Kinh tế Nhà nước gây tổn hại cho nền kinh tế và làm suy yếu hiệu lực Nhà nước

Theo báo cáo Việt Nam 2035 công bố ngày 23.2 tại Hà Nội, tình trạng Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế làm giảm hiệu quả của nền kinh tế, góp phần trầm trọng thêm tình trạng đình trệ trong cải thiện năng suất.
Kinh tế Nhà nước gây tổn hại cho nền kinh tế và làm suy yếu hiệu lực Nhà nước

DNNN hiện diện ở hầu hết các ngành

Đây là một trong những rào cản thể chế đối với sự phát triển của Việt Nam, được công bố tại báo cáo "Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ". Báo cáo này đồng thực hiện bởi Chính phủ Việt Nam và nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và được công bố bởi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch nhóm Ngân hàng Thế giới Jim Young Kim.

Theo báo cáo đưa ra, Nhà nước tham gia quá nhiều vào các hoạt động kinh tế trực tiếp qua các DNNN, cụ thể là các tập đoàn kinh tế nhà nước; và gián tiếp qua mối quan hệ rất chặt chẽ giữa Nhà nước và nhóm đặc lợi của khu vực tư nhân.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, các DNNN hiện diện ở hầu hết các ngành và lĩnh vực, kể cả các ngành như may mặc, dịch vụ điện thoại di động và ngân hàng - là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp, công ty tư nhân có thể làm tốt hơn DNNN.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, sự thiếu vắng tầng lớp thương nhân thực sự độc lập với Nhà nước hoặc độc lập với các cơ quan nhà nước là loại phí tổn thứ hai mà sự tham gia quá nhiều của Nhà nước vào hoạt động kinh tế đưa lại.

“Nhóm lợi ích đặc quyền không chỉ có ở Việt Nam, song quan hệ của nhóm này với Nhà nước gắn với kết quả kinh doanh lại cao bất thường. Nếu Nhà nước quyết định duy trì nhiều vai trò trong các hoạt động sản xuất, thì tối thiểu cũng nên giữ vị thế trung lập khi cạnh tranh với tư nhân”, báo cáo cho hay.

Điều này hàm ý rằng không nên ủng hộ các đặc quyền tiếp cận nguồn lực tài chính, đất đai, các hợp đồng mua sắm của chính quyền, trợ cấp của nhà nước, và những ưu đãi về thuế hiện đang được dành riêng cho các DNNN bởi những sự phân biệt đối xử này làm suy giảm khả năng tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Theo đại diện của Ngân hàng thế giới (WB) tại buổi công bố, tình trạng Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế làm giảm hiệu quả của nền kinh tế, góp phần trầm trọng thêm tình trạng đình trệ trong cải thiện năng suất.

Ngoài những phí tổn gây ra cho nền kinh tế, sự tham gia quá nhiều của Nhà nước vào hoạt động kinh tế còn làm suy yếu hiệu lực của chính Nhà nước. Tình trạng ấy tạo động lực mạnh mẽ cho các quan chức lợi dụng thẩm quyền quản lý kinh tế, phân bổ tài sản của mình để trục lợi cho riêng mình và thân hữu của mình. Những lạm dụng kiểu đó sẽ làm xói mòn tính chính danh của các thiết chế Nhà nước.

Nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch

Cũng theo báo cáo, để giải quyết tình trạng này, thứ nhất cần phải chú ý đến năng lực của bộ máy hành chính dựa trên sự phân tầng bậc rõ ràng, thẩm quyền thống nhất, chế độ chức nghiệp thực tài, và quyền hạn được pháp luật quy định.

Thứ hai là sử dụng các tín hiệu thị trường để phân bổ nguồn lực và sử dụng kỷ luật tài khóa để bảo đảm sự ăn khớp giữa chính sách với năng lực tài chính của nhà nước.

Thứ ba là sự tham gia rộng rãi của người dân vào quá trình hoạch định chính sách để bảo đảm sự đồng bộ giữa chính sách và chương trình của Nhà nước với nhu cầu và khát vọng của dân chúng.

“Cải cách cấu trúc nhà nước mà lại bỏ qua các nguyên tắc thị trường hoặc đánh giá quá cao vai trò thị trường, trong khi việc hoạch định chính sách của nhà nước thiếu sự tham gia của cộng đồng, thì đều không thể mang lại kết quả tốt đẹp”, báo cáo nhận định.

Theo ông Jim Yong Kim, Chủ tịch WB, để nâng cao hiệu quả Nhà nước cần cải thiện quản trị nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch, để đảm bảo Việt Nam có hệ thống thể chế mạnh, bắt kịp sự phát triển của đất nước.

“Để thực hiện được điều đó, Việt Nam cần có một quy định chặt chẽ hơn về chức năng kinh tế của Nhà nước, giảm vai trò trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất và quy định rõ ranh giới của khu vực công, khu vực tư, tuyển dụng và bổ nhiệm dựa trên năng lực”, ông Jim Yong Kim nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết,lựa chọn duy nhất của Việt Nam là thực hiện cải cách dựa trên ba trụ cột: thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường, thúc đẩy công bằng và hoà nhập xã hội, tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.

“Nếu không nghiêm chỉnh thực hiện những cải cách đã nêu ra, chúng ta không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức; và nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó có thể tránh khỏi”, ông Bùi Quang Vinh chia sẻ.

Theo Một thế giới