Lối thoát nào cho đầu tư tiền điện tử khi nằm ở vùng “trống pháp lý“?

VietTimes -- Việc mất vốn của hơn 32 ngàn nhà đầu tư xảy ra tại Công ty Modern Tech là một ví dụ tiêu biểu cho sự phát triển không ngừng về ý tưởng “kinh doanh”, vượt khỏi sự quản lý nhà nước. Việc đầu tư phát triển đồng tiền ảo đang nằm ở vùng “trống pháp lý”. Vậy đâu là lối thoát?

Trao đổi riêng với VietTimes, Luật sư Nguyễn Hoài Nam -- Hãng luật Intercode, Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, do tiền điện tử (còn được gọi là tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tiền thuật toán hay tiền mật mã. Sau đây VietTimes gọi là tiền điện tử) có thể trở thành phương tiện để lừa đảo với cộng đồng dân cư, nên cần hướng dẫn cộng đồng dân cư đầu tư tiền của mình vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều công ty, các cá nhân lôi kéo các nhà đầu tư mua tiền điện tử, tổ chức các sàn giao dịch tiền điện tử theo mô hình đa cấp nhằm huy động vốn trái phép. Các hoạt động này thực chất là vi phạm các luật về tài chính, ngân hàng của Việt Nam.

Ngoài ra, Luật sư Hoài Nam cũng đặt vấn đề về việc cơ quan chức năng cần nhận diện và phân biệt hoạt động huy động vốn trái phép với hoạt động đầu tư đồng tiền điện tử để đưa ra những định hướng đúng đắn cho người dân.

Nhà nước nên can thiệp một cách vừa đủ về đồng tiền điện tử

- Anh đánh giá thế nào về sự phát triển của tiền điện tử ở Việt Nam hiện nay?

- Tiền điện tử, về bản chất, là loại tiền dùng để giao dịch thanh toán trên internet, qua các mạng máy tính, thiết bị công nghệ có kết nối với nhau. Tiền điện tử là tiền được số hóa, những bit số cấu thành nên đồng tiền điện tử. Nó được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của tổ chức phát hành ra loại tiền đó hoặc trong mạng lưới tiền điện tử bao gồm những người tham gia sử dụng loại tiền này.

Lối thoát nào cho đầu tư tiền điện tử khi nằm ở vùng “trống pháp lý“? ảnh 1 Luật sư Nguyễn Hoài Nam -- Hãng luật Intercode, Đoàn Luật sư Hà Nội

Tiền điện tử gồm hai loại: Loại thứ nhất là tiền tệ quốc gia đã được số hóa, như đồng Việt Nam, USD…, được số hóa để thanh toán các giao dịch, thanh toán online, có sự quản lý của nhà nước và giao dịch thông qua ngân hàng. Loại thứ hai là tiền điện tử không phải là đơn vị tiền tệ của quốc gia nào, nó được tạo ra nhằm mục đích đổi mới phương thức giao dịch, thanh toán trở nên thuận tiện, nhanh chóng hơn, không có mức qui đổi ổn định ra các loại tiền quốc gia.

Và nội dung cần được quan tâm làm rõ là loại tiền điện tử thứ hai này.

Ở Việt Nam, thị trường tiền điện tử hiện nay đang phát triển rất sôi động, diễn biến phức tạp, có rất nhiều loại tiền điện tử được đầu tư và quảng bá trên thị trường, trong đó được quan tâm và đầu tư nhiều nhất là đồng tiền Bitcoin, Etherium và Litecoin.

Tiền điện tử chưa được nhà nước công nhận là phương tiện thanh toán, đồng thời chính phủ khuyến cáo không nên đầu tư nhưng không cấm. Như vậy việc đầu tư, giao dịch bằng Bitcoin hay đồng tiền điện tử khác tại Việt Nam mặc dù không được pháp luật bảo hộ song cũng không phải là hành vi vi phạm.

- Vì sao Bitcoin và tiền điện tử nói chung lại dễ biến động, và khoảng biến động quá rộng như thực tế thị trường thời gian qua?

- Tại thời điểm cao nhất, một Bitcoin có giá đạt ngưỡng trên 20.000 USD, tuy nhiên thời điểm thấp nhất, giá một bitcoin cũng xuống mức dưới 3.500 USD. Mặc dù đồng tiền ảo, nhưng giá trị của nó “không ảo”.

Sở dĩ, giá Bitcoin có sự tăng giảm như vậy nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất vẫn là do Bitcoin được cho là đồng tiền điện tử, không có sự đảm bảo bởi các đồng tiền pháp định của một quốc gia hay liên quốc gia cụ thể hoặc của một ngân hàng trung ương nào cả. Do đó, thị giá của nó phụ thuộc hoàn toàn vào qui luật cung cầu và chính sách pháp lý của mỗi quốc gia đối với đồng tiền này.

