Nơi vừa đuổi thẳng cổ, tỉnh khác lại “trải thảm” mời về

VietTimes -- Đà Nẵng đã đuổi cổ một doanh nghiệp nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng lập tức tỉnh khác lại “bê ngay” doanh nghiệp đó về và hạ thấp chỉ tiêu môi trường xuống, cho nên doanh nghiệp đó hiện nay đang ngồi “rung đùi” cười khẩy.
TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh

“Không thể cứ để các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ lạc hậu, giá rẻ, gây ô nhiễm môi trường tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và biến Việt Nam thành “bãi rác” công nghiệp”- TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương phát biểu.

14% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ rất lạc hậu

Nhiều ý kiến tại hội thảo “Thương mại tự do: dịch chuyển đầu tư và các vấn đề môi trường ở Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội cho rằng, Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam được ban hành vào năm 1987 và sau đó liên tục được sửa đổi, bổ sung đã thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài rất lớn vào Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Đầu tư nước ngoài của chúng ta được ban hành trong bối cảnh Việt Nam bị bao vây, cấm vận bởi Mỹ và các nước khác. Ta muốn phá vỡ thế bao vây cấm vận đó nên dành các ưu đãi cực lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài như miễn thuế đất, cho tiếp cận tài nguyên với giá rất rẻ, miễn thuế doanh nghiệp 5 năm cho tới khi họ bắt đầu có lợi nhuận. Khi có lợi nhuận rồi lại được miễn tiếp 50% trong vòng 5 năm nữa.

Vì vậy, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2016 đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng thêm lên 10 tỷ USD nữa.

Theo TS Lê Đăng Doanh, “Có thể nói đầu tư nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng với Việt Nam. Hiện nay FDI chiếm đến 50% sản lượng công nghiệp và chiếm 69%- 71% xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện nay đã chiếm đến 70% là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đấy là vai trò quá lớn so với số lượng doanh nghiệp trong nước. Chúng ta đều thấy và thừa nhận vai trò đó, nhưng các “bài học” như Vedan thải ra sông Thị Vải, Tung Kuang ở Phú Thọ... chúng ta phát hiện quá muộn sau khi người dân chịu thiệt hại quá lớn như cá chết, môi trường ô nhiễm. Vì vậy, chúng ta nên xem xét hai mặt của đầu tư nước ngoài”.

“Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu vì cái gì?” Đó là câu hỏi được nhiều diễn giả nêu lên. TS Lê Đăng Doanh lý giải: “Không phải vì Việt Nam có công nghệ cao mà trước hết vì Việt Nam ưu đãi sử dụng tài nguyên và lao động rẻ như tôi đã nói ở trên, nay lại có thêm một lợi thế nữa là Việt Nam đã có quan hệ với 57 nền kinh tế sau khi đã ký kết các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, hàng hóa sản xuất từ Việt Nam được giảm thuế suất bằng 0%”.

Tuy nhiên lợi ích thiết thực mà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đem lại không đồng nghĩa với việt thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Bà Trần Thanh Thủy, chuyên gia Phòng Nghiên cứu Chính sách (Trung tâm Con người và Thiên nhiên) cho biết, hiện nay có đến 67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam là thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp. 80 doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới và 14% sử dụng công nghệ ở mức thấp và rất lạc hậu.

Tính trung bình trên cả nước chỉ có khoảng 5% nhà đầu tư sản xuất công nghiệp hiện đại như công nghệ thông tin và truyền thông, 5% tham gia các dịch vụ khoa học, kỹ thuật, 3,5% tham gia ngành bảo hiểm, tài chính có kỹ năng quản lý hiện đại, lao động trình đô cao. Trong đó, theo Cục Đầu tư nước noài (Bộ KH&ĐT), lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải, tính từ năm 1988 đến nay mới chỉ có 28 dự án trong tổng số 13.530 dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang còn hiệu lực, chỉ chiếm 0,2%.

“Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hiện nay là để hưởng lợi về lao động giá rẽ, tài nguyên giá rẻ và xuất khẩu những ngành ô nhiễm môi trường sang Việt Nam, nhưng nếu chúng ta sang Đài Loan thì thấy không có nhà máy sản xuất xi măng nào và các ngọn núi hầu như còn nguyên, Nhật Bản cũng thế, còn Việt Nam thì hầu như đồi núi bị cạo trọc. Tức là việc khai thác đá để sản xuất xi măng là rất lớn.

Mà ở Việt Nam có một “hiện tượng” là các tỉnh đặt mục tiêu phải công nghiệp hóa. Người ta lấy thước đo công nghiệp hóa bằng việc tăng GDP, chứ không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Ví dụ, năm 2015 tỉnh Thái Nguyên tăng trưởng 93% vì có Samsung đầu tư vào. Một năm sản lượng công nghiệp ở Thái Nguyên tăng 100%. Đấy là “hiện tượng” hết sức kinh khủng. Vì thế Thái Nguyên được đánh giá rất cao về thành tựu là có công nghiệp hóa, thế nhưng các tác động khác về môi trường thì chúng ta còn phải chờ xem như thế nào”-TS Lê Đăng Doanh nói.

Mỗi năm Việt Nam  mất 2,5% GDP do ô nhiễm môi trường

Tại sao lại có sự tăng nhanh chóng như vậy? Vì đầu tư nước ngoài không những tận dụng được nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ, mà từ giờ trở đi họ còn tận dụng được các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia. Vào Việt Nam đầu tư, khi họ xuất khẩu đi thị trường lớn, thuế suất bằng 0%. Vì vậy, tới đây các nhà đầu tư nước ngoài còn “nhảy” vào thị trường Việt Nam nhiều hơn nữa. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nỗ lực lớn thì lợi ích của các Hiệp định thương mại tự do sẽ chủ yếu do các nhà đầu tư nước ngoài hưởng. Bởi vì, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào hết tất cả các sản phẩm để xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế.

Nếu điều đó xảy ra thì nó sẽ tác động đến Việt Nam như thế nào?

TS Lê Đăng Doanh nói: “Thứ nhất, Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tất cả các công trình nghiên cứu của LHQ đã chỉ ra rằng, nếu đến cuối thế kỷ, khí thải CO2 vẫn tiếp tục tăng lên thì nước biển có thể dâng lên đến 100cm và 38% diện tích ĐBSCL sẽ biến mất. Như vậy khoảng 10 triệu người dân ở khu vực này sẽ phải dịch chuyển nơi ở. Cùng với đó là sản xuất lương thực của Việt Nam sẽ giảm sút nghiêm trọng. Đó là chưa kể việc nhiệt độ liên tục tăng lên sẽ gây ra hạn hán, bệnh dịch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng... Mà ở Việt Nam, theo tính toán của LHQ, trung bình hằng năm nhiệt độ tăng lên khoảng 0,5 độ C.

Chỉ tính riêng trong năm nay, hạn hán diễn ra hết sức nặng nề, ở ĐBSCL ngập mặn tính đến nay thiệt hại khoảng 6400 tỷ VNĐ và 2 triệu người thiếu nước, 1,2 triệu người cần cần trợ giúp

Hai là, điều hết sức đáng lo ngại, dù chưa trở thành một nước công nghiệp hóa, thu nhập bình quân hiện nay mới đạt 2.100 USD/người, nhưng mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội đã là rất nghiêm trọng. Cho nên vấn đề đối với Việt Nam là công nghiệp hóa như thế nào để có thể tiếp tục giữ một môi trường trong lành, nếu ô nhiễm không khí trầm trọng quá sẽ có tác động đến nhiều vấn đề như người bệnh tăng, số ngày nghỉ ốm tăng, rồi chi phí y tế tăng.

Một vấn đề nữa là khi ô nhiễm môi trường tăng thì cầu, đường và các phương tiện giao thông hỏng rất nhanh bởi lượng axit trong không khí sẽ tàn phá các máy móc đó. Mà ô nhiễm môi trường dẫn đến giảm GDP và theo tính toán của Ngân hàng thế giới, do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, mỗi năm Việt Nam -2,5% GDP.

