Từ vụ Lexus Trịnh Xuân Thanh đến việc “tự nguyện” tặng xe tiền tỷ cho Ninh Bình…

VietTimes -- Việc một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình “hào phóng” tặng chính quyền tỉnh này tới 3 chiếc ô tô tiền tỷ đang thu hút sự chú ý dư luận. Thú vị hơn khi câu chuyện lại được gợi mở đúng lúc cao trào của “sự kiện Trịnh Xuân Thanh” – một sự kiện vốn cũng bắt đầu từ một chiếc xe “biển xanh” có nguồn gốc tư nhân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tặng xe sang cho Tỉnh

Tất cả xuất phát từ một văn bản xin xác lập sở hữu nhà nước đối với xe ô tô được tặng mà tỉnh Ninh Bình gửi lên Bộ Tài chính.

Văn bản mang số hiệu 249/UBND-VP5, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Đinh Chung Phụng ký ngày 6/7/2016. Một ngày sau, 7/7/2016, nó đến văn phòng Bộ Tài chính, và mất thêm gần 2 tuần sau để đến một số cơ quan khác của Bộ này.

Ngay mở đầu văn bản, bên gửi công văn đã chủ động giải thích: “Ninh Bình là tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng, có nhiều đồi núi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ, tại địa bàn các xã miền núi và các xã bãi ngang biển”.

“Nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ địa phương trong việc Lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Hoa Lư (địa chỉ Xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), đã tự nguyện tặng cho tỉnh Ninh bình 03 xe ô tô”, văn bản của Ninh Bình nói rõ, rằng bên tặng “đã tự nguyện tặng”, rồi sau đó mới thông tin về các quà tặng.

Theo đó, cả 03 chiếc xe doanh nghiệp đem tặng tỉnh đều là xe nhập khẩu, sản xuất năm 2015, chưa qua sử dụng và cùng là các dòng hạng sang của thương hiệu Toyota. Tức là UBND tỉnh Ninh Bình sẽ có 03 xế hộp mới coóng để đi “phòng chống lụt bão”.

Trong đó, có hai chiếc xe Land Cruiser 2 cầu, 8 chỗ nhưng khác đời. Một chiếc là Land Cruiser VX, có dung tích xi lanh 4.600 cm3, giá công ty mua về là hơn 2,85 tỷ đồng; một chiếc là  Land Cruiser GXR, dung tích xi lanh 4.000 cm3, giá trị sau thuế là 2,39 tỷ đồng. Chiếc thứ ba là Toyota Camry 2.5Q, dung tích xi lanh 2.500 cm3; giá công ty mua về là 1,36 tỷ đồng.

UBND tỉnh Ninh Bình kiến nghị Bộ Tài chính cho tỉnh xác lập quyền sở hữu Nhà nước (cấp biển xanh, sở hữu của tỉnh Ninh Bình) và hướng dẫn việc sử dụng đối với 3 xe ô tô trên để phục vụ đúng mục đích.

Tỉnh này cũng cam kết không miễn, giảm, ưu tiên các khoản thuế và ban hành chính sách ưu đãi trái quy định của pháp luật đối với công ty đã tặng cho tỉnh.

Trích văn bản số 249/UBND-VP5 của UBND tỉnh Ninh Bình.

 Suy luận

Có một số thông tin đem đến hình dung trong văn bản gửi lên Bộ Tài chính vừa nêu của tỉnh Ninh Bình.

Thứ nhất, là về giá trị quà tặng. Các xe mà doanh nghiệp tặng tỉnh đều là xe tiền tỷ, thậm chí là nhiều tỷ. Nguyên giá của lô quà tặng này, tính theo giá công ty mua về và nộp thuế, là 6,60 tỷ đồng.

Tuy nhiên giá biếu tặng lại được ghi nhận ở mức thấp hơn nhiều. Cụ thể, giá biếu tặng của chiếc Land Cruiser VX là 910,8 triệu đồng; của chiếc Land Cruiser GXR là 910,8 triệu đồng; của chiếc Toyota Camry 2.5Q là 902,0 triệu đồng. Lưu ý là tất cả giá biếu tặng đều được ghi nhận và xuất hóa đơn đàng hoàng.

