Một miếng ăn 3 Bộ quản lý, dân vẫn "xơi" đồ độc hại là sao?

 Đó là bức xúc được các đại biểu đưa ra tại diễn đàn “An toàn thực phẩm - trách nhiệm của toàn xã hội” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày hôm qua (17/12) tại Hà Nội.
Một miếng ăn 3 Bộ quản lý, dân vẫn "xơi" đồ độc hại là sao?

“Hiện tượng bơm nước cho bò, heo, tôm; ngâm chuối xanh vào nước có pha thuốc diệt cỏ cho nhanh chín, dùng bột vàng ô trộn vào thức ăn cho gà… chỉ ở Việt Nam mới có. Đây là tội ác làm hại giống nòi và sức khỏe người Việt nhưng chưa có văn bản nào quy định xử lý hình sự cho các hành vi này”.

Chồng chéo tạo ra khoảng trống quyền lực

Tại diễn đàn, TS Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã chỉ ra 5 vấn đề tồn tại liên quan trực tiếp đến an toàn thực phẩm (ATTP),

Đó là sự chồng chéo của hệ thống pháp luật, quản lý nhà nước, thông tin tuyên truyền, nhận thức của người dân và vai trò của các tổ chức xã hội. Cụ thể, hiện nay việc quản lý ATTP được giao cho 3 Bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên đã tạo ra sự chồng chéo hoặc khoảng trống quyền lực.

Chính sự chồng chéo đã dẫn đến tình trạng thiếu sự phối hợp trong việc ban hành văn bản hướng dẫn luật giữa các cơ quan quản lý nhà nước; văn bản của bộ nào do bộ đó xây dựng riêng.

Hệ quả là các cơ quan thực thi chọn văn bản nào có lợi cho mình nhất để thực hiện.

Không chỉ vậy, các cơ quan này thường tập trung quan tâm tới các cơ sở lớn mà ít quan tâm đến các cơ sở nhỏ, nhưng chính các cơ sở nhỏ lại là nơi tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP nhiều hơn cả.

Dù có khá nhiều cơ quan, nhiều đầu mối quản lý vấn đề ATTP nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản nào quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công quyền khi có vấn đề về ATTP xảy ra.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ thi hành công vụ yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ kém. Các quy định pháp luật chưa có quy định trách nhiệm của người thi hành công vụ trong vấn đề ATTP thực thi sai hoặc bỏ trống trận địa.

Công tác kiểm soát các phòng kiểm nghiệm thiếu chặt chẽ, cùng một mẫu sản phẩm có thể cho kết quả rất khác nhau ở các phòng kiểm nghiệm khác nhau và vẫn còn có tình trạng độc quyền kiểm nghiệm.

Tạo niềm tin cho người tiêu dùng bằng cách nào?

Trước những ma trận quảng cáo quá sự thật và sự gian dối, lừa đảo của nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đôi khi mất phương hướng, không biết tin vào sản phẩm nào mới thực sự an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình.

Mặc dù các “thượng đế” luôn luôn được tuyên truyền “Hãy là người tiêu dùng thông minh”, “Người tiêu dùng thông thái” nhưng chính họ cũng không biết sẽ thực hiện sự “thông minh” và “thông thái” bằng cách nào khi nhìn đâu cũng thấy thực phẩm bẩn.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng và áp dụng rộng rãi mô hình khép kín theo chuỗi thực phẩm an toàn, từ sản xuất, chế biến đến cung ứng sản phẩm nhằm giám sát, quản lý chất lượng thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Việc làm này sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc và xử lý sự cố, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề chồng chéo trong quản lý, một số đại biểu đã thẳng thắn đề nghị chấm dứt tình trạng cả 3 bộ cùng quản lý ATTP.

Việc này nên giao cho Chính phủ thống nhất quản lý, sẽ có một đầu mối chủ trì điều hành và chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Cơ quan đầu mối này chịu trách nhiệm điều phối giữa các bộ liên quan.

Các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP phải khác với các quy định thông thường theo hướng nghiêm khắc, tăng nặng mức tiền phạt gấp vài trăm lần giá trị thực phẩm; nếu tái vi phạm lần 2 phải đóng cửa tạm thời, tái vi phạm lần 3 thì đóng cửa vĩnh viễn mới đủ sức răn đe, khắc phục tình trạng vi phạm hiện nay.

Theo PLVN