Hiện trạng hệ thống ngân hàng, nhìn từ VNCB:

Đại gia Việt mê ngân hàng: Bả vinh hoa hay ngỗng đẻ trứng vàng?

VietTimes – TRUSTBank và rộng hơn là việc sở hữu một ngân hàng có “bả vinh hoa” gì, để người dày dạn thương trường như ông Phạm Công Danh phải “thiêu thân” đến vậy? Trên thực tế, chuyện ngân hàng và các doanh nghiệp “dây mơ rễ má”, thậm chí là có chung chủ không phải là hiếm trong hệ thống tài chính Việt Nam lâu nay.
Ngân hàng, “bả vinh hoa” hay…
Ngân hàng, “bả vinh hoa” hay…

Đại gia “mê” ngân hàng

Vụ án Ngân hàng Xây Dựng (VNCB) dần sáng tỏ sau sau mỗi phiên tranh tụng. Chuyện đúng sai rồi cũng sẽ được phân định rạch ròi, người có tội sẽ bị trừng trị.

Tuy nhiên, có lẽ đến lúc này nhiều người vẫn chưa hiểu, rằng tại sao Phạm Công Danh – một người mà như lời ông tự nhận là có rất nhiều tiền, tài sản ròng lên đến hàng nghìn tỷ đồng – lại dại dột dính vào TRUSTBank (tiền thân của VNCB), rồi để đến ngày phải thân bại danh liệt như hôm nay (?!).

Khi quyết định mua lại VNCB, chắc hẳn vị doanh nhân và các cộng sự của mình đã biết quá rõ TRUSTBank chỉ là một cái “xác chết”. Theo số liệu thanh tra của NHNN, tính đầu năm 2012, vốn chủ sở hữu của TRUSTBank đã bị âm đến 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng.

TRUSTBank và rộng hơn là việc sở hữu một ngân hàng có “bả vinh hoa” gì để một người dày dạn thương trường như ông Danh phải “thiêu thân” đến vậy. Chắc là không phải bởi ý tưởng vĩ cuồng về một gói “kích cầu” 50.000 tỷ đồng cho vay 4 nhà, giải cứu thị trường bất động sản, mà ông này tuyên bố.

Khách quan mà nói, ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đã không may, khi chọn phải một ngân hàng quá tệ và vào một thời điểm quá dở. Nếu không phải là TRUSTBank mà là một ngân hàng nào đó với tình hình tài chính khả quan hơn, thời điểm thuận lợi hơn, câu chuyện có thể đã khác.

Song câu chuyện ở VNCB thêm một lần nữa chứng minh, rằng muốn lấy thật nhiều tiền không cách nào dễ hơn là có một ngân hàng (tất nhiên là cũng dễ vào tù).

Các tình tiết của vụ án cũng cho thấy, những tiêu chuẩn khắt khe, “giới luật” nghiêm ngặt của ngành ngân hàng đôi khi sẽ chỉ là hình thức và giàu tính hợp lý hóa, nếu kẻ đi vay và bên đứng ra cho vay, vốn là “người một nhà”.

Trên thực tế, chuyện ngân hàng và các doanh nghiệp “dây mơ rễ má”, thậm chí là có chung chủ không phải là hiếm trong hệ thống tài chính Việt Nam lâu nay.

“Các ông vào Xây Dựng làm gì?”, một cây viết kỳ cựu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã hỏi Phạm Công Danh và Phan Thành Mai như vậy, trong cuộc phỏng vấn báo chí, có lẽ là cuối cùng của hai ông ngay trước ngày khởi tố. “Nhưng họ đã im lặng và không trả lời câu hỏi của chúng tôi”, nhà báo này cho hay.

Chi tiết trên khiến người viết bài này nhớ đến một câu hỏi, mà bản thân từng hỏi lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản lớn trong cuộc gặp cách đây không quá lâu. Đại khái nội dung câu hỏi là trước đây, khi đang đứng trên đỉnh cao, tại sao tập đoàn của ông không tìm cách chi phối lấy một tổ chức tín dụng, như cách mà nhiều đại gia bất động sản khác vẫn làm.

“Nếu có một ngân hàng chống lưng, dòng tiền được giải quyết, có lẽ tình cảnh tập đoàn sẽ không xấu như lúc này” - người được hỏi tỏ ý không phản đối.