Từ những chiếc xe tiền tỷ, với giá cả chênh lệch, tại sao cả 3 chiếc đều được định giá biếu tặng chỉ quanh quẩn 900 triệu đồng?

Theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 04/08/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thì Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác với mức giá mua xe tối đa 920 triệu đồng/một xe. Còn Bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác một xe ô tô với giá mua tối đa 1.100 triệu đồng/một xe.

Nhắc lại, mục đích mà doanh nghiệp tặng 03 chiếc xế hộp hạng sang cho tỉnh Ninh Bình là để: “Nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ địa phương trong việc Lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai”.

Thông tin đáng chú ý thứ hai trong văn bản của Ninh Bình, là người tặng: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Hoa Lư.

Theo thông tin từ cơ quan thuế, Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng Và Thương Mại Hoa Lư được thành lập theo Giấy phép đăng ký kinh doanh số 2700817873, cấp ngày 25/01/2016 bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình. Công ty chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 25/01/2016, trụ sở tại Thôn Liên Minh - Xã Xích Thổ - Huyện Nho quan - Ninh Bình, tổng số lao động đăng ký là 10 người, vốn điều lệ 3 tỷ đồng - tức là chỉ bằng non nửa so với thị giá của 3 chiếc xe quà tặng mà chính DN này đã tặng cho Ninh Bình.

Giám đốc công ty là ông Nguyễn Anh Tuấn. Nhưng người đại diện pháp luật lại là ông Lê Nhượng, có địa chỉ tại Tổ 1, Khu Tân Lập 8-Phường Cẩm Thủy-Thành phố Cẩm Phả-Quảng Ninh. Ông Nhượng cũng là một trong 3 cổ đông góp vốn chính thành lập nên công ty, với 1,5 tỷ đồng, nắm 50% vốn. Còn ông Vũ Văn Chi (Nam Trực, Nam Định) góp 600 triệu đồng (20%), còn ông Vũ Văn Hạnh (Ninh Giang, Hải Dương) góp 900 triệu đồng (30%).

Đến đây, cần để ý lại thời điểm mà Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng Và Thương Mại Hoa Lư tặng xe cho Ninh Bình.

Ninh Bình đã rút ra bài học từ vụ việc chiếc xe "biển xanh" của ông Trịnh Xuân Thanh?

Đúng như văn bản mà UBND tỉnh này gửi lên Bộ Tài chính thì 02 chiếc Land Cruiser VX và Land Cruiser GXR cùng được tặng vào ngày 08/03/2016; còn chiếc Toyota Camry 2.5Q lại được tặng vào ngày 26/04/2016 – căn cứ theo Hợp đồng Biếu tặng.

Như vậy, là vừa mừng hoạt động được... 1 tháng 13 ngày, Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Xây Dựng Và Thương Mại Hoa Lư đã chủ động tặng ngay chính quyền tỉnh nhà 2 chiếc Land Cruiser, tổng giá trị 5,24 tỷ đồng. Và hơn một tháng sau, lại tặng tiếp một chiếc Toyota Camry 2.5Q, trị giá 1,37 tỷ đồng.

Thứ nữa, thời điểm chính quyền Ninh Bình bắt đầu nhận được quà tặng từ doanh nghiệp là thượng tuần tháng 3/2016.

Nhưng mãi 4 tháng sau đó, đến ngày 06/07/2016, UBND tỉnh Ninh Bình mới làm văn bản báo cáo lên Bộ Tài chính và đề nghị Bộ đồng ý cho UBND tỉnh Ninh Bình xác lập quyền sở hữu Nhà nước với 03 chiếc xe được tặng (điều kiện tiên quyết để làm “biển xanh” cho xe).

Khá trùng hợp là lúc này, câu chuyện về ông Trịnh Xuân Thanh với những lùm xùm bắt nguồn từ chiếc xe tư gắn “biển xanh” đang “cháy” dữ dội.

Có thể ai đó sẽ khen rằng, Ninh Bình đã quá thông minh với văn bản số 249/UBND-VP5 gửi lên Bộ Tài chính.

Và nếu đúng là vậy, thì không loại trừ khả năng, cách làm của Ninh Bình sẽ được nhiều địa phương khác nhân rộng trong thời gian tới đây…

Ninh Giang