Lũ dữ ập về Hòa Bình, Yên Bái gây thiệt hại nặng, Thủ tướng chỉ đạo “khẩn'

VietTimes -- Sáng nay (11/10), UBND tỉnh Hòa Bình đã chính thức công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn trên địa bàn tỉnh. Ngay trưa cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó mưa lũ và đảm bảo an toàn hồ đập.
Thủy điện Hòa Bình xả lũ. Ảnh: Nhà máy thủy điện Hòa Bình cung cấp.
Thủy điện Hòa Bình xả lũ. Ảnh: Nhà máy thủy điện Hòa Bình cung cấp.

Công điện của Thủ tướng nêu rõ: Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, trong những ngày qua tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300 mm, một số nơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh từ 400 đến 600 mm đã gây ngập úng, cô lập một số khu dân cư tại các vùng thấp trũng, ven sông suối. Đặc biệt, mưa lớn trên lưu vực hồ Hòa Bình đã gây đợt lũ lớn với lưu lượng đến hồ trên 14.700 m3/s và có thể còn tiếp tục tăng, thủy điện Hòa Bình đã mở liên tiếp 07 cửa xả đáy, lũ hạ lưu hệ thống sông Hồng đang lên rất nhanh - đây là đợt lũ lớn bất thường sau mùa lũ ở Bắc Bộ.

Theo dự báo, mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp, nhất là trên hệ thống sông Hồng, sông Hoàng Long, sông Mã. Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương chủ động triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ.

Đến khoảng 11 giờ hôm nay, mưa lũ tại huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã làm 3 người chết, 5 người mất tích, 3 người bị thương đều ở xã Hát Lừu. Huyện Văn Chấn đã bị nước lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn 8 ngôi nhà; có một gia đình 4 người nghi mất tích. Còn tại thị xã Nghĩa Lộ đã ghi nhận có gần 200 ngôi nhà bị ngập ngang và đến nóc nhà; có một người bị thương.

Tại 2 xã Đồng Nghê và Suối Lánh (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình), bước đầu thông tin có 4-6 hộ gia đình đã bị nước lũ cuốn trôi, khoảng 15-20 người đang mất tích.

Trước đó, vào sáng ngày 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký ban hành Quyết định số 1946/QĐ-UBND công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, công bố tình trạng khẩn cấp các công trình hồ chứa, đường giao thông, các vị trí sạt lở đất ảnh hưởng do mưa lớn trên địa bàn tỉnh gồm các công trình.

Các công trình hồ chứa: Các công trình hồ chứa đang xả tràn, có nguy cơ tràn qua thân đập, xuất hiện các hư hỏng, sạt trượt.., các công trình đã xuất hiện các hư hỏng sự cố từ trước, đặc biệt là các công trình đang chống lũ theo các phương án phòng chống lụt bão như công trình hồ Cháu, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, hồ Khang Mời, xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình, hồ Kem xã Địch Giáo, hồ Rộc Chu, xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc...

Các công trình giao thông: Các tuyến đường X2, đường 12B, tuyến C,đường TSA (Bãi Lạng - Bãi Chạo), tuyến Y1, tuyến T (Khoang - Nội), tuyến T (Chiềng - Lốc), Trường Sơn A (Ve - Chám), Quốc lộ 21, Quốc lộ 70B, các tuyến đường tỉnh: 438, 438B, 450... Các tuyến đường sạt lở tại một số điểm gây ách tắc, ngập úng cục bộ làm ảnh hưởng đến giao thông tìm kiếm cứu nạn.

Các điểm sạt trượt: Tại thành phố Hòa Bình và các huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn... xảy ra các điểm sạt lở đất, đá gây thiệt hại tài sản, cơ sở vật chất cho người dân.

Có thể xuất hiện lũ lịch sử trên sông Mã

Hồi 11h00 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục ban hành Công điện hỏa tốc số 77/CĐ-TW gửi các bộ ngành, địa phương chỉ đạo ứng phó mưa lũ.

Công điện yêu cầu UBND các tỉnh thành phố bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin xả lũ khẩn cấp hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Sẵn sàng triển khai phương án chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông, khu vực thấp trũng, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, để sẵn sàng ứng phó. Tổ chức tuần tra, canh gác, đặc biệt là các vị trí xung yếu hoặc đã bị sự cố trong các đợt mưa lớn và xả lũ thủy điện vừa qua để đảm bảo an toàn đê điều...

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông tăng thời lượng tần suất đưa tin trên các phương tiện, nhất là hệ t hống phát thanh tại các xã, phường về việc xả lũ các hồ chứa, mưa lũ lớn trên diện rộng, đặc biệt là khả năng xuất hiện lũ lịch sử trên sông Mã của tỉnh Thanh Hóa (tại trạm Giàng); phối hợp với các cơ quan chuyên môn, lực lượng dân quân tự vệ hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ và hỗ trợ người dân, các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra...

Lệnh Thủy điện Sơn La dừng phát điện, không xả lũ về hạ du

Công điện hỏa tốc số 76/CĐ-TW hồi 6h00 ngày 11/10 từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai gửi Công ty Thủy điện Sơn La cho biết, hiện nay, mực nước hồ Hòa Bình đã vượt mức nước dâng bình thường và tiếp tục gia tăng.

Để đảm bảo an toàn công trình từ tối ngày 10/10, hồ Hòa Bình đã phải chủ động mở 5 cửa xả đáy và có thể còn phải tiếp tục mở thêm.

Hiện tại mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình ở mức 117,3m, lưu lượng về ở mức 9,380m3 /s.

Để giảm lưu lượng về hồ Hòa Bình, hạn chế xả lũ xuống hạ du, thực hiện quy định tại Quy trình vận hành liên hồ trên lưu vực sông Hồng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La dừng tất cả các tổ máy phát điện, không xả nước về hạ du.