Loài người đang tự loại bỏ chính mình?

Chúng ta đang bị bao vây và nhấn chìm trong những ứng dụng và thiết bị có khả năng làm giảm đi số lượng các sự tương tác giàu ý nghĩa mà chúng ta có với nhau.
Hình minh họa
Hình minh họa

Xin giới thiệu một phần nguyên văn bài viết "Eliminating the Human" (tạm dịch là "Loại bỏ loài người") của David Byrne từ trang Technlogy Review để bạn đọc có thêm một góc nhìn về một trong những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt trong thời đại số này, mời bạn đọc đón xem.

Tôi có một lý thuyết cho rằng những sự phát triển và đổi mới công nghệ trong thập kỷ qua đều có một chủ đề chung. Đó là về việc tạo ra một thế giới với sự tương tác giữa người với người ít hơn. Xu hướng này, theo tôi, không phải là lỗi -  mà là "một tính năng", sự tự cô lập của con người với nhau. Chúng ta có thể nghĩ rằng Amazon là nơi giúp chúng ta sở hữu những cuốn sách mà chúng ta không thể tìm thấy ở gần nhà - và nó đúng là như vậy, một ý tưởng tuyệt vời nữa là đằng khác - nhưng nó cũng không khác gì việc loại bỏ sự tiếp xúc giữa con người với nhau.

Công nghệ tiêu dùng mà tôi đang nói đến không khẳng định hay thừa nhận rằng loại bỏ sự cần thiết phải đối mặt trực tiếp của con người là mục tiêu chính của nó, Nhưng đó là kết quả của một số lượng các trường hợp rất đáng ngạc nhiên. Tôi đang dần nghĩ rằng có lẽ nó chính là mục tiêu chính, kể cả nó không được nhắm tới một cách có ý thức. Dựa trên các bằng chứng Kết luận đó dường như là không thể tránh khỏi.

Điều này đã trở thành chuẩn mực mới. Phần lớn những tin công nghệ gần đây đều là về thuật toán. Trí tuệ nhân tạo, robot, và xe tự lái, tất cả đều phù hợp với kiểu mẫu này. Tôi không nói rằng những sự phát triển ấy là không thuận tiện hay không hiệu quả; đây không phải là một sự phán xét. Tôi chỉ đơn giản là phát hiện ra một kiểu mẫu và tự hỏi rằng liệu, khi nhận ra kiểu mẫu đó, chúng ta sẽ có thể nhận ra rằng đó chỉ là một trong nhiều con đường khác nhau. Có những con đường khác mà chúng ta có thể đi, và con đường mà chúng ta đang đi không phải là không thể tránh khỏi hay duy nhất, mà nó đã được lựa chọn (có thể là trong vô thức).

Tôi nhận ra rằng mình đang đưa ra những giả định hoặc khái quát điên rồ với đề xuất này - nhưng tôi có thể khẳng định rằng mình đã từng ở trong những trường hợp mà tôi muốn (nhưng không nói ra) có càng ít tương tác với con người càng tốt. Tôi lớn lên trong hạnh phúc nhưng tôi cũng thấy nhiều sự tương tác xã hội cực kỳ khó chịu. Tôi thường tự hỏi bản thân liệu có quy tắc nào đó mà mình chưa được kể, những quy tắc mà sẽ giải thích cho tôi mọi thứ. Tôi thường vui vẻ đi đến nhà hàng một mình và đọc sách. Tôi không muốn lúc nào cũng như vậy, nhưng tôi cũng chẳng có vấn đề gì cả - mặc dù nhiều khi tôi nhận thấy ánh nhìn nói lên rằng "Khổ thân, anh ta chẳng có người bạn nào cả". Nên tôi tin rằng tôi có một chút hiểu biết về nơi mà sự thôi thúc không nói ra này bắt đầu.

Sự tương tác giữa con người với nhau, trong tâm trí của một kĩ sư, thường bị coi là một thứ phức tạp, kém hiệu quả, ồn ào và chậm chạp. Một phần trong việc tạo ra một thứ gì đó "không có ma sát" chính là loại bỏ yếu tố con người. Vấn đề không phải là tạo ra một thế giới dựa trên tâm trí này là xấu, nhưng khi một người có nhiều quyền lực hơn những người khác, những người không có chung quan điểm và tầm nhìn ấy, sự mất cân bằng là không thể tránh khỏi. Thế giới công nghệ ngày nay chủ yếu là nam giới, và khi Testosterone kết hợp với một "dã tâm" loại bỏ được càng nhiều sự tương tác càng tốt để có thể đạt được "tính đơn giản và hiệu quả" – tự làm phép toán này, bạn sẽ nhìn thấy được bức tranh tương lai.

