Kim Jong un “đùa với lửa”, Mỹ, Trung, Nhật, Hàn đều kinh

Kim Jong Un còn có thể đi tới đâu? Và liệu ông có thực sự đe dọa an ninh trong khu vực Bắc Á? Theo Le Figaro, chế độ Bình Nhưỡng gây ra ba mối đe dọa chính: đe dọa hạt nhân, đe dọa tên lửa đạn đạo và đe dọa xảy ra một cuộc xung đột với Hàn Quốc và Mỹ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un tỏ ra rất cứng rắn
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un tỏ ra rất cứng rắn

Le Figaro ngày 22/2 đặt một câu hỏi lớn: «Có nên sợ Kim Jong Un hay không?» Vì bất chấp mọi nghị quyết của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên vẫn tiếp tục chương trình vũ khí nguyên tử, trong đó hai vụ thử gần đây nhất, vào ngày 6/1 và 7/2 đang đe dọa gây bất ổn trong khu vực Đông Bắc Á.

Tờ báo Pháp nhận định: «Kim Jong Un đang đùa với lửa», được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chưa nhắc tới phản ứng của cộng đồng quốc tế, vụ thử hạt nhân dưới lòng đất vào ngày 6/1 có thể đánh thức ngọn núi lửa trên dãy núi Trường Bạch, theo phân tích của các nhà khoa học Hàn Quốc.

Tiếp theo, các vụ thử từ đầu năm 2016 hoàn toàn đi ngược với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Triều Tiên lại ở vị thế đối đầu với các cường quốc, đứng đầu là Trung Quốc và Mỹ hiện vẫn đang bất lực trước «lãnh tụ tối cao» mới khoảng 33 tuổi của Triều Tiên.

Vậy nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong Un còn có thể đi tới đâu? Và liệu ông ta có thực sự đe dọa an ninh trong khu vực Bắc Á hay không ? Theo Le Figaro, chế độ Bình Nhưỡng gây ra ba mối đe dọa chính: đe dọa hạt nhân, đe dọa tên lửa đạn đạo và đe dọa xảy ra một cuộc xung đột với Hàn Quốc và Mỹ.

Từ khi lên cầm quyền vào năm 2011, Kim Jong Un biến bom thành hình ảnh quảng bá cho chế độ. Một năm sau, bản Hiến Pháp được mở đầu bằng lời giới thiệu mới, tự hào khẳng định Triều Tiên là một «Nhà nước nguyên tử». Và từ đó, để tiếp nối con đường của cha ông, nhà lãnh đạo trẻ củng cố quyền lực lãnh đạo bằng chương trình nguyên tử.

Thế nhưng, Kim Jong Un còn tỏ ra hơn cha, dù không có tài ngoại giao, theo nhận định của nhà nghiên cứu Cheong Seong Chang, thuộc viện Sejong tại Seoul. Vì cố lãnh tụ Kim Jong Il biết dùng chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng làm «công cụ mặc cả» với chính quyền của tổng thống Georges W. Bush thời đó.

Ngược lại, Kim Jong Un muốn phát triển một kho vũ khí hạt nhân thật sự, có khả năng đe dọa nước Mỹ. Nhà lãnh đạo này có đầy đủ điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch này, nhờ trình độ công nghệ của các nhà khoa học và quân sự Triều Tiên và đặc biệt là ngân sách dành cho quốc phòng chiếm tới 23,8% GDP của đất nước. Đây là một kỷ lục thế giới.

Liệu Triều Tiên có thể tấn công được tới Mỹ? Theo bản báo cáo được đại học Johns-Hopkins tại Washington công bố, Bình Nhưỡng có khoảng 10 đến 15 quả bom tính tới cuối năm 2014, và có tham vọng phát triển lên thành 20 đến 100 quả bom vào khoảng năm 2020. Vì vậy, Bình Nhưỡng tái khởi động chương trình làm giầu uranium tại khu vực Yongbyon. Sau nhiều lần thử nghiệm, Bình Nhưỡng khăng khăng khẳng định là đã có đủ khả năng tấn công tới lãnh thổ Mỹ. Trên lý thuyết, tên lửa của Triều Tiên có thể chạm tới căn cứ trên đảo Guam, thậm chí là tới tiểu bang Alaska của Mỹ.

Bình Nhưỡng cũng khẳng định đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân. Theo nhận định của ông Daniel Pinkston, thuộc International Crisis Group, thông tin này không kiểm chứng được nhưng hoàn toàn có thể». Tuy vậy, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Alison Evans, thuộc viện quốc phòng ISH Jane’s Defense, «bước tiếp theo mới mang tính quyết định: Cần phải phóng thành công một vệ tinh lên quỹ đạo. Đây sẽ được cho là dấu hiệu chứng tỏ Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất được tên lửa xuyên lục địa ICBM và được trang bị đầu đạn hạt nhân có khả năng đe dọa Mỹ». Chính vì vậy, chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ còn tiến hành nhiều vụ phóng vệ tinh khác và sẽ còn gây thêm căng thẳng.

Dù khó lòng tấn công tới tận Mỹ khi có tới 28.500 quân nhân Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc, song chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng hoàn toàn có nguy cơ đe dọa tới hòa bình và ổn định địa chiến lược trong khu vực Đông Bắc Á.

Hàn Quốc buộc phải hiện đại hóa trang thiết bị quân sự và xích lại gần hơn người «anh cả» Mỹ. Động thái này sẽ khiến Trung Quốc lo ngại. Ngay sau vụ bắn tên lửa tầm xa ngày 7/2 của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc công khai ý định muốn gia nhập hệ thống chống tên lửa THAAD của Mỹ, luôn bị Bắc Kinh coi là một mối đe dọa.

Thậm chí, một số người Hàn Quốc còn muốn nước này có vũ khí hạt nhân riêng để cân bằng tương quan lực lượng với người anh em miền bắc và độc lập với quân đội Mỹ. Kịch bản này chỉ khiến tình hình trong khu vực trở nên xấu hơn và sẽ buộc Nhật Bản cũng phải trang bị vũ khí hạt nhân. Như vậy, hai nền kinh tế lớn của thế giới và là hai cựu thù Trung Quốc và Nhật Bản lại có nguy cơ rơi vào một cuộc chiến mới.