Kiểm toán Nhà nước “nội soi” các dự án BOT

VietTimes -- Chất lượng các công trình BOT hiện nay không được kiểm soát chặt chẽ, không ít các công trình vừa mới khánh thành đã có vấn đề về chất lượng như nứt, lún... phải sửa chữa, doanh thu thực tế không đạt như dự kiến...
BOT Cai Lậy. Nguồn Infornet.
BOT Cai Lậy. Nguồn Infornet.

Thông tin trên được nêu ra tại Báo cáo về Năng lực tài chính của các nhà đầu tư BOT và cấp tín dụng dự án BOT vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố.

Theo đó, thực trạng vay vốn tín dụng của các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT - (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao) đang có nhiều bất cập: Nhiều nhà đầu tư không có đủ vốn chủ sở hữu phải vay ngân hàng số tiền lớn. Không ít các dự án vừa mới khánh thành đã lún, nứt và doanh thu không đạt thực tế

Chỉ rõ những hạn chế, Kiểm toán Nhà nước cho biết, đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, chưa có tiêu chí lựa chọn dự án được đầu tư theo hình thức BOT; hầu hết các dự án BOT áp dụng hình thức chỉ định Nhà đầu tư và chỉ định nhà thầu thi công mà không thực hiện đấu thầu (theo Thông báo số 55/TB-VPCP ngày 21/2/2012 của Văn phòng Chính phủ và Văn bản số 979/TTg-KTN ngày 05/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ).

Dù Bộ Tài chính đã có quy định chủ đầu tư phải có năng lực tài chính tối thiểu để tham gia dự án BOT, nhưng rất nhiều chủ đầu tư BOT không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án dẫn đến phải dừng thực hiện dự án, nhiều dự án bị chậm tiến độ...

Ngoài ra, tình trạng xác định lưu lượng phương tiện giao thông không phù hợp với thực tế, dẫn đến kéo dài về thời gian thu phí và khả năng hoàn vốn, thiếu hiệu quả trong đầu tư.
Cụ thể, nhiều đơn vị dựa trên số liệu thống kế của Tư vấn khảo sát trong 2 đến 3 ngày để nội suy ra lưu lượng phương tiện 365 ngày hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện của Tổng cục đường bộ Việt Nam đã cũ để nội suy.

Công tác nghiệm thu, thanh toán cũng còn sai sót (kết quả kiểm toán các dự án BOT trong năm 2016 đã giảm trừ chi phí đầu tư thực hiện 1.150,46 tỷ đồng. Cụ thể là sai khối lượng 180,37 tỷ đồng; sai định mức 41,64 tỷ đồng; sai đơn giá 143,17 tỷ đồng; sai khác hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu, thanh toán 785,28 tỷ đồng.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra rằng, việc góp vốn chủ sở hữu dự án BOT chưa đúng tỷ lệ cam kết; tiến độ thi công chưa đảm bảo; chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí; khoảng cách một số trạm thu phí không đảm bảo quy định tối thiểu 70km.

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án được kiểm toán (năm 2016 là 21 dự án) so với phương án tài chính ban đầu 107,4 năm, trong đó dự án giảm nhiều nhất là 13 năm 01 tháng, 12 ngày. Đơn cử, dự án công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km 1488-Km1525, tỉnh Khánh Hòa giảm 13 năm 01 tháng 12 ngày; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Km1793+600 (Km734+600 QL14) đến Km1824+00 (Km1765+00 QL14), tỉnh Đắk Nông giảm 12 năm 03 tháng 22 ngày; Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu, quận 9 (Tổng công ty Xi măng Việt Nam) giảm 11 năm; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường HCM (QL14) đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài (Km921+025-Km926+331 QL 14), tỉnh Bình Phước giảm 7 năm 9 tháng 21 ngày;

Dự án công trình cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn Km17+027-Km50+00 trên địa phận tỉnh Bình Định và đoạn Km108+00-Km131+300 trên địa phận tỉnh Gia Lai giảm 7 năm 6 tháng 27 ngày; Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) đoạn Pleiku Km1610 đến cầu 110(Km1667+570), tỉnh Gia Lai giảm 07 năm 02 tháng 27 ngày; Dự án nâng cấp, mở rộng đường HCM (QL 14) đoạn Km 1738+148-Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk giảm 6 năm 10 tháng 22 ngày; Dự án đầu tư xây dựng Cầu Cổ Chiên giảm 5 năm 24 ngày...