Malaysia của ông Mahathir Mohamad và nước Nga của ông Putin

VietTimes--  V. Putin và Mahathir Mohamad đều là những nhân vật chính trị có ảnh hưởng toàn cầu, đều “trị vì” lâu dài hiếm có và có ảnh hưởng đặc biệt to lớn đến sự phát triến của đất nước mình. Cả hai ông đều là những trường hợp điền hình, cho thấy trong sự phát triển của một quốc gia, cá nhân lãnh đạo đóng vai trò rất to lớn. Tuy nhiên, việc đưa đất nước đi tới đâu lại là vấn đề khác.
Tổng thống V. Putin
Tổng thống V. Putin

Thời gian qua, trên thế giới diễn ra hai sự kiện, thu hút được sự chú ý rộng rãi của dư luận quốc tế. Thứ nhất, là việc ông Putin đăng quang Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ 4, ngày 07/05/2018 ở Moskva. Thứ hai, là việc ông Mahathir Mohamad đăng quang Thủ tướng Malaysia tối ngày 10/05/2018 ở Kuala Lumpur.

Cả hai ông đều là nhân vật chính trị có ảnh hưởng toàn cầu, đều “trị vì” lâu dài hiếm có và có ảnh hưởng đặc biệt to lớn đến sự phát triến của đất nước mình. Chẳng hạn Mahathir Mohamad đã “trị vì” Malaysia từ 1981-2003 và hiện nay lại tiếp tục “trị vì” Malaysia ở tuổi 92. Còn Putin đã lãnh đạo nước Nga từ 2000-2018 và hiện nay ở tuổi 66, sẽ tiếp tục dẫn dắt nước Nga đến 2024.

Cả hai ông đều là những trường hợp điền hình, cho thấy trong sự phát triển của một quốc gia, cá nhân lãnh đạo đóng vai trò rất to lớn. Tuy nhiên, việc đưa đất nước đi tới đâu lại là vấn đề khác.

Ông Mahathir Mohamad - Thủ tướng Malaysia
Ông Mahathir Mohamad - Thủ tướng Malaysia 

Điểm xuất phát: năm 1957

Năm 1957 Liên Xô phóng thành công Sputnik - vệ tinh nhân tạo đầu tiên của nhân loại. Cả thế giới sửng sốt với thành tựu khoa học kỹ thuật vĩ đại đó. Một thành tựu thể hiện không những trình độ khoa học cao, mà cả sự ưu việt của nền giáo dục Liên Xô.
Cũng năm đó Malaysia được người Anh trao trả độc lập và Liên Bang Malaysia bắt đầu có tên trên bản đồ thế giới.

Vào thời điểm đó (1957), GDP TB/người danh nghĩa của Liên Xô là khoảng $2000. Còn GDP TB/người danh nghĩa của Malaysia lúc đó là dưới $200, chỉ cao hơn đôi chút so hơn VNCH, VNDCCH và phần lớn các nước Đông Nam Á khác (trừ Singapore).

Về công nghiệp và kinh tế, ngay từ 1957, Liên Xô đã có một nền công nghiệp chế biến và chế tạo rất phát triển. Đặc biệt là luyện kim, chế tạo máy (xe tăng T34, tiểu liên AK47 huyền thoại), thiết bị điện, công nghiệp quốc phòng và tất nhiên, công nghiệp hàng không vũ trụ. Riêng sản xuất thép, Liên Xô lúc đó đứng đầu thế giới (hơn cả Mỹ). Với sản lượng hàng năm khoảng 80 triệu tấn.

Trong khi lúc đó, Malaysia chỉ có một vài nhà máy điện nước phục vụ đời sống, một vài nhà máy gia công chế biến nhỏ lẻ đơn giản như Việt Nam thời đó. Tóm lại, giữa Malaysia và Liên Xô lúc đó, là một khoảng cách mênh mông về mức độ phát triển kinh tế nói riêng và trình độ phát triển quốc gia nói chung.

