Liên tục phóng tên lửa, Triều Tiên càng bị cô lập trên trường quốc tế

VietTimes -- Không chỉ tất cả các nước liên quan bao gồm cả "đồng minh" Trung Quốc đã lên tiếng phê phán Triều Tiên phóng tên lửa lần này, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc còn ra tuyên bố yêu cầu áp dụng biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn, trong khi Mỹ - Hàn tăng sức ép quân sự.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: The Japan Times
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: The Japan Times

Ngày 6/3/2017, Triều Tiên tiếp tục phóng 4 quả tên lửa về phía biển Nhật Bản, trong đó có 3 quả rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Triều Tiên thậm chí nói, vụ phóng này là huấn luyện tấn công đối với căn cứ quân Mỹ tại Nhật Bản. Hành động này rõ ràng mang tính “khiêu khích” và bị cộng đồng lên án mạnh mẽ.
Ngay sau khi Triều Tiên phóng 4 quả tên lửa lần này, trong ngày 6/3, Thủ tướng Nhật Bản đã tạm dừng hoạt động tại Đại hội của Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP), lập tức triệu tập hội nghị an ninh để đánh giá tình hình và đưa ra biện pháp phản ứng.
Ông Shinzo Abe đã xác định Triều Tiên là “mối đe dọa trong giai đoạn mới” và đẩy nhanh thảo luận nhập khẩu hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Trong khi đó, cùng ngày 6/3, Hàn Quốc và Mỹ lập tức công bố bắt đầu triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc với các hình ảnh 1 máy bay vận tải C-17 vận chuyển 2 xe phóng tên lửa và một phần trang bị của hệ thống THAAD đến Hàn Quốc.
Ngày 7/3, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ thăm ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc từ ngày 15 đến ngày 19/3. Quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ còn cho biết, chuyến thăm này nhằm tìm kiếm “tư duy mới” trong việc ứng phó với Triều Tiên.

Ngày 6/3/2017, Triều Tiên phóng 4 quả tên lửa đạn đạo về biển Nhật Bản. Ảnh: AFP
Ngày 6/3/2017, Triều Tiên phóng 4 quả tên lửa đạn đạo về biển Nhật Bản. Ảnh: AFP

Trong chuyến thăm, ông Rex Tillerson dự tính sẽ tiến hành hội đàm với Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, khi đó hai bên sẽ tiến hành tham vấn về ứng phó với “mối đe dọa” từ Triều Tiên.
Không chỉ có vậy, Trung Quốc, một “đồng minh” của Triều Tiên cũng đã lên tiếng phê phán Triều Tiên. Ngày 6/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, Trung Quốc phản đối Triều Tiên vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an, tiến hành các hoạt động phóng tên lửa.
Nhưng, đồng thời ông Cảnh Sảng cũng đã lên tiếng phê phán Mỹ và Hàn Quốc, cho rằng: “Trung Quốc cũng chú ý đến việc Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn nhằm vào Triều Tiên”. Cảnh Sảng kêu gọi, trong tình hình hiện nay, các bên liên quan cần giữ kiềm chế, tránh có các hành động kích động nhau, làm trầm trọng thêm căng thẳng tình hình khu vực.
Trước đó, ngày 12/2, Triều Tiên cũng đã phóng một quả tên lửa đạn đạo. Ngay sau cuộc gặp ngày 17/2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Trung - Mỹ, đến ngày 18/2, Trung Quốc đã áp dụng thêm biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, đó là tạm ngừng nhập khẩu than của Triều Tiên từ ngày 19/2 đến ngày 31/12/2017.
Sau vụ phóng tên lửa mới nhất ngày 6/3 của Triều Tiên, đến ngày 7/3 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra tuyên bố cho rằng hành động phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã “vi phạm nghiêm trọng” nghị quyết của Hội đồng Bảo an, tiến hành phê phán mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu Triều Tiên tự giác chấm dứt phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Ngày 7/3/2016, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ra tuyên bố yêu cầu Triều Tiên chấm dứt hoạt động phóng tên lửa. Ảnh: CCTV
Ngày 7/3/2017, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ra tuyên bố yêu cầu Triều Tiên chấm dứt hoạt động phóng tên lửa. Ảnh: CCTV

Tuyên bố yêu cầu tất cả các nước thành viên của Liên Hợp quốc thực hiện nghiêm túc các biện pháp trừng phạt, nhấn mạnh sẽ “thực thi các biện pháp nghiêm khắc hơn” đối với Triều Tiên.
Tuyên bố với báo chí này của Hội đồng bảo an không khác so với nghị quyết, không có ràng buộc pháp lý, nhưng cần được sự đồng ý của tất cả các nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an – bao gồm cả Nga và Trung Quốc, được sử dụng khi thể hiện sự đoàn kết, nhất trí của Hội đồng bảo an.
Ba nước Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc hy vọng việc làm này của Hội đồng Bảo an sẽ có lợi cho tăng cường gây sức ép của cộng đồng quốc tế lên Triều Tiên.
Ngoài sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, hiện nay, Triều Tiên đang tiếp tục hứng chịu sức ép từ các cuộc tập trận chung quy mô lớn nhất trong lịch sử giữa Mỹ với đồng minh quân sự Hàn Quốc tổ chức trên bán đảo Triều Tiên.
Các cuộc tập trận chung Foal Eagle và Key Resolve giữa Mỹ - Hàn đang tiến hành hiện nay rõ ràng là tập luyện các nội dung nhằm “đánh đòn phủ đầu” đối với Triều Tiên, gây áp lực quân sự và an ninh rất lớn cho Triều Tiên.
Trong tương lai, Mỹ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ còn tiếp tục tăng cường xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Bắc Á, không chỉ nhằm ứng phó với Triều Tiên mà còn có thể “gây thiệt hại cho lợi ích an ninh chiến lược” của Trung Quốc, tình hình an ninh khu vực này sẽ tiếp tục căng thẳng.

Tập trận chung Foal Eagle 2017 giữa Mỹ - Hàn. Ảnh: Dvidshub
Tập trận chung Foal Eagle 2017 giữa Mỹ - Hàn. Ảnh: Dvidshub