm kết thúc. Các doanh nghiệp phía Bắc muốn niêm yết thẳng ở sàn phía Nam chỉ còn cách... xin Thủ tướng!
Từ cuối tháng 3-2014 Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đặt trụ sở của SGDCKVN tại thành phố.
Từ cuối tháng 3-2014 Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đặt trụ sở của SGDCKVN tại thành phố.

Hội nghị Sở Giao dịch chứng khoán các nước Asean quyết định mỗi thành viên chọn ra 30 doanh nghiệp tiêu biểu theo các tiêu chí về quy mô, vốn hóa, hiệu quả kinh doanh, thanh khoản... để giới thiệu cho các nhà đầu tư trong khu vực. Việt Nam là nước duy nhất có hai sở giao dịch chứng khoán, nên chia ra mỗi sở chọn 15 công ty. Có điều 15 doanh nghiệp tiêu biểu của sàn Hà Nội chưa chắc đã ở mức tiêu biểu cho cả nước, trong khi sàn TPHCM có sự lựa chọn rộng hơn nhiều.

Chuyện đó cũ rồi, từ vài năm trước, đã thành quá khứ. Chuyện mới bây giờ là chuẩn bị thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (SGDCKVN), tạo hàng hóa chất lượng cho thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vướng mắc bắt nguồn từ các nhà hoạch định chính sách mà nếu không tháo gỡ, sẽ gây tổn thương không ít cho sự phát triển thị trường đứng trên tầm nhìn, lợi ích quốc gia.

Phân công rõ ràng, nhưng...

Ngay từ cuối tháng 3-2014 Chủ tịch UBND TPHCM ông Lê Hoàng Quân đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đặt trụ sở của SGDCKVN tại thành phố. Ngoài lợi thế truyền thống là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; sàn chứng khoán phía Nam là nơi góp mặt của những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế; một yếu tố không thể bỏ qua là Hose đã xây dựng xong trung tâm dự phòng hiện đại tại khu công nghiệp phần mềm Quang Trung trên diện tích 5.000 mét vuông. Hơn các đô thị khác, thành phố xứng đáng được là nơi đặt đại bản doanh của sở giao dịch chứng khoán hợp nhất.

Khía cạnh kỹ thuật ấy có lẽ không nên bàn luận dài dòng. Đáng quan tâm hơn là quá trình chuẩn bị thành lập SGDCKVN đã xuất phát từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa đi đến điểm kết thúc và một số điểm chính yếu trong đề án luôn phải chỉnh sửa. Nếu thành lập một sở thống nhất mà hai sàn giao dịch cổ phiếu (Hnx và UpCom) cộng với trái phiếu vẫn để ở Hà Nội, còn Hose vẫn ở TPHCM, thì xem ra không thuận lợi cho công việc quản lý điều hành. Theo như cách thức tổ chức thị trường chứng khoán của nhiều nước và có lẽ cũng không phải là bất hợp lý khi tập trung thị trường cổ phiếu về một nơi và thị trường trái phiếu về một nơi.

Đơn giản, hợp lý và nhanh gọn, đỡ tốn công sức cũng như nhân lực là tập trung giao dịch cổ phiếu về Hose, còn Hnx sẽ chuyên nghiệp hóa giao dịch trái phiếu. Từ trước đến nay trái phiếu vẫn được giao dịch ở sàn Hà Nội với sự đầu tư công nghệ rất lớn. Trong tương lai, trái phiếu mới là kênh thu hút, huy động vốn chủ yếu với sự tham gia của các định chế tổ chức.  

Nếu tính toán ngược lại, đưa tất cả giao dịch cổ phiếu ra sàn Hà Nội và đẩy giao dịch trái phiếu vào sàn TPHCM, thì tréo ngoe vì thiết bị, máy móc, công nghệ phục vụ giao dịch trái phiếu Hose chưa có, nếu muốn làm phải đầu tư từ đầu, trong khi hệ thống dịch vụ trái phiếu Hnx đã có lại bỏ không. Còn nếu dồn toàn bộ giao dịch cổ phiếu ra Hnx, thì đóng cửa luôn Hose cho rồi, nói gì nữa?

Trước đây việc phân công rõ ràng Hose đảm đương giao dịch cổ phiếu, Hnx trái phiếu đã nhiều lần được khẳng định, song không hiểu vì lý do gì, đến nay các bước đi này vẫn chưa được tiến hành. Đâu vẫn nằm nguyên đấy từ các quy định pháp lý đến chuyên môn kỹ thuật. Đến giờ, sự “nằm nguyên” bắt đầu bị thực tế phản ứng.

