Kim tự tháp bị lãng quên ở Sudan

Khác với Ai Cập, kim tự tháp ở Sudan nằm trong một nghĩa địa cổ giữa sa mạc và không được nhiều người biết đến.
Kim tự tháp bị lãng quên ở Sudan

Trong khoảng 2.600 trước Công nguyên đến năm thứ 300 sau Công nguyên, nơi đây được gọi dưới tên Nubia cổ đại do người Kushites cai trị. Họ vừa là bạn, vừa là kẻ thù của người Ai Cập (trong những khoảng thời gian khác nhau). Tuy nhiên, hai bên có một điểm chung là đều chôn cất vua và hoàng hậu trong lăng mộ bên dưới kim tự tháp. Hiện Sudan có khoảng 250 cái, vượt xa số lượng của “người anh em” Ai Cập.

Thực chất, khu vực này ban đầu là thuộc địa của Ai Cập. Tuy nhiên, khi Vương triều Ai Cập mới tan rã vào thế kỷ 18, người Kushites đã nổi dậy và thành lập một triều đại giàu có của riêng mình, nắm giữ lãnh thổ rộng lớn ở Sudan.

Meroe là thủ đô vương quốc Kushites nằm giữa lòng sa mạc Sudan. Vì thế, quần thể kim tự tháp ở đây được gọi chung là Meroe.

Khác với kim tự tháp Ai Cập ở Giza, kim tự tháp Meroe nhỏ hơn, bề mặt dốc hơn, nền hẹp hơn và xây liền kề với các đền thờ. Phần lớn các kim tự tháp trong tình trạng hư hỏng do sự phá hủy của kẻ đào mộ và săn kho báu những năm 1800. Chỉ có một số rất ít trong tình trạng hoàn hảo nhưng nhiều cái chỉ còn là đống gạch vụn. Màu sắc kim tự tháp ở đây khá đặc trưng do hàm lượng sắt trong đá cao.

Kim tự tháp Meroe được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới vào năm 2011. Tuy nhiên, do nằm ở đông bắc Sudan, một nơi khiến người ta liên tưởng tới chiến tranh và khủng hoảng kinh tế, rất ít du khách lui tới đây và thường ở lại không quá 10 ngày.

Chữ viết và ký hiệu tượng hình trên bề mặt kim tự tháp là một nguồn nghiên cứu giá trị đối với ngành khảo cổ học. Các hình ảnh khắc trên đá miêu tả cuộc sống của vương quốc Kushite, trong đó Hoàng hậu là người phụ trách những buổi lễ thờ cúng các vị thần Ai Cập.

Sudan không phải điểm đến dễ dàng cho du khách. Việc xin visa đòi hỏi rất nhiều giấy tờ và thường xuyên trong tình trạng không người trả lời điện thoại. Thế nhưng thực chất, Sudan là một đất nước thân thiện và hiếu khách. Nhóm của Vivien (tác giả) có thể dễ dàng hỏi đường ở bất cứ đâu, thậm chí còn được người dân địa phương mời trà, đồng thời sắp xếp cho họ chỗ ngủ trong suốt hành trình.

Theo VnE