Lâu đài Shuri – “Quốc bảo Nhật Bản”, di sản văn hóa thế giới bị lửa thiêu rụi

VietTimes -- Khoảng 2h40 phút sáng ngày 31/10 một đám cháy đã bùng phát tại di sản văn hóa thế giới Lâu đài Shuri ở Naha, tỉnh Okinawa, Nhật Bản. Cho đến lúc 8h, ngọn lửa vẫn lan rộng, tòa chính điện, các tòa nhà phía bắc và phía nam đều đã bị thiêu rụi và chưa rõ về số người thương vong.  
Lâu đài Shuri, Di sản văn hóa thế giới, "Quốc bảo" của Nhật Bản ở Okinawa bị thiêu rụi sáng 31/10.
Lâu đài Shuri, Di sản văn hóa thế giới, "Quốc bảo" của Nhật Bản ở Okinawa bị thiêu rụi sáng 31/10.

Theo đài truyền hình NHK và đài truyền hình NipponTV ngày 31, cảnh sát Naha cho biết công ty chịu trách nhiệm về công tác an ninh của lâu đài Shuri đã báo tin vụ cháy vào khoảng 2:40 sáng. Mặc dù 14 xe cứu hỏa đã được điều động ngay lập tức để dập tắt đám cháy, nhưng chính điện, điện phía Bắc và phía Nam của Lâu đài Shuri đều đã bị thiêu cháy. Ngọn lửa lan rộng sang khu thờ các vị thần ở khu phía tây điện chính. Tạm thời chưa có thương vong được ghi nhận.

Các nhân viên cứu hỏa tại chỗ cho biết, tính đến thời điểm 11h30, có tổng cộng 6 tòa nhà, diện tích tổng cộng 4.200 mét vuông đã bị lửa thiêu hủy.

Toàn bộ khu lâu đài đã bị lửa thiêu rụi
Toàn bộ khu lâu đài đã bị lửa thiêu rụi

Được biết, lâu đài Shuri đã tổ chức các sự kiện du lịch kể từ ngày 27/10 và đêm 30 có sự chuẩn bị. Lễ tế chính dự kiến sẽ diễn ra vào sáng ngày 3/11 tới đây. Hiện vẫn chưa biết có ai trong tòa nhà khi đám cháy bùng phát hay không. Nguyên nhân hỏa hoạn hiện đang được điều tra.

Khói bụi gây ra bởi ngọn lửa phát tán trong không khí gây nên khói mù và mùi khét, khiến cư dân gần đó “choáng váng”. Một người dân 50 tuổi nói: “Vào lúc 2 giờ sáng, tôi nghe thấy tiếng chuông báo động và sau đó tôi thấy khói bốc lên từ lâu đài Shuri. Lâu đài Shuri là một danh thắng hiếm có. Đám cháy là một đòn giáng mạnh đối với tôi, khiến tôi không cầm được nước mắt”.

Tòa chính điện của Lâu đài trước khi bị cháy
Tòa chính điện của Lâu đài trước khi bị cháy

Một cư dân 47 tuổi khác sống cách lâu đài Shuri 2 km nói: “Tôi ra ban công đứng nhìn thấy bầu trời chuyển sang màu đỏ rực. Tôi lo lắng cho những người sống ở gần đó”.

Lâu đài Shuri là đô thành và Hoàng cung của Vương quốc Ryukyu từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Tòa lâu đài được công nhận là “Quốc bảo” (báu vật quốc gia) của Nhật Bản từ năm 1933. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Quân đoàn 32 của Quân đội Nhật Bản đã đào hầm ngầm dưới lòng đất của Lâu đài Shuri để thiết lập một sở chỉ huy. Trong Chiến dịch Okinawa tháng 3/1945, lâu đài bị các máy bay và tàu chiến của Hải quân Mỹ bắn phá nhiều lần. Ngày 29 tháng 3 năm 1945, tuần dương hạm “Mississippi” của Hải quân Mỹ đã nã pháo vào và phá hủy hầu như hoàn toàn Lâu đài Shuri.

Toàn cảnh Lâu đài Shuri trong thành phố Naha.
Toàn cảnh Lâu đài Shuri trong thành phố Naha.

Các tư liệu công khai cho thấy, các tòa nhà trong Lâu đài Shuri đều làm bằng gỗ. Tòa điện chính 3 tầng cao 16m, dài 29m, sâu 17m. Đá dùng cho việc trùng tu, tôn tạo ngôi chính điện đều được nhập từ Trung Quốc. Gian chính ở tầng 1 tòa chính điện là nơi ngự của Quốc vương có treo tấm hoành phi do Hoàng để Khang Hy nhà Thanh gửi tặng trên là thủ bút của Khang Hy đề tự “Trung Sơn Thế Thổ”.

Công tác tập luyện cho lễ tế sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới đây
Công tác tập luyện cho lễ tế sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới đây

Sau khi Thế chiến II kết thúc khu vực tàn tích của Lâu đài Shuri được sử dụng làm khuôn viên của Đại học Ryukyu. Năm 1958, khu đền trình của Lâu đài Shuri được xây dựng lại. Năm 1992, công tác trùng tu phục hồi các tòa kiến trúc chính bắt đầu. Năm 2000, Lâu đài Shuri đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Lâu đài Shuri thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước Nhật đến tham quan.
Lâu đài Shuri thu hút nhiều du khách trong, ngoài nước Nhật đến tham quan.

Lâu đài Shuri là di tích của Vương quốc Ryukyu cổ xưa, là báu vật của tỉnh Okinawa và cả nước Nhật, hàng năm đều thu hút rất đông du khách trong, ngoài nước Nhật đến tham quan. Việc di sản văn hóa thế giới này bị thiêu hủy là một tổn thất lớn lao đối với đất nước và nhân dân Nhật.

Theo Đa Chiều và Sina