"Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"

Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nếu làm khoa học, làm quản lý, làm lãnh đạo thì phải lao tâm khổ tứ, ngày đêm suy nghĩ, trăn trở, tìm mọi cách sáng tạo để thúc đẩy công việc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Sáng 10/6, lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 đã được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức trọng thể tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng và biểu dương các tấm gương được tuyên dương trong buổi lễ, ghi nhận những đóng góp của các đại biểu và những kết quả đạt được trong phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng.

Tổng Bí thư cho rằng, bên cạnh 400 điển hình tiên tiến về dự Lễ tôn vinh tại Hội nghị này, còn có rất nhiều tấm gương thầm lặng khác trên nhiều lĩnh vực, trên mọi miền của Tổ quốc, trong các tầng lớp dân cư, kể cả đồng bào ta đang lao động, học tập, sinh sống ở nước ngoài.

Nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền", Tổng Bí thư nhấn mạnh, nếu làm khoa học, làm quản lý, làm lãnh đạo thì phải lao tâm khổ tứ, ngày đêm suy nghĩ, trăn trở, tìm mọi cách sáng tạo để thúc đẩy công việc. Nếu là người lao động bình thường thì hết lòng, hết sức tận tụy để đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất, đóng góp được nhiều nhất. Thêm mỗi việc làm tốt, mỗi nghĩa cử cao đẹp là thiết thực góp phần xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp trong xã hội, góp phần làm cho cuộc sống của mỗi người ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Tổng Bí thư nhận định, đằng sau những gương điển hình tiên tiến, đằng sau những việc làm tốt là những tấm lòng yêu nước, yêu chế độ, trọng nghĩa tình, tương thân tương ái với đồng bào, đồng chí và đồng đội; là quyết tâm làm giàu cho mình và cho quê hương, đất nước; là ý chí vươn lên nắm lấy những hiểu biết mới về khoa học và công nghệ để lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Những cá nhân tiêu biểu được tuyên dương hôm nay là những tấm gương sáng, là hạt nhân nòng cốt để góp phần làm cho phong trào thi đua ngày càng đi vào chiều sâu thực chất và đạt kết quả tốt hơn.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, giành được danh hiệu, giành được sự kính trọng và lòng yêu mến đã khó, nhưng giữ được danh hiệu, giữ được lòng yêu mến còn khó hơn rất nhiều. Đây mới chỉ là kết quả của những cố gắng bước đầu, chặng đường sắp tới còn dài, còn lắm gian nan. Tổng Bí thư đề nghị mỗi tập thể, mỗi cá nhân được tuyên dương không được chủ quan, thỏa mãn, mà phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, cống hiến nhiều hơn nữa, đạt những thành tích cao hơn nữa, xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người mãi mãi noi theo.

Tổng Bí thư đề nghị Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, các bộ, ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp để khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, thúc đẩy phong trào cách mạng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; để cán bộ, công chức, viên chức của cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; làm cho phong trào thi đua diễn ra một cách thiết thực và công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành một động lực, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 là hoạt động thiết thực kỷ niệm 69 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11.6.1948 – 11.6.2017), Ngày truyền thống thi đua yêu nước (11.6). Đây cũng là dịp để các điển hình tiêu biểu trong toàn quốc được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lao động, học tập, rèn luyện, công tác.

Tham dự Lễ tuyên dương có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Cùng trưởng đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố, đại diện các bộ, ngành, địa phương và cán bộ chuyên trách làm công tác thi đua, khen thưởng, đại diện các cơ quan truyền thông và gần 400 gương mặt điển hình tiên tiến.

Trong tổng số gần 400 điển hình tiên tiến được vinh danh đợt này có 261 đại biểu do địa phương giới thiệu và 116 đại biểu do các cơ quan đoàn thể Trung ương giới thiệu. Đại biểu lớn tuổi nhất là ông Vũ Văn Thuật, 71 tuổi, nông dân xã Thống Kê, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương; đại biểu trẻ tuổi nhất là em Huỳnh Hoàng Khánh, 14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Him Lam, tỉnh Hậu Giang.

Đáng chú ý, trong các điển hình tiên tiến còn có xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - vận động viên đầu tiên của Việt Nam đạt được Huy chương Vàng tại Thế vận hội Olympic; công nhân Trương Thái Sơn - được mệnh danh là “Vua sáng kiến” của Công ty Điện lực Chợ Lớn với hàng chục sáng kiến làm lợi hàng chục tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Ngừng - thẩm phán trung cấp, Chánh án Tòa án nhân dân TP.Trà Vinh đã xét xử 2.000 vụ không có oan sai; bà Nguyễn Kim Lý - Trưởng ban từ thiện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Bạc Liêu đã 20 năm gắn bó với công tác từ thiện, năm 2016 bà đã vận động, quyên góp được gần 6 tỉ đồng để giúp đỡ người nghèo...

Đặc biệt, cùng các gương mặt xuất sắc, có 4 đại biểu thuộc Tổng LĐLĐVN giới thiệu là những cán bộ công đoàn cơ sở giỏi, là những người lao động trực tiếp đang cống hiến công sức, sự sáng tạo trong lao động sản xuất.

Đó là anh Nguyễn Huy Sơn thợ tiện – nguội giàn khí nén Trung tâm, Xí nghiệp khai thác các công trình khí Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro. Anh Sơn đã có rất nhiều sáng kiến trong quá trình lao động sản xuất. Đặc biệt sáng kiến chế xe đẩy kéo mặt chặn của anh đã tiết kiệm rất nhiều sức lao động, khi chỉ cần một người có thể di chuyển tấm sắt 87kg thay vì trước đây phải cần đến 3-4 người.

Được tuyên dương đợt này còn có anh Nguyễn Địch Huy - một Chủ tịch CĐCS tận tâm. Năm 1992, Cty Hùng Vương được thành lập và một năm sau Cty có CĐCS, từ đó đến nay, 24 năm liên tục, anh Nguyễn Địch Huy được bầu làm Chủ tịch CĐCS. Với số lượng lao động gần 2.000 người, lại trải dài trên nhiều miền của đất nước, nhưng suốt nhiều năm qua, ở Cty Hùng Vương chưa từng xảy ra tranh chấp lao động. Có được điều này là nhờ hoạt động của CĐCS, trong đó có vai trò không nhỏ của vị Chủ tịch CĐCS.