Lạ kỳ kiểm tra chuyên ngành thành “chuyên hành” doanh nghiệp

VietTimes -- Kết quả khảo sát của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh với 240 doanh nghiệp (DN) và 20 hiệp hội, hội DN về vấn đề kiểm tra chuyên ngành cho thấy, đa số phản hồi của các DN là khá bức xúc về tình trạng chồng chéo, nhiêu khê về thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo trong năm 2016 phải giảm kiểm tra chuyên ngành thông quan xuống còn 15% - (Ảnh minh họa).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo trong năm 2016 phải giảm kiểm tra chuyên ngành thông quan xuống còn 15% - (Ảnh minh họa).

Theo đó, danh mục mặt hàng bắt buộc phải qua kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan là quá nhiều, chiếm từ 30-35% hàng hóa nhập khẩu (NK) hiện tại và có nhiều mặt hàng NK phải qua kiểm tra của nhiều cơ quan kiểm tra chuyên ngành khi cùng lúc. 

Ví dụ, như các mặt hàng sữa, phô mai… có xuất xứ từ động vật thường xuyên phải chịu cảnh 2 lần kiểm tra chuyên ngành: ngoài việc cơ quan kiểm dịch thú y vùng 6 của Bộ NN&PTNN cấp chứng thư về kết quả kiểm dịch động vật thì cần kiểm tra thêm  VSATTP của Bộ Công thương.

Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cho biết: “một sản phẩm chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan có trách nhiệm”, song  nhiều DN phản ánh rằng, thực tế một mặt hàng khi kiểm tra nhiễm khuẩn không có dịch bệnh đạt VSATTP nhưng vẫn phải đăng ký kiểm dịch. Đồng thời cùng là một chỉ tiêu về Salmonella và Ecoli, nhưng cơ quan thú y vùng 6 và Tổng cục Thủy sản đều thực hiện kiểm tra với một lô hàng NK mới được cấp phép. 

Do đó, các tiêu chí kiểm tra của các cơ quan chuyên ngành trùng lắp, cùng một mẫu phải kiểm tra nhiều nơi gây tốn thời gian, chi phí của DN. Mặt hàng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản cũng vậy, DN phải xin cấp phép NK ở 2 nơi là Cục Thú y và Cục Thủy sản.

Vì vậy, việc nhiều thủ tục chồng chéo đang gây lãng phí thời gian và tài chính của DN. 
Mặc dù vậy, quá trình kiểm tra với một số mặt hàng vẫn chủ yếu được làm thủ công vì không đủ điều kiện về máy móc, trang thiết bị nên việc kiểm tra chuyên ngành nhiều mặt hàng liên quan tới an toàn thực phẩm, thực tế, chỉ mang tính chất đối phó.

Được biết, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ tại Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Trong năm 2016, phải giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống còn 15%.