Về khoa học và giáo dục, ngay từ thời kỳ đó (1957), nền khoa học và giáo dục cũng của Liên Xô cũng đã rất phát triển, Tỷ lệ người Nga biết chữ là gần 100%, có khoảng 25% ngươi Nga có trình độ đại học. Moscow State University (Lomonosov) luôn được đánh giá là thuộc top 5 các trường đại học hàng đầu thế giới, bên cạnh Harvard, Oxford và Cambridge. Đồng thời Liên Xô cũng là cường quốc khoa học thứ hai sau Mỹ.

Vào lúc đó, tỷ lệ người Malaysia biết chữ chỉ mới khoảng 20% dân số, còn những người có trình độ đại học là dưới 1%. Đồng thời Malaysia cũng chỉ mới có một vài trường đại học, những trường hoàn toàn chưa có tên tuổi, thậm chí ngay ở Đông Nam Á.

Trong 60 năm qua, kinh tế Malaysia phát triển bền vững liên tục, với tốc đô TB khoảng 6.5%/năm
Trong 60 năm qua, kinh tế Malaysia phát triển bền vững liên tục, với tốc đô TB khoảng 6.5%/năm 

Cột mốc năm 2017

Theo Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) năm 2017, GDP TB/người theo sức mua của Nga là $28.918. Còn GDP TB/người theo PPP của Malaysia hiện nay là $30.330. Năm 2017, tuổi thọ TB ở Nga là 70.63. Còn ở Malaysia là 75.55.

Về mức độ phát triển quốc gia chúng ta có thể đánh giá qua chỉ số tổng hợp HDI. Chỉ số HDI (Human Development Index) – Chỉ số phát triển con người đánh giá toàn diện sự phát triển của một quốc gia về tuổi thọ trung bình, học vấn, thu nhập. Và đặc biệt là phúc lợi trẻ em.

Năm 2017, chỉ số HDI của Nga 0.804 (hạng 49 thế giới) và Malaysia là 0.789 (hạng 59 thế giới). Nghĩa là xét trình độ phát triển tổng hợp của một quốc gia Malaysia đã tiến đến rất gần Nga. Năm 2017, Việt Nam chỉ số HDI là 0.683 (hạng 115 thế giới).

Về Kinh tế:

Trong 60 năm qua, kinh tế Malaysia phát triển bền vững liên tục, với tốc đô TB khoảng 6.5%/năm. Từ một nước nông nghiệp lạc hâu, nhờ những chính sách đầu tư hợp lý, đến những năm 1970, Malaysia đã trở thành một nước nông nghiệp và khai khoáng phát triển. Một nhà xuất khẩu dầu cọ, cau su, ngô, tinh bột sắn, đường và thiếc hàng đầu thế giới.

Thời kỳ Mahathir Mohamad làm Thủ tướng (1981-2003) được đánh dấu bởi những cải cách kinh tế xã hội sâu rộng, những thành tựu kinh tế ấn tượng và những bước phát triển ngoạn mục của Malaysia về mọi phương diện.

Kể cả việc khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập giữa các sắc tộc (Lúc đó, người Malaysia gốc Hoa tuy chỉ chiếm gần 30% dân số, nhưng chiếm hơn 70% kinh tế Malaysia). Kể cả việc tuyên ngôn về các “giá trị Châu Á”, được phát biểu dõng dạc trên nhiều Diễn đàn quốc tế. Làm Phương Tây phải chăm chú quan tâm và lắng nghe.

Về kinh tế, nãm 1991, ông Mahathir Mohamad đã vạch ra kế hoạch “Tầm nhìn 2020”, trong đó mục tiêu chính là Malaysia sẽ trở thành nước công nghiệp năm 2020. Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, chính phủ Malaysia đã từng bước thực hiện tự do hóa thương mại kết hợp với thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế tạo. Đồng thời đã thúc đẩy tự do thương mại, bằng cách từng bước cắt giảm thuế quan theo lộ trình quy định của Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN, hoàn thành năm 2003. Cùng lúc giảm dần các mặt hàng, bị hạn chế nhập khẩu về số lượng.

