Mạng xã hội giúp chúng ta “chẩn đoán” bệnh trầm cảm

VietTimes -- Theo một nghiên cứu mới đây thì các phương tiện truyền thông xã hội có thể cung cấp cho chúng ta dấu hiệu về các vấn đề sức khỏe tâm lý. Tất cả mọi người đều có những cuộc sống riêng trên các phương tiện xã hội, và đó chính là cách chúng ta đánh giá họ.
Ảnh minh họa (Ảnh: Business Insider)
Ảnh minh họa (Ảnh: Business Insider)

Facebook đã xuất hiện được khoảng hơn một thập kỷ, và trẻ em đang lớn lên với nhiều tài khoản truyền thông xã hội khác nhau. Tuy nhiên, có một vai trò khác mới được phát hiện đó là các phương tiện truyền thông xã hội có thể chẩn đoán bệnh trầm cảm. Một nghiên cứu mới được công bố trong tuần này cho ra một thuật toán có thể đoán được ai bị trầm cảm chỉ bằng cách phân tích nguồn cấp dữ liệu Instagram của họ. Tuy nhiên, để hiểu cách thức hoạt động này, trước tiên chúng ta cần phải hiểu những vấn đề gì đang xảy ra với các phương tiện truyền thông xã hội.

Các vấn đề phát sinh trên phương tiện truyền thông xã hội khi chúng ta so sánh cuộc sống của chúng ta với người khác

Chúng ta thể hiện phiên bản "tốt nhất" của cuộc sống trên mạng xã hội, và chúng ta thường quên rằng ai cũng đều làm như vậy. Bác sĩ trị liệu Allison Abrams nói với Business Insider rằng những người phải đấu tranh với chứng trầm cảm hoặc lo lắng, hoặc những người không hài lòng với hoàn cảnh sống của họ, dễ bị ảnh hưởng nhất có bởi khía cạnh này của mạng xã hội.

"Nếu bạn sử dụng phương tiện truyền thông xã hội chủ yếu để duy trì tình bạn lâu dài hoặc để kết nối xã hội, những dấu hiệu này sẽ không áp dụng cho bạn", Abrams nói. "Mặt khác, nếu bạn dành phần lớn thời gian để khám phá cuộc sống của người khác và so sánh chúng với chính bản thân bạn, bạn càng có nguy cơ phát triển các triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng". Bà nói thêm rằng con người có vẻ thích so sánh mình với người khác, và truyền thông xã hội là phương tiện hoàn hảo để thực hiện việc này, thậm chí ở mức độ dữ dội hơn.

Mạng xã hội giúp chúng ta “chẩn đoán” bệnh trầm cảm ảnh 1Ai cũng sẽ đưa những khoảnh khắc đẹp đẽ lên mạng xã hội (Ảnh: Business Insider)

Ví dụ, các cặp vợ chồng đăng những bức ảnh hạnh phúc trong tình yêu, nhưng bạn hiếm khi thấy cập nhật trạng thái về những lần cãi vã. Bạn bè của bạn sẽ đăng những hình ảnh mà họ thực sự thấy mình đẹp, nhưng hiếm khi bạn thấy một ai đó đăng những hình ảnh họ không thích.

Những thành kiến và những cách khác nhau mà chúng ta  sử dụng phương tiện truyền thông xã hội làm cho nghiên cứu tâm lý trở nên rất phức tạp. Tuy nhiên, có một số lượng lớn các nghiên cứu cho thấy cách sử dụng internet của chúng ta có thể có tác động lên tâm lý, và điều này đang được kiểm nghiệm qua thời gian. Ví dụ, một nghiên cứu từ năm 2016 đã khảo sát 1.787 người lớn và nhận thấy rằng những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội thường có xu hướng mắc trầm cảm cao hơn.