"Chúng ta đọc để biết rằng mình không cô độc" - nhưng có đúng như vậy không?

Một vài minh chứng tiêu biểu

Dưới đây là một số ví dụ về việc các công nghệ tiêu dùng cho phép chúng ta hạn chế sự tương tác với con người.

Đặt hàng trực tuyến và giao hàng tại nhà: Đặt hàng trực tuyến là một phát minh vô cùng tiện lợi. Amazon, FreshDirect, Instacart,... đã không chỉ cắt đứt mọi sự tương tác tại các hiệu sách hay các hàng dài người thanh toán; chúng còn loại bỏ mọi sự tiếp xúc của con người ở các giao dịch này, trừ các đề xuất trực tuyến (online recommendations) và thường phải trả phí.

Âm nhạc kĩ thuật số: Tải về và nghe trực tuyến – sẽ không còn các cửa hàng âm nhạc với những nhân viên "biết tuốt". Một số dịch vụ còn cung cấp tính năng đề xuất bài hát bằng thuật toán, nên bạn sẽ thậm chí không cần phải thảo luận với bạn bè của bạn để biết họ thích thể loại gì. Như vậy, chẳng phải chức năng kết nối con người của âm nhạc cũng đã bị loại bỏ hay sao?

Các ứng dụng đi nhờ xe (ride-hailing): Có một sự tương tác vô cùng nhỏ bé – bạn không cần phải nói cho tài xế biết bạn muốn đi đâu hay thích đi đường nào, và nếu không có hứng cũng không cần phải trò chuyện.

GrabChat cho phép bạn tương tác với tài xế, nhưng thực sự thì chúng cũng chẳng cần thiết để bạn có thể đến nơi mong muốn.

Xe tự lái: Theo một nghĩa nào đó, nếu bạn đi chơi với bạn bè, không cần người lái xe cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều thời gian hơn để trò chuyện hay ăn uống. Điều đó rất tuyệt. Nhưng công nghệ xe tự lái cũng đang nhắm tới việc loại bỏ tài xế taxi, xe tải, xe giao hàng và hơn thế nữa. Có rất nhiều lợi ích trong việc loại bỏ con người ở lĩnh vực này – theo lý thuyết, máy móc sẽ lái xe an toàn hơn con người, nên sẽ gây nên ít tai nạn và thiệt hại hơn. Điều bất lợi là rất nhiều người sẽ mất đi việc làm, nhưng đó là một chủ đề khác. Điều mà tôi thấy ở đây chính là một kiểu mẫu nhất quán có tên là "loại bỏ con người".

Tự động thanh toán: Eatsa là một phiên bản mới của Automat, một "nhà hàng" từng nổi tiếng về việc không có nhân viên. Cửa hàng CVS ở địa phương tôi đã và đang đào tạo nhân viên cách sử dụng những cỗ máy thanh toán – những cỗ máy sẽ thay thế chính họ. Đồng thời, họ cũng cho khách hàng của mình học cách làm việc thay cho nhân viên thu ngân.

Amazon đã thử nghiệm các loại cửa hàng – kể cả cửa hàng tạp hóa – tính năng mua sắm tự động. Chúng được gọi là Amazon Go. Ý tưởng là sẽ xuất hiện những cảm biến có khả năng biết được bạn đã lấy gì. Sau đó bạn chỉ cần ra về, tiền sẽ được thanh toán bằng tài khoản ngân hàng mà không cần bất kì sự tương tác nào với con người cả.

Trí tuệ nhân tạo: AI thường (nếu không muốn nói là luôn luôn) tốt hơn con người trong việc đưa ra quyết định. Trong một số lĩnh vực, chúng ta có thể mong đợi điều này. Ví dụ, AI sẽ gợi ý tuyến đường nhanh nhất, dựa trên lượng phương tiện lưu thông và khoảng cách, trong khi con người chỉ có cách thử-và-đi mà thôi. Tuy nhiên, một số lĩnh vực ít được dự kiến mà trí tuệ nhân tạo trở nên vượt trội hơn con người đang được mở ra. Ví dụ, nó đã có thể phát hiện bệnh ung thư hắc tố tốt hơn nhiều bác sĩ giỏi. Những công việc pháp lý thông thường cũng sẽ sớm bị thay thế bởi các chương trình máy tính, và đánh giá tài chính sẽ là công việc mà máy móc thực hiện.

Lực lượng lao động là robot: Các nhà máy hiện nay đang ngày càng có ít nhân công là con người, có nghĩa là bạn không phải đối mặt với tính cách của mỗi người, không có phàn nàn tăng ca và không có bệnh tật. Sử dụng robot sẽ tránh được nhu cầu của người lao động về chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, bảo hiểm và trợ cấp thất nghiệp.

