Cuộc phỏng vấn cuối cùng với bà Kwakwa

“Vâng, tất nhiên là tôi cảm thấy buồn”, bà Victoria Kwakwa nở một nụ cười khi được hỏi về cảm xúc cá nhân khi rời khỏi Việt Nam sau 7 năm làm Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Bà Victoria Kwakwa. Ảnh TG
Bà Victoria Kwakwa. Ảnh TG

Trong buổi phỏng vấn cuối cùng với báo chí trước khi rời Việt Nam cuối tuần này, bà Kwakwa nói: “Việt Nam cần phát triển bao trùm. Rõ ràng, tầng lớp giàu có đang tăng lên nhanh chóng, nhưng đáng lo lắng là có những tầng lớp người đang bị gạt sang bên lề của quá trình phát triển."

Được thăng tiến lên chức Phó chủ tịch WB – vị trí mà chưa một người nào đứng đầu WB ở Việt Nam có được kể từ khi định chế này nối lại viện trợ năm 1993 – từ tháng 4, nhưng từ đó tới nay, bà Kwakwa đi đi về về giữa Washinton và Hà Nội hàng tháng như một động thái lưu luyến đất nước mà bà đã gắn bó qua giai đoạn kinh tế thăng trầm thời gian qua.

Đó là lý do mà bà Kwakwa mở đầu cuộc trò chuyện bằng lời khuyên về quản lý kinh tế vĩ mô. Bà nhắc lại, trước đây kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất gập ghềnh, phát triển rất nóng, rồi tụt xuống, rồi lại phát triển nóng.

Thực tế cay đắng đó đã làm Chính phủ thay đổi quan điểm điều hành. Ba năm gần đây, kinh tế vĩ mô đã ổn định trở lại với lạm phát, cán cân thanh toán cải thiện, dự trữ ngoại hối tăng lên và tỷ giá ổn định.

Song, thách thức chính vẫn chưa được giải quyết khi thâm hụt ngân sách triền miên đang trở thành rủi ro lớn, trong khi lãi suất mãi vẫn không được quản lý dựa trên thi trường.


“Không có quốc gia nào phát triển được mà có khu vực tư nhân yếu kém cả. Việt Nam đã tập trung phát triển kinh tế thị trường, thì phải coi khu vực kinh tế tư nhân là chủ đạo”.Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Bà nói: “Ổn định kinh tế vĩ mô là rất quan trọng. Chính phủ không nên lúc nào cũng thúc đẩy tăng trưởng, mà phải tạo ra khoảng đệm để Việt Nam đối phó với rủi ro trong tương lai”.

Trong cuộc trò chuyện, bà Kwakwa đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng phải thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực từ vị thế èo uột hiện nay. Bà giải thích: “Không có quốc gia nào phát triển được mà có khu vực tư nhân yếu kém cả. Việt Nam đã tập trung phát triển kinh tế thị trường, thì phải coi khu vực kinh tế tư nhân là chủ đạo”.

“Khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam có thể đóng vai trò lãnh đạo như khu vực kinh tế tư nhân của bất kỳ quốc gia nào, của các nước phát triển. Có nhiều tiềm năng cho việc này. Người dân Việt Nam có nhiều ý tưởng kinh doanh, có tinh thần khởi nghiệp cao, nhưng đáng buồn là Việt Nam lại chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh và năng động. Hầu hết vẫn là doanh nghiệp siêu nhỏ, hay làm cho khu vực phi chính thức”.

“Số liệu VCCI cho thấy lẽ ra ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn thì xu thế lại ngược lại, các doanh nghiệp siêu nhỏ ngày càng tăng lên. Có gì không đúng ở đây. Tinh thần khởi nghiệp, sự năng động của người dân Việt Nam chưa được phát huy. Đây là thử thách rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị TPP. Đây là chương trình nghị sự rất lớn của Chính phủ, làm sao đảm bảo các thành phần kinh tế khác nhau phải bình đằng về tiếp cận đất đai, và vốn thì mới biến tiềm năng thành hiện thực được”, bà nói.

Phó chủ tịch WB cũng đặc biệt lo lắng về sự phân hóa xã hội nhanh chóng.

Tôi hỏi cảm giác của bà khi hàng ngày nhìn thấy những dòng xe hơi đắt tiền nối đuôi nhau trên phố, những biệt thự cả vài triệu đô la quanh khu bà ở tại quốc gia mà vẫn vay viện trợ hàng năm, bà nói: “Việt Nam cần phát triển bao trùm. Đang xuất hiện tầng lớp người giầu lên nhanh chóng, ăn ở nhà hàng, gửi con đi học nước ngoài, đi du lịch nước ngoài. Nhưng đáng lo là có tầng lớp người bị gạt sang bên lề của quá trình phát triển. Đó là rủi ro”.

Bà cũng thẳng thắn khi đề cập đến cách thức quan hệ giữa Chính phủ và người dân. Trong vài năm qua, xã hội Việt Nam đã cởi mở hơn rất nhiều so với trước, các cuộc thảo luận về nhiều vấn đề lớn đã bắt đầu, tạo sức ép, tạo yêu cầu minh bạch, trách nhiệm giải trình từ chính quyền. Ví dụ, những vụ việc nhạy cảm như Formosa, những vụ tham nhũng đang ngày càng được thảo luận sôi nổi.

Song, đó là chưa đủ. “Trong ương lai (Chính phủ) cần minh bạch hơn nữa, trách nhiệm giải trình hơn nữa vì đây là đỏi hỏi của xã hội hiện đại. Việt Nam cần có luật tiếp cận thông tin, luật lập hội,… Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng nhìn về tương lai cần phải làm nhiều hơn nữa”.

Bà Kwakwa cũng nói nhiều về thách thức biến đổi khí hậu, những khu vực xâm mặn, hay hạn hán mà Việt Nam đang đối mặt.

Rất tiếc, tôi đã không kịp hỏi về thông tin mà Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề cập trước khi rời ghế bộ trưởng hồi tháng Tư. Ông nói, WB sẵn sàng xem xét cho Việt Nam vay 2 tỉ đô la Mỹ để chống biến đổi khí hậu, và muốn mời ông sang Washington để phổ biến báo cáo “Việt Nam 2035” do WB tài trợ. Điều đáng nói là chỉ có Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia duy nhất trên thế giới được tài trợ làm báo cáo phát triển này.

Kết thúc cuộc gặp với chúng tôi, bà Kwakwa nói: “Tóm lại, có nhiều điều tốt mà các bạn ở Việt Nam không nhận thấy, nhưng là người bên ngoài tôi nhìn thấy. Các bạn cần tự hào”. Bà cũng hỏi lại, chúng tôi lạc quan ra sao về tương lai, nhưng ba phần tư số phóng viên có mặt không có cơ hội trả lời, còn một câu trả lời thì không trực diện và tương đối dài dòng.

Theo TBKTSG