“Ông lớn” chê UpCom

Đạm Cà Mau - một doanh nghiệp đình đám của ngành dầu khí - đã bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào đầu tháng 12-2014 và đang tiến hành các thủ tục chuyển đổi thành công ty cổ phần, đại hội cổ đông. Khi IPO, Đạm Cà Mau đã lên kế hoạch và thông báo cho nhà đầu tư sẽ niêm yết trên Hose sau ba tháng tính từ ngày chuyển đổi.    

Ngày 5-1-2015 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 01 hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết. Thông tư quy định “công ty đại chúng hình thành từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước kể từ ngày 1-11-2014 phải thực hiện đăng ký giao dịch trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Quyết định 51 về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước”.

Căn cứ theo quy định trên, Đạm Cà Mau phải đăng ký giao dịch trên UpCom trong vòng 90 ngày.
Khổ nỗi Đạm Cà Mau không muốn lên UpCom và các “ông lớn” khác vừa IPO thành công như Cảng Hải Phòng, Vinatex, Vietnam Airlines... không ai muốn đăng ký giao dịch ở UpCom cả. UpCom, theo ý kiến của họ, là sàn “hạng bét”, giao dịch lèo tèo vài trăm triệu đồng/ngày, có cổ phiếu cả năm không ai mua bán. Ngay cái danh “đăng ký giao dịch” đã như thứ hạng dưới so với “niêm yết” rồi.

Và còn đó cổ đông của những “ông lớn” nữa. Họ muốn niêm yết để cổ phiếu được giao dịch, có thanh khoản, thu hút các định chế tài chính, các quỹ đầu tư nội - ngoại nhằm dọn đường cho việc bắt tay với đối tác chiến lược nước ngoài... Lên UpCom hóa ra tự thu mình vào một góc, tự loại bỏ mình khỏi cuộc chơi.

Bởi thế, Vietnam Airlines nhất quyết không chịu lên UpCom. Tuy nhiên vượt rào phải coi chừng! Muốn đặc cách “nhảy qua” Thông tư 01, Quyết định 51, niêm yết thẳng ở sàn phía Nam, theo ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hose, các doanh nghiệp chỉ còn cách... xin Thủ tướng! Giới tài chính và cộng đồng doanh nghiệp nghĩ gì khi một chuyện như niêm yết để trở nên minh bạch, đại chúng, họ phải xin đến Chính phủ? Giới đầu tư nước ngoài nhìn vào khúc mắc này, sẽ đánh giá sao về môi trường đầu tư của Việt Nam?  

Việt Nam đang cải tổ doanh nghiệp nhà nước, đang tái cấu trúc ngân hàng, giờ cần thêm một vế nữa: cải cách mạnh mẽ, toàn diện thị trường chứng khoán. Có thế, mới có thể thu hẹp khoảng cách tụt hậu giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. 

Theo một đại điện của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, trong khi Quyết định 51/2014/TTg về thoái vốn, bán cổ phần, đăng ký giao dịch và niêm yết của doanh nghiệp nhà nước buộc doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa thành công, đã có giấy chứng nhận doanh nghiệp cổ phần phải đăng ký giao dịch tại UpCom trong vòng 90 ngày. Nghĩa là nếu doanh nghiệp muốn lên niêm yết tại các sở giao dịch chứng khoán như TPHCM hay Hà Nội nếu có đủ điều kiện đều chỉ thực hiện sau khi đã giao dịch trên UpCom. Quy định này áp dụng đối với doanh nghiệp niêm yết từ sau ngày 1-11-2014.

Còn tại Thông tư 01/2015/TT-BTC hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết chỉ bắt buộc doanh nghiệp đăng ký giao dịch trong vòng 90 ngày sau khi có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chứ không quy định rõ là trên sàn niêm yết hay UpCom.

Theo vị này, hiện tại nhiều doanh nghiệp lớn không muốn đăng ký giao dịch trên UpCom mà muốn lên thẳng sàn niêm yết thì lại vướng cả hai quy định này. Vì nếu muốn lên niêm yết thì doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian hơn là chỉ ba tháng để chuẩn bị hồ sơ, thuê kiểm toán như quy định tại Thông tư 01. Còn nếu chiếu theo Quyết định 51 thì doanh nghiệp phải lên UpCom trước chứ không bỏ qua được giai đoạn này, điều này mất thêm thời gian cho doanh nghiệp.

Vị này cho biết trong một vài trường hợp, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM đã phối hợp với doanh nghiệp để vừa làm thủ tục IPO vừa chuẩn bị hồ sơ niêm yết nên có khả năng trong ba tháng sau IPO là niêm yết được. Tuy vậy, đó là với doanh nghiệp quy mô vừa phải.
Hiện sở đang chờ Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về Quyết định 51, trong đó có việc gia hạn thời gian buộc niêm yết của doanh nghiệp lên hơn ba tháng và trong trường hợp đã làm hồ sơ niêm yết thì không cần phải giao dịch tại UpCom.

Theo TBKTSG