Trong kỉ nguyên của AI và robot, vai trò của con người ngày càng trở nên mờ nhạt.

Trợ lí ảo: Với khả năng nhận dạng giọng nói tiên tiến, người ta sẽ thích nói chuyện với những cỗ máy như Google Home hay Amazon Echo hơn là con người. Những câu chuyện vui nhộn đủ để chúng ta bỏ qua những lỗi phát sinh. Một đứa trẻ nói "Alexa, tôi muốn một nhà búp bê" và "úm ba la", các bậc phụ huynh đã thấy một sản phẩm trong giỏ hàng.

Big data: Những cải tiến và đổi mới trong việc thu thập dữ liệu đồng nghĩa với việc các kiểu mẫu có thể được phát hiện trong hành vi của chúng ta, nơi trước đây chúng chưa từng được nhìn thấy. Dữ liệu nghe có vẻ khách quan, nên chúng ta thường có xu hướng tin tưởng nó, và chúng ta sẽ tin những dữ liệu được thu thập hơn là những gì chúng ta tự tìm hiểu bản thân hay các đồng nghiệp và bạn bè.

Trò chơi điện tử (và thực tế ảo): Đúng, có một số trò chơi trực tuyến tương tác. Nhưng hầu hết chúng đều được chơi trong một căn phòng với một người chơi được kết nối với trò chơi. Sự tương tác thì chỉ là ảo mà thôi.

MOOCS: Giáo dục trực tuyến mà không cần sự tương tác trực tiếp của giáo viên.

Mạng "xã hội": Đây là kiểu tương tác xã hội mà không hoàn toàn mang tính xã hội. Trong khi Facebook và những ông lớn khác thường khẳng định rằng họ đang cung cấp sự liên kết giữa con người với nhau, trên thực tế thì chúng chỉ là sự mô phỏng của những kết nối thực sự.

Các trang mạng xã hội như Facebook có thực sự kết nối chúng ta không?

Tác động của việc có ít tương tác là gì?

Giảm thiểu sự tương tác có rất nhiều tác động – một số thì tốt, một số thì không.

Đối với chúng ta, là một xã hội, ít liên hệ và tương tác – những tương tác thực sự - sẽ dẫn đến sự thiếu khoan dung và thấu hiểu, đồng thời tạo ra nhiều sự đố kị và đối địch. Như đã được chứng minh gần đây, các phương tiện truyền thông xã hội làm tăng sự chia rẽ bằng cách khuếch đại hiệu ứng echo và cho phép chúng ta sống trong những "bong bóng nhận thức". Chúng ta chỉ tiếp nhận những gì chúng ta hay những người bạn của chúng ta thích (hoặc là những gì mà ai đó đã trả tiền để chúng ta nhìn thấy các quảng cáo). Bằng cách này, chúng ta thực sự trở nên ít kết nối với nhau hơn – ngoại trừ những người ở trong nhóm của chúng ta.

Các mạng xã hội cũng là "nguồn cơn" của sự bất hạnh. Một nghiên cứu mới đây bởi hai nhà khoa học xã hội, Holly Shakya của Đại học San Diego và Nicholas Christakis tại Đại học Yale cho thấy rằng càng có nhiều người sử dụng Facebook, thì họ càng cảm thấy cuộc sống của họ tồi tệ hơn. Trong khi những công nghệ này cam đoan rằng họ đang kết nối chúng ta, có một hậu quả không mong muốn rằng nó khiến chúng ta xa cách nhau, buồn bã và đố kị lẫn nhau.

Mạng xã hội là "nguồn cơn" của sự bất hạnh? Có lẽ vậy.

Tôi không nói rằng những công cụ, ứng dụng và các công nghệ khác là không tiện lợi, thông minh và hiệu quả. Chính bản thân tôi cũng sử dụng chúng. Nhưng theo một nghĩa nào đó, chúng đi ngược lại với những gì khiến chúng ta trở thành con người.

Chúng ta đã tiến hóa thành các sinh vật xã hội, và khả năng hợp tác chính là một trong những nhân tố chính của thành công của chúng ta. Tôi cho rằng, tương tác và hợp tác xã hội, thứ tạo nên bản thân chúng ta, là một cái gì đó mà các công cụ chỉ có thể tăng cường thêm chứ không thể thay thế.