Ngày nay trên thực tế, Malaysia đã trở thành quốc gia công nghiệp có hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông và hạ tầng truyền thông và công nghệ thông tin phát triển. Malaysia là một trong số các nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về thiết bị bán dẫn, thiết bị điện và điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông.

Mặt khác chính phủ Malaysia luôn cố gắng thúc đẩy phát triển du lịch. Một nỗ lực nhằm đa dạng hóa kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào việc xuất khẩu hàng hóa. Kết quả là năm 2015 Malaysia đã đón được gần 30 triệu lượt khách du lịch bằng dân số Malaysia (doanh thu từ du lịch là hơn $25 tỷ, đứng thứ 12 toàn cầu). Du lịch trở thành nguồn thu ngoại tệ lớn thứ ba của Malaysia. Có lẽ doanh thu du lịch của Malaysia hiện nay, có giá trị lớn hơn toàn bộ nền công nghiệp than đá và luyện kim đen (sắt thép) của Liên Xô thời thịnh vượng.

Hiện nay, trong cơ cấu ngành nghề của GDP Malaysia, nông nghiệp chỉ còn chiếm tỷ trọng 6.5% (10.5% người lao động), công nghiệp chiếm tỷ trọng 38.2% (35.5% người lao động) và khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 57.3% (52.5% người lao động) tương ứng. Một cơ cấu kinh tế và nhân lực lao động điển hình cho một quốc gia công nghiệp và dịch vụ phát triển hiện đại.

Về phân hóa và bất bình đẳng xã hội. Năm 2016, tầng lớp trung lưu theo "Global Wealth Report 2015" của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse của Malaysia là 17.9%, so với chỉ số này ở Nga là 4.1%.

Về giáo dục và KHKT:

Về giáo dục và xuất khẩu giáo dục: Năm 2015 tổng số sinh viên nước ngoài học tại các đại học Malaysia là khoảng 140.000 người (2% của tổng số 7,2 triệu sinh viên quốc tế toàn cầu). Trong số đó có hơn 5000 sinh viên đến từ Nga, Ucraina, Kazakhstan...và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Về phương diện này Malaysia hiện xếp hạng 11 toàn cầu, chỉ sau các cường quốc giáo dục như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhât, Úc, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc và Singapore. Rõ ràng, xuất khẩu giáo dục là một trong những chỉ tiêu thể hiện chất lượng giáo dục của một quốc gia. Điều mà Malaysia đã có.

Trong Bảng xếp hạng đại học toàn cầu top 500 của QS năm 2015 (QS University Ranking 2015) có hai trường đại học của Malaysia là Malaysia University (thành lập 1949, xếp hạng 167), Kebangsaan University (thành lập 1970, xếp hạng 269).
Để so sánh trong Bảng xếp hạng này, trường đại học hàng đầu của Nga Moscow State University (Lomonosov) thành lập 1755, xếp hạng 185.

Về nghiên cứu khoa học. Malaysia hiện đứng hàng thứ hai ở Đông Nam Á chỉ sau Singapore. Năm 2015, Malaysia đã có số lượng công bố khoa học quốc tế đạt chuẩn ISI, tính TB/đầu người dân xấp xỉ với nước Nga.

Kinh tế Nga giai đoạn 2000-2018

Ngay từ 1957, Liên Xô đã có một nền công nghiệp chế biến và chế tạo rất phát triển
 Ngay từ 1957, Liên Xô đã có một nền công nghiệp chế biến và chế tạo rất phát triển 

Sau một thời kỳ “bùng nổ” nhờ giá dầu khí tăng vọt trên thị trường quốc tế. Kể từ 2013, trước khi bị Phương Tây cấm vận, kinh tế Nga đã có dấu hiệu “chững” lại. Do giá dầu trên thị trường quốc tế bắt đầu chu kỳ sụt giảm.

Nhìn chung kinh tế Nga giai đoạn này, có thể đặc trưng bằng sự phụ thuộc ngày càng sâu vào việc xuất khẩu tài nguyên, trước hết là dầu khí. Bằng việc khu vực kinh tế tư nhân ngày càng thu hẹp, và việc mở rộng khu vực kinh tế nhà nước. Một khu vực hiện đã chiếm hơn 70% kinh tế Nga, so với hơn 30% vào năm 2000, lúc ông Putin lên làm Tổng thống. Cũng như bằng sự giảm thiểu rất mạnh khu vực doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ.

