Mách bạn những điều cần lưu ý khi mua hàng trực tuyến

VietTimes -- Tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên, phổ biến, như giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, giao sai sản phẩm, đăng giá sai, hủy đơn hàng không lý do, không cung cấp hóa đơn, bị lừa đảo khi đặt phòng khách sạn…
Tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua hàng trực tuyến diễn ra khá thường xuyên
Tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua hàng trực tuyến diễn ra khá thường xuyên


Cục Quản lý Cạnh tranh (Cục QLCT), Bộ Công thương vừa đưa ra một số lưu ý để người tiêu dùng mua sắm trực tuyến một cách an toàn và có được trải nghiệm tốt nhất. Theo đơn vị này, mua sắm trực tuyến là một hình thức mua sắm có nhiều ưu điểm và được khuyến khích phát triển do những đặc điểm nổi trội về tiết kiệm chi phí cũng như nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, đồng thời tiết kiệm thời gian và tăng trải nghiệm tốt trong mua sắm cho người tiêu dùng.

Ở Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức này đang ngày càng trở nên phổ biến. Các sàn thương mại điện tử cung cấp các mặt hàng rất đa dạng cùng hình thức thanh toán linh hoạt, phong phú, cho phép người tiêu dùng mua sắm trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi.

Tuy nhiên, Cục QLCT cho biết, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong hình thức mua sắm trực tuyến diễn ra khá thường xuyên. Cụ thể, các phản ánh khiếu nại bao gồm: Giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại, giao sai sản phẩm, đăng giá sai, hủy đơn hàng không lý do, không cung cấp hóa đơn, bị lừa đảo khi đặt phòng khách sạn…Tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đang diễn ra rất phổ biến.

Để ngăn chặn tình trạng này, “bên cạnh nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, sự chủ động của người tiêu dùng trong việc tìm hiểu, nâng nhận thức đóng vai trò rất quan trọng” – Cục QLCT nhấn mạnh.

  • Bên cạnh đó, cơ quan này cũng lưu ý người tiêu dùng cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về hình thức mua sắm này và có thể tham khảo những lưu ý sau:
  • Nên mua hàng tại những trang web uy tín, được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng (địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế…);
  • Tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web (Term&Conditions), đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận,…;
  • Tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ trước khi mua: người tiêu dùng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm/dịch vụ trên internet như: nguồn gốc xuất xứ, tính năng, đánh giá (review) về sản phẩm/dịch vụ nhằm tránh trường hợp mua phải sản phẩm/dịch vụ kém chất lượng;
  • Cảnh giác với những yêu cầu cung cấp thông tin từ những trang web lạ như: họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, sở thích, tiền sử khám bệnh… Đây có thể là những trang web sử dụng thông tin người tiêu dùng trái với quy định pháp luật, gây phiền toái cho người tiêu dùng hoặc thậm chí đánh cắp các thông tin tài chính của người tiêu dùng;
  • Cảnh giác với những trang web/tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo sản phẩm/dịch vụ với giá rất thấp hoặc khuyến mãi lớn, yêu cầu người tiêu dùng phải cung cấp thông tin và chia sẻ chương trình;
  • Cảnh giác với thông báo về việc trúng thưởng phiếu mua hàng dùng để mua sản phẩm của công ty, theo đó phiếu mua hàng thường có giá trị nhỏ hơn giá trị sản phẩm, người tiêu dùng phải chi thêm một khoản tiền nữa. Tuy nhiên, khi nhận hàng thì sản phẩm thường có giá trị thấp hơn so với khoản tiền người tiêu dùng đã bỏ ra. Cảnh giác tương tự với hình thức thông báo trúng thưởng và người tiêu dùng phải đóng tiền thuế/phí để nhận được sản phẩm.

Trong trường hợp bị vi phạm quyền lợi mà không được doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng, người tiêu dùng có thể phản ánh, khiếu nại tới Cục QLCT – Bộ Công Thương thông qua Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 hoặc gửi qua email: bvntd@moit.gov.vn