Không xin được cơ chế thì doanh nghiệp phải xe chạy khí CNG của Trung Quốc

Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho rằng: Xây dựng đề án nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng phải đảm bảo lợi ích doanh nghiệp.
Xe buýt Trung Quốc - HengtongB80.
Xe buýt Trung Quốc - HengtongB80.

“Không thể áp đặt doanh nghiệp!”

Ông Trần Văn Quang – PGĐ Sở GTVT tỉnh Đồng Nai - đơn vị quản lý cho biết: Hiện nay, dự án đầu tư thay thế 555 xe buýt cũ bằng xe buýt chạy nhiên liệu khí CNG đã thông qua sơ lược và đang hoàn chỉnh để tháng 7.2015 trình UBND tỉnh, trước khi trình các bộ ngành trung ương.

“Riêng về vấn đề đầu tư dòng xe CNG của Trung Quốc, ngay bản thân tôi cũng đang còn nhiều băn khoăn” – ông Quang cho biết.

Theo ông Quang, hiện nay mặc dù đề án đã được lập ra nhưng còn một bước quan trọng là trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Từ đó, đơn vị đầu tư dự án là Cty CP vận tải Sonadezi mới có các đề xuất để xin cơ chế, chính sách. UBND tỉnh lấy đó làm cơ sở trình các bộ ngành trung ương.

Theo ông Quang, hiện nay dự án có rất nhiều lựa chọn cho việc đầu tư thay thế xe buýt CNG. Có thể lựa chọn xe buýt do trong nước lắp ráp hoặc mua xe buýt của Trung Quốc, Ấn Độ.

Trong nhiều phương án được đưa ra thì sẽ so sánh, xem phương án nào có chính sách tốt nhất sẽ thực hiện.

Tuy nhiên, quan trọng mua xe gì với giá cả phù hợp để doanh nghiệp làm ăn có lãi. Nếu không xin được cơ chế chính sách thì doanh nghiệp phải nhập xe Trung Quốc về chạy.

Bởi vậy, có mua được xe "ngon" hơn hay không còn phải phụ thuộc vào việc nhà nước có miễn thuế cho việc nhập khẩu xe buýt – ông Quang cho biết.

Theo chủ đầu tư dự án, yêu cầu về chi phí đầu tư mua xe và chi phí khai thác vận hành tuyến phải không quá cao, phù hợp với điều kiện kinh tế của doanh nghiệp, không có sự khác biệt nhiều so với chi phí khai thác hiện tại nhằm đảm bảo lợi ích tài chính cho doanh nghiệp.

Dự án này thực hiện chính là Cty CP vận tải Sonadezi, Sở tham gia với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, chủ trương là chọn loại xe nào mà doanh nghiệp có thể thu hồi vốn được thì sẽ thực hiện. “Bởi vậy, mình cũng không thể áp đặt cho họ” – ông Quang nói.

Đầu tư 633 tỷ đồng!

Theo Cty CP vận tải Sonadezi, để chuẩn bị cho chương trình này, công ty đã tiến hành lựa chọn và ký kết Hợp đồng tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) dự án: “Đầu tư xe bus sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG) hoạt động trên một số tuyến vận tải hành khách công cộng và đưa rước công nhân địa bàn tỉnh Đồng Nai” với Trung tâm Môi trường và Phát triển Giao thông Vận tải (CETD).

Công ty đã có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân thành phố, các Sở, Ban ngành chức năng về Dự án đầu tư xe buýt sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và đã nhận được ý kiến chấp thuận về chủ trương này.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 633 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án sẽ huy động vốn từ nguồn vốn ODA với lãi suất 9,6%, ưu đãi 40%, thời gian hoàn vốn 5-10 năm và nguồn vốn Đầu tư phát triển sản xuất của tỉnh với lãi suất 10,5% ưu đãi 40%, thời gian hoàn vốn là 5 năm

Thời gian thực hiện dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: từ nay đến hết năm 2015 đầu tư mua mới 162 xe sử dụng nhiên liệu CNG, xây dựng 2 trạm nạp nhiên liệu CNG; Giai đoạn 2: 2016-2020 đầu tư mua mới 393 xe sử dụng nhiên liệu CNG, xây dựng 05 trạm nạp CNG.

Về công nghệ của xe buýt CNG: phương tiện phải đạt các yêu cầu cần thiết về mặt công nghệ, kỹ thuật, an toàn của phương tiện vận tải hành khách công cộng đồng thời cần chú ý ưu tiên loại xe có xuất xứ và công nghệ đóng mới, bảo dưỡng sửa chữa quen thuộc.

Không xin được cơ chế thì doanh nghiệp phải xe chạy khí CNG của Trung Quốc ảnh 1

Dựa trên những đánh giá khách quan về nhiều khía cạnh, dòng xe Hengtong B60, B80 có xuất xứ từ Trung Quốc đã được lựa chọn để trang bị phương tiện cho dự án.

Dự kiến, nhiên liệu cung cấp cho các hoạt động của mạng lưới xe CNG tại Đồng Nai sẽ do Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí hóa lỏng miền Nam (PV Gas South) đảm nhận.

Theo Lao Động