Ngoài ra, giống như thị trường chứng khoán, việc tăng giảm với biên độ mạnh phụ thuộc vào lòng tin của nhà đầu tư vào sự tăng trưởng của đồng tiền đó.

- Nhiều ý kiến cho rằng tiền điện tử được coi là một sản phẩm của sự phát triển cao độ của KHCN, các nước trên thế giới đã công nhận và Việt Nam không thể đi ngược lại xu hướng đó. Anh có đồng tình với các ý kiến này?

- Từ góc độ quan sát, tôi nhận thấy tiền điện tử là phương tiện thanh toán tiện lợi, chi phí giao dịch thấp, an toàn và bảo vệ môi trường. Trên thế giới có nhiều nước công nhận và sử dụng để giao dịch như Mỹ, Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản,…

Tại Việt Nam, Ngân hàng nhà nước đã có khuyến cáo “các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngoại hối, bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.”.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/08/2017 phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử. Bộ tư pháp là cơ quan chủ trì xây dựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh cũng cần phải nhanh chóng bắt kịp xu hướng công nghệ để mạnh dạn đề xuất ban hành một quy phạm ở tầm Nghị định nhằm kịp thời điều chỉnh, bởi sự chậm trễ có nguy cơ kéo tụt sự phát triển kinh tế tư nhân cũng như kinh tế quốc gia.

Như vậy, hiện nay tiền điện tử chưa được công nhận là một phương tiện thanh toán tại Việt Nam, mọi qui định của pháp luật đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng. Tuy nhiên, với xu hướng phát triển của tiền điện tử, sự công nhận của các nước trên thế giới, và những ưu điểm của tiền điện tử, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, Chính phủ sẽ có những Qui định phù hợp để tạo sân chơi cho các nhà đầu tư đồng tiền này, đồng thời can thiệp một cách vừa đủ đối với toàn bộ hoạt động liên quan đến đồng tiền điện tử.

- Gần đây, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền điện tử tương tự khác, huy động sự vào cuộc của 6 cơ quan bộ ngành. Từ góc độ Luật sư, anh đánh giá nên định hướng quản lý như thế nào?

- Thực tế hiện nay, hệ thống tài chính - ngân hàng của Việt Nam còn ở giai đoạn đang phát triển, chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro có thể xảy ra đổ vỡ. Thêm vào đó, các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin,… còn kém xa so với các nước phát triển. Vì vậy, việc chấp nhận hoàn toàn đồng bitcoin trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam. Hơn nữa, Bitcoin chưa được ngân hàng trung ương công nhận nó sẽ tiềm ẩn một số rủi ro và chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ. Tuy nhiên, cũng không thể đi ngược lại với yêu cầu thực tiễn, cấm sử dụng đồng tiền này. Vì vậy, mọi tư duy, quan điểm đều nên theo hướng chấp nhận Bitcoin cũng như các đồng tiền ảo khác như một loại “tài sản”. Cụ thể như sau:

Đối với các tổ chức sử dụng bitcoin (doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng…): Các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực trao đổi, giao dịch bitcoin cần đăng ký hoạt động với các cơ quan chức năng, trong đó cần: Đăng ký xác nhận quyền sở hữu tài khoản bitcoin; lưu trữ các thông tin về lịch sử  giao dịch. Đối với các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ bằng bitcoin cần phải có quy chế đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của người bán; tuân thủ các nguyên tắc về kế toán, kiểm toán đối với tài sản trong các doanh nghiệp có sử dụng bitcoin; có các quy định về nghĩa vụ thuế liên quan đến sở hữu và sử dụng loại “tài sản ảo” này; tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.

Với cá nhân sử dụng bitcoin: Đối với các giao dịch giá trị thấp, hoạt động này ít có rủi ro và người dùng không cần có trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, với các giao dịch giá trị cao, người dùng nên tuân thủ các nguyên tắc về mua bán tài sản và có nghĩa vụ đóng thuế.

Đối với các cá nhân, tổ chức “đào” hay khai thác bitcoin: Giá trị lượng bitcoin “đào” được có thể coi như thu nhập (giống như việc khai thác tài nguyên thiên nhiên). Vì vậy, cá nhân và tổ chức “đào” bitcoin phải chịu thuế thu nhập trên khối lượng bitcoin “đào được”.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý bitcoin và các đồng tiền điện tử trong dài hạn, Nhà nước cần có các chính sách nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia tài chính, chuyên gia mã hóa và bảo mật, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất của Bitcoin cũng như các loại tiền điện tử khác.