Điều hết sức nguy hiểm còn là ở chỗ, ý thức về bảo vệ môi trưởng ở nhiều nơi, nhiều quan chức là rất kém. Ví dụ, Đà Nẵng đã đuổi thẳng cổ một doanh nghiệp sẽ gây ô nhiễm môi trường, nhưng lập tức một tỉnh khác lại “bê ngay” doanh nghiệp đó về và hạ thấp chỉ tiêu môi trường xuống, cho nên doanh nghiệp đó hiện nay đang ngồi “rung đùi” cười khẩy.

Rõ ràng, có một thực tế là rất nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hiện nay đang “xuất khẩu ô nhiễm” vào Việt Nam. Họ đưa sang Việt Nam những ngành công nghiệp ô nhiễm lớn như luyện kim, xi măng, nhuộm... đó là những ngành đòi hỏi phải đầu tư rất lớn”.

Còn bà Trần Thanh Thủy thì cho biết, hiện có khoảng 80% KCN vi phạm quy định về môi trường; 23% doanh nghiệp FDI xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép từ 5-12%. Doanh nghiệp FDI chiếm 60% tổng số các doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng công nghệ rất lạc hậu, nhất là trong ngành công nghiệp dệt nhuộm,

Phải làm gì để bảo vệ nói giống?

Đó là câu hỏi được nhiều người nêu ra tại hội thảo. TS Lê Đăng Doanh kiến nghị thay chỉ tiêu GDP bằng GNI là hệ thống có tiêu chí xã hội và môi trường để tăng trưởng bền vững, mà điều này Ủy ban chính sách phát triển của LHQ có đề nghị. Ngoài ra ông Doanh cũng yêu cầu: “Phải có chế tài và khung rõ ràng để chấm dứt ưu đãi tài nguyên giá rẻ như thuế đất, phí môi trường... chúng ta không thể tiếp tục nhận đầu tư nước ngoài bằng hi sinh môi trường. Thứ ba, tăng cường giám sát các doanh nghiệp FDI tuân thủ các tiêu chí bảo vệ môi trường như khói bụi, nước thải, tiếng ồn ngay từ khâu thiết kế lựa chọn công nghệ đến thi công và vận hành.

Đặc biệt, tránh tình trạng các tỉnh thi đua nhau thu hút đầu tư nước ngoài để có thành tích. Ví dụ, trong bán kính 30km giữa Đồng Nai, TP HCM và Bình Dương có tới 8 nhà máy lắp ráp xe đạp  điện như vậy có thể thấy giữa 3 tỉnh này không có quan hệ hợp tác gì cả, cả 3 tỉnh đua nhau sản xuất xe đạp. Đây là điều không có lợi cho nền kinh tế.

Vì vậy, ông Doanh cho rằng cần phải có cơ cấu kinh tế hợp lý để tránh biến Việt Nam thành “bãi rác” công nghiệp. Không thể cứ để các doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu, giá rẻ, gây ô nhiễm cũng được đầu tư vào Việt Nam và không thể hi sinh môi trường sống Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá. Trước mắt có thể có lợi ích, nhưng về lâu dài thì hậu quả có thể vô cùng khó lường”.

TS Lê Đăng Doanh:

Sai lầm nghiêm trọng nhất là việc cho phép Formosa xả thẳng ra biển mà không có thiết bị đo đạc mức độ ô nhiễm. Điều hết sức trớ trêu là Trung tâm kiểm tra môi trường Hà Tĩnh lại ký hợp đồng với Formosa, để Formosa tự đo mức độ ô nhiễm, rồi hàng tháng Formosa cung cấp cho Trung tâm thông tin để Trung tâm này công bố kết quả. Ai lại đi “giao trứng cho ác” bao giờ. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng về pháp luật bảo bảo vệ môi trường của Nhà nước!