M&A: sôi động cả lĩnh vực cũ và mới

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) vẫn diễn ra sôi động ở nhiều lĩnh vực trong bốn tháng đầu năm. Đặc biệt, M&A chuyển hướng sang lĩnh vực cơ sở hạ tầng đang là một nét mới, thu hút chú ý của nhà đầu tư trong thời gian gần đây.
Hoạt động M&A đang chuyển hướng sang lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Hoạt động M&A đang chuyển hướng sang lĩnh vực cơ sở hạ tầng.

M&A ngân hàng: các thương vụ chính thức được công bố

Các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng đã tốn không ít giấy mực của báo chí khi liên tục được “xào đi xào lại” trong suốt năm 2014. Tuy nhiên, thông tin chính thức cuối cùng cũng đã được công bố sau cuộc họp thường niên của đại hội đồng cổ đông các ngân hàng những ngày vừa qua.

Cụ thể, các phương án sáp nhập giữa VietinBank - PG Bank; BIDV - MHB đã được công bố với các tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu khác nhau. Cặp đôi Maritime Bank - MekongBank, rồi BIDV - MHB cũng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho về chung một nhà.
Hiện mùa họp đại hội đồng cổ đông vẫn chưa kết thúc nên nhiều khả năng các thông tin về M&A ngân hàng vẫn chưa dừng lại. Hiện nhà đầu tư đang nhắc đến nhiều các thương vụ như Eximbank - NamAbank; Vietcombank - SaigonBank. Không chỉ giới hạn ở những cái tên trên, tiến trình mua bán sáp nhập trong ngành ngân hàng được dự báo sẽ còn rất sôi động trong thời gian tới xuất phát từ định hướng của NHNN nhằm thu hẹp số lượng, tập trung vào chất lượng. Danh sách các ngân hàng có quy mô nhỏ, vốn điều lệ ít còn khá nhiều, vấn đề còn lại là mối lương duyên giữa các ngân hàng trong việc tìm kiếm đối tác vừa ý.   

M&A bất động sản: tiếp tục sôi động

Trong lĩnh vực bất động sản, các thương vụ M&A đình đám nhất trong năm 2014 đều thuộc về tập đoàn Vingroup. Tuy nhiên, ngoài Vingroup, cũng không ít các doanh nghiệp bất động sản khác đã bắt đầu tăng tốc trong các thương vụ M&A nhằm mở rộng quỹ đất cũng như phát triển các dự án nhà ở thương mại.

Mới đây nhất, Công ty Nam Long (mã trên sàn HSX là NLG) đã ký kết hợp tác phát triển dự án căn hộ Flora Anh Đào với hai tập đoàn của Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ của Công ty Nguyên Phúc với tổng chi phí phát triển dự án khoảng 500 tỉ đồng. Nam Long cho biết công ty hiện đã chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất để phát triển khoảng 6.000 căn hộ Flora trong vòng 3-5 năm tới.

Một doanh nghiệp bất động sản khác cũng đang gây nhiều sự chú ý trên thị trường bằng các thương vụ M&A trong thời gian gần đây là Novaland. Trong năm 2014, công ty này đã mua lại 8 dự án tại quận 2, quận 4, quận 6, quận Phú Nhuận (TPHCM) với tổng giá trị chuyển nhượng vào khoảng 10.000 tỉ đồng. Tham vọng của Novaland chắc chắn chưa dừng lại khi định hướng tiếp tục duy trì chính sách M&A để bổ sung thêm quỹ đất, cũng như đưa vào thi công ngay sau khi thâu tóm để gia tăng hiệu quả sử dụng vốn. Công ty cũng vừa hoàn tất đợt phát hành trái phiếu trị giá 600 tỉ đồng, kỳ hạn ba năm nhằm thu xếp vốn để triển khai các dự án Lexington Residence, The Sun Avenue, Sunrise City...

Với CII, hoạt động M&A với Công ty Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) được thể hiện rõ qua động thái liên tục mua vào cổ phiếu này trong thời gian gần đây. Số cổ phần NBB mà CII hiện đang sở hữu là hơn 12,4 triệu cổ phần, tương ứng 21,43% vốn điều lệ NBB. Việc M&A với NBB được cho là sẽ giúp CII hoàn tất tái cấu trúc mảng bất động sản CII Land.

M&A lĩnh vực hạ tầng: sự chuyển hướng mới

Nếu như các thương vụ M&A trong ngành ngân hàng, bất động sản, bán lẻ, hàng tiêu dùng đã quá “quen mặt” với nhà đầu tư thì một lĩnh vực khác bắt đầu nhen nhóm và hứa hẹn sẽ là những thương vụ M&A “khủng” trong năm 2015 là lĩnh vực hạ tầng bao gồm: sân bay, đường sắt, cảng biển. Tuy nhiên, đặc thù của những thương vụ này là đòi hỏi quy mô vốn rất lớn, do vậy cuộc chơi sẽ chỉ dành cho số ít các tập đoàn có tiềm lực mạnh.

Sau khi các đợt IPO cảng biển thất bại trước đó được tháo gỡ nút thắt quan trọng là giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của Nhà nước xuống chỉ còn 51% (thay cho mức 75% trước đó), thậm chí thấp hơn nữa thì ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư.

Điển hình như tập đoàn Vingroup đã bày tỏ mong muốn được tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của cảng Sài Gòn và Cảng Hải Phòng. Tập đoàn đầu tư đa ngành lớn vào loại bậc nhất Việt Nam này đặt vấn đề mua 80% cổ phần với giá mua không thấp hơn giá đấu bình quân trung bình đối với hai cảng này. Ngoài cảng biển, Vingroup cũng vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải mong muốn mua lại ba nhà ga đường sắt lớn nhất Việt Nam, gồm ga Hà Nội, ga Sài Gòn và ga Đà Nẵng.

Một tập đoàn tư nhân lớn khác là T&T của ông Đỗ Quang Hiển cũng đang muốn trở thành cổ đông chi phối cảng lớn thứ nhì miền Bắc - Cảng Quảng Ninh. Doanh nghiệp này cũng đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ đề nghị mua lại toàn bộ số cổ phần mà Nhà nước nắm giữ, với số tiền tối thiểu 490 tỉ đồng.

Thuận lợi từ định hướng chính sách

Cùng với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, các thương vụ M&A được coi là một trong những công cụ nhanh nhất và hữu hiệu nhất để các công ty lớn nhanh chóng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm lĩnh thị phần. Với những thương vụ đã được chính thức công bố cũng như các thương vụ đang trong quá trình thương thảo trong bốn tháng đầu năm, dự báo hoạt động M&A sẽ còn tiếp tục sôi động trong các tháng còn lại của năm 2015.

Trong số các lĩnh vực M&A đã khá quen thuộc với nhà đầu tư trong các năm gần đây, lĩnh vực cơ sở hạ tầng được coi là một sự chuyển hướng đáng chú ý của các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn trong nước. Điểm thuận lợi trong việc M&A lĩnh vực này là sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, không cần nắm giữ cổ phần chi phối tại các lĩnh vực không trọng yếu. Ngoài ra, trong hoàn cảnh nhu cầu cơ sở hạ tầng tại Việt Nam ngày càng tăng nhanh mà ngân sách Chính phủ có hạn thì mô hình hợp tác công tư (PPP) đang mang đến ngày càng nhiều cơ hội để thúc đẩy các thương vụ M&A thuộc lĩnh vực hạ tầng trong thời gian tới.

Theo TBKTSG