Lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn đứng im

Các ngân hàng đã chính thức vào cuộc “đua” giảm lãi suất huy động, nhưng điều mà doanh nghiệp, nền kinh tế mong đợi nhất là lãi vay vẫn chưa được điều chỉnh giảm theo tương ứng.
Lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn đứng im

Lãi huy động ngắn dài đều giảm 

 Động thái hạ lãi suất huy động bắt đầu rục rịch ngay từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi, cho đến mấy ngày gần đây tạo thành làn sóng khá mạnh. Theo khảo sát của phóng viên Thanh Niên Online tại ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank), mức lãi suất cao nhất 7,9%/năm ở các kỳ hạn dài vừa được điều chỉnh chỉ còn 7,65%/năm.

Tại Techcombank, các mức lãi suất huy động có kỳ hạn cũng được điều chỉnh giảm từ 0,2 - 0,3%/năm. Cụ thể, từ ngày 4.3, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng này được điều chỉnh giảm từ mức 4,6%/năm xuống còn 4,4%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm từ mức 4,85%/năm còn 4,55%/năm; 6 tháng giảm còn 5,02%/năm từ mức 5,25%/năm.

 Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng vừa thông báo điều chỉnh lãi suất tiền gửi VND tại một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng ngân hàng này áp dụng chỉ còn 4%/năm như nhiều ngân hàng lớn đang áp dụng. Lãi suất cao nhất tại kỳ hạn 24 tháng cũng chỉ ở mức 6,6%/năm.

Hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng cao nhất là 5% thuộc về Southern Bank; lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất là 6,8% thuộc về BIDV. Được biết, tuần trước, một số ngân hàng như Agribank, Eximbank, DongABank điều chỉnh giảm lãi suất một số kỳ hạn ở 0,2 - 0,4%/năm so với trước.

 Nguyên nhân lãi suất huy động giảm, theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB), là do tác động tích cực từ yếu tố lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1, tháng 2.2015 giảm so với các tháng trước đó. CPI tháng 2 giảm 0,25% so với tháng 12 năm ngoái. Chính vì vậy, các ngân hàng phải cân đong đo đếm lại hoạt động huy động để cho vay của mình.

Mặc dù lãi suất giảm, nhưng nếu so sánh VND với lạm phát hiện tại, lãi suất tiền gửi VND đang ở mức thực dương khá cao so với các nước trong khu vực. Còn nếu so với lãi suất gửi USD đối với cá nhân ở mức 0,75%/năm thì gửi lãi suất VND vẫn có lợi.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước lớn cũng chia sẻ, trong Tết, Ngân hàng Nhà nước cung ứng ra thị trường một lượng tiền mặt khá lớn, lên tới gần 200.000 tỉ đồng. Nay lượng tiền này quay lại hệ thống, vốn khả dụng các nhà băng tăng lên mạnh nên các ngân hàng cũng phải giảm lãi suất huy động, giảm chi phí kinh doanh.

 “Bên cạnh đó, lần cắt giảm này diễn ra ở cả kỳ hạn dài là các ngân hàng cũng muốn chuẩn bị cắt giảm lãi suất cho vay trung - dài hạn từ 1 - 1,5%/năm theo lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước”, lãnh đạo này cho biết.

 Lãi cho vay chưa nhúc nhích

 Việc cắt giảm lãi suất huy động sẽ khiến “túi tiền” của người dân bị vơi bớt đi, nhưng bù lại sẽ tạo tác động tích cực để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên đó là về mặt lý thuyết, còn hiện tại, mức lãi suất cho vay vẫn còn khá cao. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đối với kỳ hạn ngắn từ 7 - 9%/năm; lãi vay sản xuất kinh doanh đối với kỳ hạn dài từ 9,5 - 11%/năm. Các mức lãi vay trên đều cao hơn từ từ 3 - 4,5%/năm so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, một trong những lý do ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động vì đây là tiền đề quan trọng để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

 Từ cuối năm 2014, tín dụng tuy đã có những tín hiệu tích cực, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn đang khó khăn, khi nền kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục. Đối với nền kinh tế trong giai đoạn như vậy, nếu chi phí tài chính vay quá lớn thì hàng loạt dự án khó khả thi. Nếu chi phí đầu vào vẫn giữ như hiện nay, lãi suất đầu ra vẫn ở mức 8 - 10%/năm thì doanh nghiệp không dám vay vốn. Nhưng nếu lãi suất huy động giảm thêm, ngân hàng sẽ giảm tiếp lãi suất cho vay về mức 5 - 6%/năm thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn vay. Lúc đấy tín dụng mới thoát ra được.

Theo Thanh Niên