Có thể kể những “cặp bài trùng” một thời như Ocean Bank – Ocean Group của đại gia Hà Văn Thắm; Tập đoàn Thiên Thanh – Ngân hàng Xây dựng của đại gia Phạm Công Danh; GPBank – CTCP Sân gôn Ngôi sao Chí Linh của đại gia Đoàn Văn An, KBC – Navibank (NCB sau này) của đại gia Đặng Thành Tâm, BCCI – Southern Bank (đã sáp nhập vào Sacombank) của đại gia Trầm Bê…

Hay những bộ đôi, bộ ba đương thời như Tập đoàn Hoàn Cầu – Tập đoàn Thanh Yến - Nam A Bank của gia đình lão bà Tư Hường; VID Group – TNR Holdings - Maritime Bank của vợ chồng ông/bà Trần Anh Tuấn – Nguyễn Thị Nguyệt Hường; Geleximco – ABBank của gia đình ông Vũ Văn Tiền; SCB - Vạn Thịnh Phát của gia đình bà Trương Mỹ Lan; SHB - Tập đoàn T&T của "bầu" Đỗ Quang Hiển; Kienlongbank - Tập đoàn Đồng Tâm của "bầu" Võ Quốc Thắng; TPBank – Tập đoàn Doji của anh em nhà ông Đỗ Minh Phú – Đỗ Minh Tú…

Câu hỏi đặt ra là, tại sao các đại gia, đặc biệt là đại gia bất động sản lại mê ngân hàng đến vậy; Và câu chuyện Phạm Công Danh – VNCB có phải là cá biệt trong hệ thống các TCTD hiện nay?...

Chuyện từ một công ty chè…

CTCP Trà Rồng Vàng (UpCOM: GTC) chỉ là một doanh nghiệp rất nhỏ và khá xa xôi - tận Bảo Lộc, Lâm Đồng với ngành nghề kinh doanh chính là trồng cây chè, cây cà phê; kinh doanh chế biến các sản phẩm chè, cà phê và nước uống chè, cà phê, trái cây các loại...

GTC có vốn điều lệ 10,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, các cổ đông sáng lập của công ty như CTCP Chè Lâm Đồng và các cá nhân Đào Văn Túc, Lâm Thị Vỵ Tha, Nguyễn Thị Thanh Hà, Huỳnh Văn Duẩn lại chỉ nắm khối lượng cổ phiếu rất hạn chế, tổng cộng chưa đến 15%; Trong khi 85% cổ phần còn lại thuộc về các cổ đông khác – căn cứ theo giấy phép đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 19/5/2014 của công ty.

HĐQT GTC có 3 thành viên, bao gồm các ông: Hồ Hồng Nhân (Chủ tịch); Trần Lưu Thật (thành viên); Nguyễn Tiến Nông (thành viên).

Ông Hồ Hồng Nhân đồng thời kiêm nhiệm chức giám đốc, còn ông Nguyễn Tiến Nông kiêm nhiệm Phó Giám đốc Công ty.

Ban Kiểm soát công ty bao gồm 3 người, gồm các bà: Đào Thị Hiền (Trưởng Ban), Nguyễn Thị Kim Phượng (thành viên) và Trương Vũ Họa Mi (thành viên).

Thông tin trong cáo bạch gần nhất của GTC cho thấy, cả ông Nhân và ông Thật đều là người Bình Định, cùng tham gia HĐQT GTC từ tháng 04/2014. Ông Nhân sinh năm 1960, quê ở Huyện Phù Cát; Còn ông Thật sinh năm 1976, quê ở huyện Hoài Nhơn. Hiện, cả hai ông cùng đăng ký địa chỉ thường trú tại Nha Trang, Khánh Hòa.

Thêm một điểm chung nữa là cả ông Nhân và ông Thật đều là những lãnh đạo kỳ cựu của Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang. Ông Nhân gắn bó với công ty từ tháng 03/1993; Còn ông Thật là từ tháng 07/2001.

Theo Giấy phép ĐKKD thay đổi ngày 14/08/2014, Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang có vốn điều lệ 744 tỷ đồng, do 3 thành viên của gia đình bà chủ Tập đoàn Hoàn Cầu – Tư Hường (Trần Thị Hường) – nắm giữ. Trong đó, vốn góp của bà Trần Thị Hường là 478 tỷ đồng; ông Nguyễn Chấn (chồng bà Hường) là 230 tỷ đồng; và ông Nguyễn Quốc Toàn – con trai của hai người – là 65 tỷ đồng.

Trước đây, cương vị Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang do đích thân ông Nguyễn Quốc Toàn đảm nhiệm, song từ ngày 26/03/2014 được chuyển sang cho ông Trần Hữu Lộc (SN 1958).

“Dây mơ rễ má”

Theo tìm hiểu của VietTimes, có không ít DN cũng đang đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Thôn Phước Hạ, Xã Phước Đồng, Tp. Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa như Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang.

