Lòng tin của Australia với Trung Quốc xuống thấp kỷ lục

VietTimes -- Lòng tin của người Australia đối với Trung Quốc đã tụt xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 15 năm qua dù hai nước có mối quan hệ kinh tế và nhân khẩu học chặt chẽ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân trong chuyến thăm Canberra ngày 17/11/2014 (Ảnh: CNN)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhân trong chuyến thăm Canberra ngày 17/11/2014 (Ảnh: CNN)

Kết quả thăm dò năm 2019 mà Viện Lowy công bố - trong đó tìm hiểu thái độ của người dân Australia đối với các nước khác - chỉ ra rằng, chỉ có 32% số người tham gia nói họ tin tưởng "rất nhiều" hoặc "chút ít" rằng Trung Quốc sẽ hành động có trách nhiệm trong các vấn đề của thế giới.

Kết quả này đã giảm tới 20 điểm so với kết quả cuộc thăm dò thực hiện năm 2018, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại tăng nhiệt giữa Trung Quốc và Mỹ - một nước đồng minh thân cận của Australia.

Chuyên gia phân tích của Viện Lowy, bà Natasha Kassam, nói rằng kết quả trên thăm dò vừa qua cho thấy "mức giảm lòng tin nhanh chóng đối với Trung Quốc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình". Bà cho rằng sự suy giảm này bắt nguồn từ mối quan hệ lạnh nhạt giữa Bắc Kinh và Canberra. "Trong suốt 2 năm qua, ở Australia, đã diễn ra một cuộc tranh luận gay gắt về khả năng Trung Quốc can thiệp vào chính trường Australia và đe dọa nền kinh tế nước này" - bà Kassam nói.

Quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia bắt đầu trở nên lạnh nhạt kể từ sau khi Canberra công bố bộ luật mới vào tháng 12/2017 nhằm ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài với các vấn đề chính trị của nước này. Bắc Kinh coi bộ luật này là trực tiếp nhằm vào họ, và mối quan hệ hai bên suy giảm từ đó.

Quan điểm ngày càng tiêu cực của người dân Australia về Trung Quốc cũng bắt nguồn từ mối quan ngại về các tham vọng chiến lược của Trung Quốc trong khu vực - bà Kassam nhận định - trong đó có việc rót vốn xây dựng cơ sở hạ tầng trên khắp khu vực và cả vấn đề Biển Đông.

"Thông tin về các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông luôn được đăng tải dày đặc trên báo chí Australia" - bà Kassam nói.

Về mặt kinh tế, bà Kassam nói rằng kết quả thăm dò mới đây cho thấy người dân Australia đang cảm thấy "ngày càng dễ bị tổn thương" trước sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc, bất chấp thực tế Bắc Kinh đang là đối tác thương mại lớn nhất của Canberra.

Theo kết quả thăm dò mới nhất, 74% người dân Australia tin rằng đất nước họ "quá phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế", trong khi 68% nói rằng Australia đã tiếp nhận "quá nhiều nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc".

Bà Kassam nói rằng mối quan ngại này bắt nguồn một phần từ cuộc chiến thương mại và sự lo lắng về tầm ảnh hưởng của nó với Australia. "Người dân Australia không có niềm tin rằng các lợi ích kinh tế đất nước sẽ được bảo vệ trong cuộc chiến thương mại này" - bà Kassam cho hay.

Tuy nhiên, dù lòng tin với Trung Quốc đã giảm, người dân Australia vẫn thể hiện lòng tin của họ với lãnh đạo Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều hơn so với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Kết quả thăm dò của Viện Lowy cho thấy 30% người dân nước này nói họ tin tưởng "rất nhiều" hoặc "đôi chút" rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có quyết sách đúng đắn trong các vấn đề của thế giới. Trong khi Tổng thống Trump chỉ nhận được lòng tin của 25% số người tham gia thăm dò - giảm 5 điểm so với kết quả thăm dò năm 2018.

Điểm số của ông Trump chỉ đứng trên Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. 2/3 số người tham gia thăm dò tin rằng ông Trump đã làm suy yếu khối đồng minh Mỹ - Australia. "Chính sách mập mờ của Mỹ khiến cho người Australia cảm thấy dễ bị tổn thương" - bà Kassam nói.

Nhưng dù người dân Australia quan ngại về giới lãnh đạo Mỹ, khoảng 70% vẫn tin rằng khối đồng minh với Washington "khá" hoặc "rất" quan trọng đối với an ninh quốc gia của họ. "Khối đồng minh Mỹ-Australia là một phần trong DNA của Australia" - bà Kassam nhận định.

Theo CNN