Việc nền kinh tế Nga dưới thời Tổng thống Putin ngày càng trở thành một nền kinh tế độc canh dầu khí, từ lâu đã không còn là một điều bí mật. Chẳng hạn, tháng 10/2000 khi Tổng thống Putin bắt đầu cầm quyền, giá dầu hỏa là $34.5/thùng, tỷ giá ngoại tệ lúc đó là 1$=27.8 rúp. Dầu khí lúc đó chiếm 35% giá trị hàng hóa xuất khẩu của Nga. Đến tháng 01.2016, giá dầu hỏa $34.7/thùng, còn tỷ giá ngoại tệ đã là 1$=76.5 rúp. Dầu khí nay đã chiếm khoảng 70% giá trị hàng hóa xuất khẩu. Và tỷ giá dollar/rúp ngày càng trở nên tỷ lệ nghịch với giá dầu hỏa trên thị trường quốc tế.

Vì vậy, nền kinh tế Nga thời ông Putin rất dễ tổn thương trước sự "chao đảo" của giá dầu hỏa trên thị trường quốc tế. Cũng như trước các biện pháp trừng phạt kinh tế của Phương Tây. Nguyên nhân sâu xa của sự "dễ bị tổn thương" này, là do nước Nga đang chuyển dần từ nền kinh tế sản xuất hàng hóa phát triển đa dạng thời Liên Xô thế kỷ 20, sang nền kinh tế khai thác tài nguyên ngày nay của nước Nga, đặc trưng cho kinh tế thế giới cuối thế kỷ 19.

Để có thể hiểu thêm về “sức khỏe” của nền kinh tế Malaysia hiện nay, tôi xin phép giới thiệu một vài số liệu về xuất nhập khẩu (XNK) năm 2016 của nước này. 
Malaysia hiện đứng thứ 19 về giá trị xuất khẩu, trong số các nền kinh tế thế giới. Năm 2016, Malaysia xuất khẩu khối lượng hàng hóa với tổng trị giá là $571 tỷ. Khối lượng hàng nhập khẩu là $426 tỷ tương ứng. Thặng dư thương mại XNK là dương $144 tỷ.

Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Malaysia là Mạch tích phân ($61,2 tỷ), Thiết bị bán dẫn ($13,2 tỷ), Sản phẩm dầu khí ($13,2 tỷ), Điện thoại di động ($12,5 tỷ) và Dầu cọ ($10,6 tỷ).

Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu hàng đầu của Malaysia là Mạch tích phân ($23,7 tỷ), Sản phẩm dầu khí (15,3 tỷ USD), Thiết bị bán dẫn ($4,45 tỷ), Dầu thô ($4,4 tỷ) và Phụ tùng auto ($3,49 tỷ).

Những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Malaysia là Singapore ($27,6 tỷ), Trung Quốc ($23,8 tỷ), Mỹ ($19,4 tỷ), Nhật ($15,3 tỷ) và Thái Lan ($10,6 tỷ).
Những thị trường nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc ($37,7 tỷ), Singapore ($35 tỷ), Nhật ($12,1 tỷ), Mỹ ($11,8 tỷ) và Hàn Quốc ($7,53 tỷ).

Như chúng ta thấy, cơ cấu XNK của Malaysia rất lành mạnh, không phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia đối tác nào, càng không phụ thuộc vào một mặt hàng riêng biệt nào. Cũng như không phụ thuộc hoàn toàn vào một khối doanh nghiệp cụ thể nào (chẳng hạn như khối doanh nghiệp FDI). 

Và đặc biệt, nhờ có thặng dư thương mại XNK rất lớn. Chính phủ không phải “giật gấu vá vai”, không phải tăng tuổi hưu trí, tăng thuế và cắt giảm các chương trình xã hội dân sinh như ở Nga.