Lý do nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định bị đề nghị kỷ luật

VietTimes -- Ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 2010-2015, được cho có trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm liên quan đến quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư kỷ luật ông Thiện theo thẩm quyền.
Ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định
Ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định

Từ ngày 24 đến 26/4/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 14. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

Ngày 27/4, theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Văn Thiện với cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 đã có trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong việc bổ sung quy hoạch, bổ nhiệm một số trường hợp cán bộ không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn và không đúng quy định.

Bên cạnh đó, ông Lê Hữu Lộc với cương vị là Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 có trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong việc tuyển dụng, xếp lương công chức không đúng quy định.

Căn cứ quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định khiển trách đối với ông Lê Hữu Lộc và đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Thiện theo thẩm quyền.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu  Ban Thường vụ tỉnh Bình Định và ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nghiêm túc kiểm điểm sâu sắc về những khuyết điểm có liên quan.

Giữa năm 2016, ông Tô Tử Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cùng nhiều cán bộ hưu trí, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Định có đơn tố cáo gửi đến Bộ Chính trị, UBKT Trung ương phản ánh các vi phạm của ông Lê Kim Toàn và ông Nguyễn Văn Thiện, trong đó chủ yếu là việc đề bạt, bổ nhiệm nhiều người thân của hai ông này làm cán bộ lãnh đạo.

Theo đó, đơn tố cáo cho rằng người thân của ông Toàn được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo một cách bất thường. Cụ thể, trong vòng chưa đầy 20 tháng, vợ ông Toàn là bà Lê Thị Điển từ một giáo viên được bổ nhiệm liên tục qua các chức vụ rồi làm Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Bà Lê Thị Kim Mai (chị ông Toàn) dù không đủ tuổi để đảm nhiệm trọn nhiệm kỳ nhưng vẫn làm Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh.

Bà Lê Thị Vinh Hương (em ông Toàn) từ một trưởng phòng của Sở Khoa học và Công nghệ lên làm Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội. Em rể ông Toàn là ông Nguyễn Đức Toàn (chồng bà Lê Thị Vinh Hương) từ cán bộ phường lên làm Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường TP Quy Nhơn.

Ngoài ra, đơn tố cáo cho rằng ông Toàn dùng ngân sách nhà nước đi học tiến sĩ ở Philipines không đúng quy định. Bằng tiến sĩ này không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận.

Các vị nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng cho rằng nhiều người thân của ông Thiện được bổ nhiệm làm cán bộ lãnh đạo không đúng quy định, sai quy trình.

Đơn tố cáo đề nghị làm rõ các vi phạm trong việc kết nạp Đảng, bổ nhiệm một số cán bộ khác. Chẳng hạn, trường hợp bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Cảnh, đại biểu Quốc hội. Chỉ trong vòng năm tháng, từ chủ một doanh nghiệp tư nhân ở địa phương, ông này được đặc cách tuyển dụng không qua thi tuyển rồi bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh Bình Định.

Sau đó, ông Cảnh được Ban Công tác đại biểu - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương điều về làm ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Mới đây, ngày 10/3, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã xác nhận Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết cho ông Nguyễn Văn Cảnh thôi làm ủy viên thường trực của Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.