Khi sự tương tác trở thành một thứ lạ lẫm và không quen thuộc, thì chúng ta đã thay đổi việc chúng ta là ai, là cái gì. Thường thì lí trí sẽ thuyết phục chúng ta rằng phần lớn các tương tác có thể giảm xuống thành một loạt các quyết định có tính logic – nhưng chúng ta không nhận thức được sự tinh tế của những tương tác đó. Theo các nhà kinh tế hành vi, chúng ta không cư xử một cách hợp lý, mặc dù chúng ta nghĩ rằng mình đã làm như vậy. Và suy luận Bayesian (một kiểu suy luận thống kê mà trong đó các quan sát hay bằng chứng được dùng để cập nhật hoặc suy luận ra xác suất cho việc một giả thuyết có thể là đúng) cho chúng ta thấy rằng sự tương tác là cách chúng ta xem lại các hình ảnh về những điều đang diễn ra và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Có lẽ nào việc giảm thiểu sự tương tác của con người sẽ cứu chúng ta?

Con người là một sinh vật thất thường, giàu tình cảm, phi lý và thiên vị. Có vẻ như bản chất nhanh nhạy trong suy nghĩ và ích kỷ của chúng ta sẽ đánh dấu sự sụp đổ của chúng ta. Dường như có rất nhiều lí do vì sao việc loại bỏ con người khỏi cuộc sống là một điều tốt, theo nhiều khía cạnh khác nhau.

Nhưng tôi thấy, mặc dù khuynh hướng phi lý khác nhau của chúng ta giống như một gánh nặng, nhiều thuộc tính trong số chúng thực sự có lợi cho chúng ta. Rất nhiều cảm xúc của con người đã được phát triển hàng thiên niên kỷ, và chúng được dựa trên xác xuất mà nó sẽ nhiều hơn là không, cung cấp giải pháp tốt nhất để giải quyết một tình huống.

Chúng ta là ai?

Antonio Damasio, một nhà thần kinh học tại UCLA, đã viết về một bệnh nhân mà ông gọi là Elliot, người bị tổn thương ở thùy trán và không còn cảm xúc. Ở tất cả các khía cạnh còn lại, ông hoàn toàn bình thường – thông minh, khỏe mạnh – nhưng cảm xúc của ông không khác gì nhân vật Spock trong series Star Trek. Elliot không thể đưa ra quyết định. Ông ấy sẽ quá tập trung vào những tiểu tiết. Damasio kết luận, mặc dù chúng ta nghĩ rằng việc đưa ra quyết định là dựa trên lí trí và máy móc, nhưng thực tế thì cảm xúc của chúng ta mới là yếu tố quyết định.

Những cảm xúc mới là yếu tố quyết định dẫn đến khả năng lựa chọn của chúng ta.

Với việc con người là một sinh vật không thể đoán trước (trừ khi một thuật toán có thể giải quyết vấn đề này), chúng ta hưởng lợi từ sự bất ngờ, những tai nạn vui vẻ, các mối liên kết không ngờ tới và cả trực giác. Tương tác, hợp tác và cộng tác với những người khác sẽ khiến những cơ hội đó được nhân lên gấp nhiều lần.

Chúng ta là một giống loài sống theo xã hội – chúng ta hưởng lợi từ việc khám phá và xu hướng hợp tác để đạt được những thành tựu mà không thể làm được một mình. Trong cuốn sách Sapiens của mình, Yuval Harari khẳng định rằng đây chính là điều khiến chúng ta thành công. Ông cũng khẳng định rằng sự hợp tác này được tạo điều kiện bởi khả năng tin tưởng vào những điều "hư cấu" như quốc gia, tiền tệ, tôn giáo và các thể chế pháp lý. Máy móc sẽ không tin vào điều hư cấu – hoặc ít ra là chưa. Điều này không phải để nhận định rằng chúng sẽ không vượt qua chúng ta, mà nếu máy móc được thiết kế để chỉ quan tâm đến bản thân, chúng sẽ gặp nhiều chướng ngại vật. Và trong lúc đó, nếu như sự sụt giảm của việc tương tác lẫn nhau khiến chúng ta quên đi cách hợp tác, thì chúng ta đã mất đi lợi thế của mình.

"Chúng ta" không tồn tại dưới dạng các cá thể biệt lập. Chúng ta, là một phần của những mạng lưới lớn; chúng ta là các mối quan hệ. Đó là cách để chúng ta trở nên thịnh vượng và phát triển.

Lưu ý: Bài viết thể hiện góc nhìn của David Byrne, một nhạc sĩ và nghệ sĩ hiện đang sinh sống tại New York. Tác phẩm mới nhất của ông là cuốn sách How Music Works. 

Theo VnReview
http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2250143/loai-nguoi-dang-tu-loai-bo-chinh-minh