Lò lửa Syria nguy cơ châm ngòi “thùng thuốc súng” Trung Đông

VietTimes – Nếu các nước Trung Đông tiếp tục con đường phát triển hiện nay, chắc chắn các nhà lãnh đạo sẽ phải đau đầu giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị- xã hội trong nước và khiến các cuộc xung đột bên ngoài càng sâu sắc hơn, APIS nhận định.
Máy bay Su-34 Nga sử dụng tên lửa không đối đất tiêu diệt mục tiêu khủng bố
Máy bay Su-34 Nga sử dụng tên lửa không đối đất tiêu diệt mục tiêu khủng bố

Với những trận đánh vào Mosul và Raqqa đánh tan tác quân IS ra khỏi những thành trì ở Syria và Iraq, và cuộc nội chiến Syria đang biến thành một cuộc chiến tàn khốc, các cuộc xung đột đẫm máu nhất ở Trung Đông đang có những biến đổi nhanh chóng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các cuộc xung đột này sẽ sớm được giải quyết.

IS không phải là một quốc gia, do đó không bao giờ phải đầu hàng vô điều kiện. Do đó các trận đánh ở Mosul và Raqqa không bao giờ mang tính quyết định, kể cả khi có loại bỏ được hoàn toàn các khu trú ẩn của IS. Khi IS đã lan sang Libya và bán đảo Sinai của Ai Cập, rất nhiều khu vực kiểm soát lỏng lẻo có thể bị IS chiếm cứ.

Hiện nay, IS đã thay đổi chiến lược của mình thành các cuộc tấn công khủng bố theo kế hoạch và truyền cảm hứng ở Trung Đông, châu Âu, và ngay cả ở Đông Nam Á. Bước tiếp theo của IS là làm các chế độ Ả rập mất ổn định từ bên trong - một chiến lược mà các liên minh quốc tế không thể đối phó được.

Với tính thiếu kiên định và mong manh của các liên minh hiện nay thì chiến lược này lại càng đúng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xây dựng toàn bộ chiến lược Trung Đông dựa trên nỗi sợ hãi của Ả rập Xê-út về IS và Iran. Các nước Hồi giáo dòng Sunni trong khu vực đã gia nhập hàng ngũ chống IS và Iran.

Về phần mình, Iran công nhận những khu vực lãnh thổ giải phóng khỏi tay IS khó có thể thu hồi như cũ. Do đó Iran đã tăng cường kiểm soát ở miền nam Syria, dọc biên giới với Jordan trong nỗ lực xây dựng lưỡi liềm kiểm soát bởi dòng Shia, trải dài từ Iran qua Iraq tới Syria và Li-băng.

Nhưng Israel, một đồng minh thân cận của liên minh các nước Hồi giáo dòng Sunni do Mỹ bảo trợ sẽ không ngồi yên để Iran hình thành lưỡi liềm này. Israel tuyên bố sự hiện diện của Iran dọc biên giới cao nguyên Golan sẽ làm tăng nguy cơ chiến tranh.

Israel là nhân tố không thể bỏ qua trong bất cứ biến động lớn nào tại khu vực Trung Đông
Israel là nhân tố không thể bỏ qua trong bất cứ biến động lớn nào tại khu vực Trung Đông

Mỹ cũng góp phần ngăn chặn các đế chế Hồi giáo dòng Shia mở rộng lãnh thổ từ Vùng Vịnh tới Địa Trung Hải, thậm chí Mỹ còn không kích vào khu vực biên giới chung giữa Iraq, Jordan và Syria. Quân đội Mỹ cũng đã bắn rơi một máy bay Syria và hai máy bay quân sự không người lái của Iran do Hezbollah vận hành.

Tuy nhiên Iran không phải là nước duy nhất cố gắng vẽ lại biên giới vì lợi ích riêng của nước mình. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan được cho là đã công khai ủng hộ thách thức của IS đối với trật tự theo thỏa thuận Sykes-Picot đã kéo dài 100 năm tuổi do Anh và Pháp đưa ra sau khi Đế chế Ottoman sụp đổ.