Một nghiên cứu khác từ năm 2013 đã tìm ra một liên kết không bình thường giữa việc sử dụng Facebook và sự bất hạnh của những người trẻ tuổi. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hạnh phúc của con người trước và sau khi sử dụng Facebook, để loại trừ ý tưởng rằng mọi người chuyển sang Facebook khi họ cảm thấy tồi tệ, thay vì cảm thấy không hạnh phúc như vậy.

Tất nhiên cũng có những người gặp khó khăn trong việc kết bạn trong cuộc sống thực, họ thường tìm bạn trên các diễn đàn hoặc trên các trò chơi trực tuyến, nơi có những người có cùng sở thích và tận hưởng những điều giống như họ. Một nghiên cứu từ năm 2002 cho thấy rằng tương tác xã hội trực tuyến có thể làm tăng lòng tự trọng và cảm giác được hòa vào xã hội, cũng như làm giảm sự cô đơn.

Tuy nhiên, giờ đây dường như phương tiện truyền thông xã hội có thể được sử dụng để chẩn đoán trầm cảm

Tuần này, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí EPJ dữ liệu khoa học, phát hiện ra rằng những người bị trầm cảm thường đăng những bức ảnh xanh hơn, sẫm màu hơn, và xám hơn lên Instagram. Gần 44,000 bức ảnh đã được phân tích tổng cộng từ 166 tài khoản cùng với lịch sử tâm trạng của người đó. Khoảng 50% số người tham gia đã được chẩn đoán trầm cảm trong ba năm qua.

Mạng xã hội giúp chúng ta “chẩn đoán” bệnh trầm cảm ảnh 2Số lượng những bức ảnh được sử dụng các bộ lọc bởi người bình thường và người trầm cảm. Trong đó người bình thường ưa thích dùng bộ lọc Valencia (cột màu đỏ ngoài cùng trái), còn người có xu hướng trầm cảm sẽ ưa dùng Ink-well (cột màu xanh ngoài cùng bên phải) (Ảnh: Business Insider)

Trong số những người tinh thần hoàn toàn bình thường, bộ lọc phổ biến nhất mà họ dùng trên instagram là Valencia, cho thấy thêm sự ấm áp và độ sáng cho ảnh. Những người dùng có tinh thần chán nản thường sử dụng Inkwell, một bộ lọc đen trắng.

Nhóm nghiên cứu sau đó đã tạo ra chương trình máy tính để tìm ra người dùng có xu hướng "chán nản" bằng cách ghi lại phần lớn các bức ảnh cùng với tình trạng tinh thần tương ứng của người dùng. Sau đó, họ kiểm tra xem liệu thuật toán có thể xác định chính xác những người bị trầm cảm từ nguồn cấp dữ liệu Instagram của họ hay không. Nó xác định chính xác những người bị trầm cảm tới 70%.

Andrew Reece, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi đã có thể quan sát sự khác biệt này và kết quả đưa ra khá đáng tin cậy, ngay cả khi chỉ xem các bài viết của người dùng chán nản"

"Những phát hiện này cho thấy dữ liệu truyền thông xã hội có thể là một nguồn tài nguyên có giá trị để phát triển các phương pháp sàng lọc sức khoẻ tâm thần hiệu quả, chi phí thấp và chính xác".

Đây không phải là lần đầu tiên phương tiện truyền thông xã hội đã được sử dụng như là một yếu tố tiên đoán. Một nghiên cứu từ năm 2013 đã phân tích Twitter cũng có thể được sử dụng làm công cụ để đo lường và dự báo trầm cảm lớn. Các tác giả kết luận rằng những phát hiện của họ có thể là "hữu ích trong việc phát triển các công cụ để xác định sự khởi phát của trầm cảm, cho phép những người bị trầm cảm chủ động hơn về sức khoẻ tâm thần của họ. Theo Buzzfeed, các tác giả của nghiên cứu gần đây cho biết họ đã không tạo ra một công cụ chẩn đoán, nhưng là một "minh chứng về một cách mới để giúp mọi người" nắm  bắt những dấu hiệu cảnh báo sớm của một người bị trầm cảm.