Không nên cản trở các hoạt động làm giàu chính đáng

- Từ ví dụ về vụ đường dây tiền ảo Modern Tech, người đứng đầu lặn biệt tăm, hàng ngàn người khốn đốn vì có nguy cơ mất trắng lên tới 15.000 tỉ đồng, có cách nào hạn chế rủi ro cho người dân khi sử dụng đồng tiền điện tử?

- Vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất là Việt Nam cần nghiên cứu xem xét nắm được cách thức phát hành và cơ chế hoạt động, các nhân tố tác động đến giá trị của các đồng tiền điện tử này để có cách thức ứng xử phù hợp với tiền điện tử; trong đó có Bitcoin.

Do tiền điện tử có thể trở thành phương tiện để lừa đảo với cộng đồng dân cư, nên giải pháp, theo tôi, là phải hướng dẫn cộng đồng dân cư đầu tư tiền của mình vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vào đầu tư thực, đem lại năng suất lao động cao hơn, đem lại tài sản lớn hơn cho xã hội cũng như sức sản xuất mới cho nền kinh tế thay vì đầu tư vào tiền điện tử đầy rủi ro. Từ đó có thể mất sạch vốn ban đầu cũng như tạo ra những hệ lụy nhất định với kinh tế - xã hội.

Thêm nữa, hiện nay có một bộ phận không nhỏ các công ty, các cá nhân lôi kéo các nhà đầu tư mua tiền điện tử, tổ chức các sàn giao dịch tiền điện tử theo mô hình đa cấp nhằm huy động vốn trái phép. Các hoạt động này thực chất là vi phạm các luật về tài chính, ngân hàng của Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nhận diện và phân biệt được hoạt động huy động vốn trái phép với hoạt động đầu tư đồng tiền điện tử. Tuy nhiên có vẻ, cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hình thức đầu tư này.

Lối thoát nào cho đầu tư tiền điện tử khi nằm ở vùng “trống pháp lý“? ảnh 2 Các nạn nhân giăng biểu ngữ trước công ty Modern Tech ở TP.HCM.

Sự việc mất vốn của hơn 32 ngàn nhà đầu tư xảy ra tại Công ty Modern Tech tại thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ tiêu biểu cho sự phát triển không ngừng về ý tưởng “kinh doanh”, vượt xa tầm với của quản lý nhà nước. Vì như tôi nói ở trên, việc đầu tư phát triển đồng tiền điện tử đang nằm ở vùng “trống pháp lý”, tức không đúng, nhưng cũng không sai.

- Về việc lưu hành của tiền điện tử, có ý kiến cho rằng đó là yếu tố tất yếu của thời CMCN 4.0 và lâu dài nó có thể thay thế tiền pháp định và các tài sản tương đương tiền. Luật sư nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và ứng dụng công nghệ internet, sự xâm nhập và lan tỏa nhanh chóng của đồng Bitcoin và nhiều đồng tiền điện tử khác ở Việt Nam là điều tất yếu. Chúng ta không thể phủ nhận rằng đồng tiền điện tử Bitcoin đã gặt hái được những thành công lớn về mặt đầu tư tài chính.

Đây là loại tiền tệ không chịu sự quản lý của bất cứ ngân hàng trung ương nào và nhiều người vẫn sẵn sàng đầu tư vào loại tiền tệ này trên Internet.

Tóm lại Việt Nam không nên đứng ngoài cuộc chơi này và cũng không nên cản trở các hoạt động đầu tư tiền điện tử của các doanh nghiệp, cá nhân khi họ mong muốn làm giàu chính đáng.

- Luật sư hình dung sẽ như thế nào nếu không kiểm soát tốt tiền điện tử?

Với Việt Nam, đồng tiền điện tử chưa bị điều chỉnh bằng một quy định pháp luật cụ thể nào. Những lợi ích tiềm năng và cả rủi ro thấy trước của loại tiền này cho thấy cần xuất hiện vai trò nhà nước càng sớm càng tốt. Bởi lẽ các giao dịch bằng đồng tiền điện tử có tính ẩn danh cao nên đồng tiền điện tử có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp... Tuy nhiên việc can thiệp quá nhiều bằng các biện pháp chế tài có nguy cơ làm thui chột kênh đầu tư hiện đại, văn minh này.

Do vậy chính sách quản lý cần hài hòa lợi ích doanh nghiệp, nhà đầu tư và lợi ích Nhà nước. Tại sao, tôi đưa lợi ích Nhà nước ở sau cùng là có ý nhất định: Nhà nước Việt Nam nên ưu tiên điều kiện tốt nhất cho môi trường kinh doanh, đầu tư tiền điện tử trước khi hưởng lợi hay nói cách khác là áp và thu thuế từ những hoạt động này.

- Xin cảm ơn Luật sư!