Người Kurd, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS cũng muốn thay đổi bản đồ Trung Đông, mặc dù chắc chắn cách thức của họ không giống như Thổ Nhĩ Kỳ. Họ muốn thành lập nhà nước của riêng mình, và để thực hiện điều này, người Kurd nỗ lực chiến đấu chống IS nhằm nhận được sự ủng hộ của Mỹ và quốc tế. Ông Masoud Barzani, chủ tịch vùng tự trị Kurdistan của Iraq mới đây đã thông báo rằng một cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của người Kurd ở Iraq sẽ được tiến hành vào tháng 9 năm nay.

Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn tiến công trong thành phố Raqqa

Với Thổ Nhĩ Kỳ, việc ngăn chặn người Kurd đòi độc lập là ưu tiên hàng đầu, cao hơn cả việc tiêu diệt IS hay lật đổ chế độ Assad. Ông Erdogan lo sợ rằng người Kurd ở Iraq có thể sẽ kích động người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ nổi dậy giành độc lập. Đảng Lao động người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ lực lượng dân quân người Kurd ở Syria giành được chiến thằng trên chiến trường. Do đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lo sợ điều này sẽ giúp lực lượng người Kurd được công nhận trên toàn thế giới, vì thế Thổ Nhĩ Kỳ phải nỗ lực trấn áp người Kurd.

Với những lo ngại này, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai quân đội ở miền bắc Syria và có thể sẽ ở lại đó ngay cả sau khi Raqqa sụp đổ để làm vùng đệm giữa người Kurd ở Syria và ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, cho dù mối quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc chiến của người Kurd không phải là vô căn cứ, thì cơ hội trên thực tế của người Kurd vẫn còn hết sức hạn chế. Bởi vì các nước như Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chắc chắn sẽ phản đối một cách dữ dội.

Hiện nay, Nga cũng là một nhân vật chủ chốt khác ở Trung Đông, mặc dù Kremlin dường như ít quan tâm đến việc can thiệp vào cuộc chiến giữa các nước Hồi giáo dòng Sunni và Iran (càng ít can thiệp hơn vào mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK). Hiện tại, Kremlin có chung mục tiêu với Iran trong việc đảm bảo sự tồn tại của chế độ Assad. Nhưng ngay khi tình hình ổn định thì liên minh này cũng sẽ rơi vào cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát chính trị ở Syria.

Trong bối cảnh phức tạp này, hầu như không ai có thể kiên nhẫn khi xảy ra thêm bất ổn. Đó là lý do vì sao Ả rập Xê-út cùng với Bahrain, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất gần đây đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar vì các nước này cáo buộc Qatar đã khiến khu vực thêm bất ổn vì ủng hộ cả Iran lẫn quân dòng Sunni của al-Qaeda và IS. Theo quan điểm của Ả rập Xê-út và các đối tác, đây là lúc để Qatar lựa chọn lập trường.

Ả Rập Xê-út cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar 

Tuy nhiên, hiện nay, Qatar đang nhận được sự giúp đỡ từ các nước đồng minh. Cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều sẵn sàng lấp đầy khoảng trống do Ả rập Xê-út để lại. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triển khai quân đến căn cứ quân sự ở Qatar.

APIS nhận định, trong bất kỳ trường hợp nào, Qatar cũng không phải là vấn đề của Ả rập Xê-út. Và Iran cũng vậy. Sử dụng các kẻ thù bên ngoài để chuyển sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước là một thủ thuật đã quá quen thuộc của các chế độ chuyên chế. Để biến một vương quốc phong kiến thành một quốc gia hiện đại, Ả rập Xê-út cần phải giải quyết các yếu điểm bên trong đất nước. Nước này không cần thêm liên minh chiến đấu và các thỏa thuận vũ khí khổng lồ như thỏa thuận gần đây mà lãnh đạo nước này đã ký kết với ông Trump trong chuyến thăm của ông tới Riyadh.

Ai Cập cũng cần tập trung vào việc làm dịu các căng thẳng chính trị và xã hội trong nước. Chỉ như vậy Ai Cập mới có thể khẳng định quyền kiểm soát đối với bán đảo Sinai.

Các đồng minh dòng Sunni của Mỹ tìm đến ông Trump một phần vì ông Trump không có hứng thú với việc cải cách dân chủ như ông Obama từng đẩy mạnh. Nhưng nếu những nước này tiếp tục con đường phát triển hiện nay, chắc chắn các nhà lãnh đạo sẽ phải đau đầu giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị- xã hội trong nước và khiến các cuộc xung đột bên ngoài càng trầm trọng hơn.