Mạng xã hội: Thế giới ảo - Hậu quả thật

 Mạng xã hội (MXH), đặc biệt là facebook, đang ngày càng thể hiện sức tác động rõ ràng đối với sự hình thành quan điểm, suy nghĩ, hành vi của con người, nhất là với giới trẻ. Ở Việt Nam, những vụ tự tử, những hành vi lệch chuẩn dưới sức ép của MXH xảy ra ngày một nhiều hơn. 
Con cái nghiện facebook trở thành nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh.
Con cái nghiện facebook trở thành nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh.

Thực trạng này cho thấy chúng ta - những người lớn, những người làm cha làm mẹ - cần phải tìm ra cách để giảm thiểu hậu quả xấu mà MXH mang lại cho con người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay.

Phía sau thảm cảnh

Nữ sinh lớp 8 bỗng nhiên nổi lửa đốt trường học. Thiếu nữ 15 tuổi tự tử vì bị bạn trai tung clip “nóng” lên mạng. Một nữ sinh khác tự tử vì bị bạn bè nhạo báng là nhan sắc kém sau khi đăng một bức ảnh chân dung lên facebook… Tất cả đều có nguyên nhân liên quan tới MXH. Thảm cảnh xuất hiện ngày một nhiều, là lời cảnh tỉnh xứng đáng được quan tâm đối với những ai đang đắm đuối với cuộc sống ảo.

Ảnh minh họa

“Lên phây”, mất nhiều thứ

Cách nay ít ngày, việc một nữ sinh lớp 8 châm lửa đốt trường học sau khi nhận đủ 1.000 lượt like trên facebook - như đã hứa trước đó - khiến nhiều người rùng mình. Về mặt bản chất, hành vi đó, dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng có tính đại diện, cho thấy MXH có thể dẫn người ta đến thảm cảnh nếu cá nhân không đủ khả năng nhận diện và loại bỏ nguy cơ từ nó.

Có nhiều người đã nhận hậu quả thật sau khi bước chân vào thế giới ảo. Những cú lừa tình, lừa tiền xuyên biên giới đã xảy ra. Chuyện tìm đến cái chết sau khi bị bôi nhọ trên facebook đã không còn là cá biệt, như đã thấy với nữ sinh lớp 12 tại một trường THPT ở Đà Nẵng, nữ sinh N.C.L tại Thạch Thất (Hà Nội), và mới năm ngoái là trường hợp nữ sinh lớp 9 tại Đồng Nai… Có người đã ra đi mãi mãi, có người may mắn được cứu sống nhưng di chứng tâm lý đeo đẳng họ suốt đời.

Hậu quả từ việc sử dụng MXH không chỉ là những cái chết thương tâm. Nhiều người sa bẫy lừa đảo qua facebook chỉ vì tin vào “lời nói dối không hề chân thật” vốn đầy rẫy trên thế giới ảo. Có người mua thuốc trị bệnh qua mạng, kết quả là “tiền đội nón ra đi, bệnh ở lại”. Có người tin vào lời quảng cáo có cánh, đặt mua thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hàng gia dụng được cho là có xuất xứ từ Châu Âu, cuối cùng nhận về hàng nhái mà không biết kêu ai.

Ở góc độ nào đó, MXH cung cấp cho người dùng nhiều tiện ích, nhưng cũng đem lại hệ lụy không mong đợi, một cách hữu ý hoặc vô tình. Một thông tin được đăng tải trên báo chí cho thấy “hơn một nửa số người trưởng thành sử dụng các dịch vụ MXH đã từng đăng tải thông tin cá nhân nhạy cảm và rất nhiều người chưa biết sử dụng chức năng bảo vệ quyền riêng tư”. Ở nước ta, đặc biệt là gần đây, trên nhiều trang mạng lớn tràn ngập hình ảnh phản cảm, những câu chuyện cướp, giết, hiếp được đưa lên với dụng ý lôi kéo số đông. Sự phản cảm có thể gây hiệu ứng tệ hại, làm cơ sở cho sự xuất hiện những trào lưu, xu hướng xấu.

Tâm lý đám đông và sự ngộ nhận

Với những người trưởng thành, tư duy mạch lạc, sự chia sẻ hay tham dự vào MXH thường không để lại hậu quả. Người ta có thể sử dụng cụm từ “500 anh em”, “500 chị em” hay “Nói là làm” một cách hài hước, chỉ để góp vui. Nhưng với những người có sự hạn chế về mặt nhận thức, đặc biệt là vị thành niên và những người đang gặp bế tắc trong cuộc sống, sự chia sẻ có thể tạo ra những hiệu ứng khó lường.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về hệ lụy từ việc sử dụng MXH và những vụ việc thương tâm xảy ra gần đây, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia tâm lý và xã hội học cho rằng: “Nói là làm” là một hiện tượng, thậm chí có thể coi là một trào lưu trong những người trẻ. Tuy chưa có nghiên cứu đầy đủ nhưng có thể nói rằng một số người hưởng ứng trào lưu này thuộc số người thích cái mới, khá bốc đồng, có sự ngộ nhận về cách thức khẳng định nghĩa khí trước số đông, nghĩa là đủ số lượt like nhất định thì thực hiện một hành vi nào đó, cho dù đó là hành vi dại dột, lố bịch, đối nghịch với trật tự xã hội và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của bản thân và cộng đồng”.

Cách nay gần 10 năm, trước tốc độ phát triển chóng mặt của MXH và facebook bắt đầu được tin dùng, trên thế giới lập tức xuất hiện nhu cầu giải mã dạng thức hành động mang tính chất cá nhân - cộng đồng đan xen là kết quả của quá trình tương tác ảo giữa các nhóm xã hội thông qua internet. Cũng vào thời điểm đó, giới tâm lý học bắt đầu chú ý tới một hiện tượng xã hội trên phạm vi toàn cầu, được định danh là “bệnh nghiện internet” - hiện đã được đề cập một cách cụ thể hơn, là “nghiện facebook”, “nghiện MXH”. Sự lo lắng bắt đầu từ đây.

Thạc sĩ Đào Lê Hoài An (Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) đã đề cập về điều đó trong một bài báo khoa học được đăng tải gần đây, trong đó có dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở trong và ngoài nước: “Một nghiên cứu được công bố vào tháng 12-2012 cho thấy nhiều sinh viên đại học dành cuộc sống của mình cho facebook thường dễ cảm thấy tiêu cực hơn về cuộc sống của mình theo thời gian… Trên MXH, con người cảm thấy thoải mái khi có rất nhiều người muốn chúc mừng sinh nhật của họ dù thực tế ở đời sống là không. Tất nhiên, trò chơi con số “thích” (like) tạo ra một sự ép buộc hoặc nghiện. Chính nó định hướng hành vi của người sử dụng, kể cả chủ nhân và khách hay bạn bè… trên facebook”.

Đó là nhận định gây lo ngại bởi trong thực tế, ở Việt Nam, kết quả từ một số cuộc khảo sát (khá hiếm hoi) về MXH và người dùng cho thấy tỷ lệ người trẻ sử dụng facebook và số người nghiện nó đang không ngừng tăng lên. Chúng ta có thể nói gì thêm về điều này? Cần phải làm gì để hạn chế tổn hại từ những trào lưu, hiện tượng không mong muốn đang xuất hiện trên MXH?

Theo Hà Nội mới