Có thể kể đến như Công ty TNHH Hoàn Cầu Ninh Long, một DN được thành lập từ ngày 14/8/2014, vốn điều lệ 200 tỷ đồng do vợ chồng bà Trần Thị Hường (140 tỷ đồng) – Nguyễn Chấn (60 tỷ đồng) đóng góp. Tuy nhiên, ngày 02/12/2014, cơ cấu sở hữu Công ty TNHH Hoàn Cầu Ninh Long được sang tên cho ông Võ Đức Chẩm (140 tỷ đồng) và ông Hồ Hồng Nhân (60 tỷ đồng).

Ông Nhân như đã đề cập là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc GTC, PTGĐ Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang.

Còn ông Võ Đức Chẩm (SN 1980), theo tìm hiểu của VietTimes, chính là người đã kế nhiệm ông Nguyễn Quốc Mỹ (con trai bà Tư Hường) tại vị trí Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàn Cầu Long An, DN do Công ty TNHH Hoàn Cầu (Tập đoàn Hoàn Cầu) đóng góp 100% vốn.

Tài liệu thu thập cho thấy, Công ty TNHH MTV Hoàn Cầu Long An đang thế chấp không ít tài sản - ví dụ như lợi tức, lợi ích phát sinh từ việc khai thác giá trị thương mại của một số thửa đất tại Long An – vào Ngân hàng TMCP Nam Á (Hội sở và Chi nhánh Đắk Lắck), nhằm mục đích vay vốn.

Khá thú vị là ông Vũ Đức Chẩm, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty này, lại sở hữu một lượng đáng kể cổ phiếu của NH Nam Á. Cuối năm 2015, ông Chẩm từng đem 1,9 triệu cổ phiếu NAB “cắm” tại Sacombank Chi nhánh Quận 8.

Trở lại với Công ty TNHH Hoàn Cầu Ninh Long, theo Giấy đăng ký thay đổi ngày 05/04/2016 của công ty này, người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc Công ty là ông Đào Duy Kiệt (SN 1964).

Đáng nói là ông Kiệt làm TGĐ Công ty TNHH Hoàn Cầu Ninh Long - trụ sở tại Thôn Phước Hạ, Xã Phước Đồng, Tp. Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa, song lại đăng ký hộ khẩu thường trú cũng như chỗ ở hiện tại tại một địa phương miền núi của tỉnh Bình Phước. Cụ thể là Tổ 1, Ấp Đồng Tân, Xã Đồng Nơ, Huyện Hớn Quản.

Vấn đề tương tự cũng xảy ra với người tiền nhiệm của ông Kiệt, cựu TGĐ Ngô Xuân Quang (SN 1983). Trong Giấy phép Kinh doanh của Công ty TNHH Hoàn Cầu Ninh Long, ông Quang đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện tại tại Thôn I, Xã Ayun, Huyện Mang Yang, Tỉnh Gia Lai, Việt Nam. Nhắc lại là Công ty TNHH Hoàn Cầu Ninh Long có trụ sở tại Thôn Phước Hạ, Xã Phước Đồng, Tp. Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa.

Tuy đã thôi nhiệm tại Công ty TNHH Hoàn Cầu Ninh Long nhưng có lẽ ông Quang sẽ không phải buồn lâu, khi mà mới đây, cụ thể là ngày 25/03/2016, Sở KH&ĐT Khánh Hòa đã cấp phép cho ông thành lập Công ty TNHH Nam Nha Trang. Công ty cũng có trụ sở tại Thôn Phước Hạ, Xã Phước Đồng, Tp. Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do ông Quang là Chủ sở hữu kiêm Tổng Giám đốc. Đáng nói là trong giấy phép này, ông Ngô Xuân Quang vẫn Quang đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện tại tại Thôn I, Xã Ayun, Huyện Mang Yang, Tỉnh Gia Lai, Việt Nam.

Được biết, cuối năm 2015, ông Quang đã ký hợp đồng mua 2 căn hộ hạng sang tại Dự án Nha Trang Center (20 Trần Phú, Nha Trang) của CTCP Hoàn Cầu Khánh Hòa. Cả hai hợp đồng mua bán đều được thế chấp tại NamABank Chi nhánh Quy Nhơn.

Tất nhiên, những cái tên vừa kể chưa phải là những DN duy nhất có địa chỉ tại tại Thôn Phước Hạ, Xã Phước Đồng, Tp. Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa. Vẫn có thể kể đến hàng loạt cái tên như CTCP Hoàn Vũ, Công ty TNHH Hoàn Thành Thắng, Công ty TNHH Quốc Anh NT,…

Kỳ 2: Những nhân viên tỷ phú

Giang Nguyên Dũng