“Không vì hậu quả vụ nổ súng ở Yên Bái mà đổ cho luật có lỗ hổng”

Thượng tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh sự việc ở Yên Bái khi cho rằng, quy định chặt chẽ nhưng ý thức sử dụng vũ khí kém thì vẫn rất khó lường.
Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội
Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội

Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội vừa qua đã họp thẩm tra sơ bộ dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2).

Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban cho biết, Luật được xây dựng trên cơ sở nâng lên từ Pháp lệnh sẽ có quy định chặt chẽ, cụ thể hơn. Tuy nhiên, qua vụ nổ súng sát hại hai lãnh đạo ở Yên Bái có thể thấy rằng, bên cạnh quy định chặt chẽ thì yếu tố quyết định vẫn là ý thức và trách nhiệm thực hiện luật.

Nể nang, quen biết là bỏ qua quy định

Khẳng định các quy định pháp luật khá chặt chẽ nhưng vấn đề nằm ở chỗ thực hiện không tốt, Thượng tướng Võ Trọng Việt dẫn ví dụ ở Yên Bái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm của tỉnh này là đối tượng được cấp súng nhưng lợi dụng sơ hở trong quản lý, lợi dụng tình cảm, sự nể nang để sử dụng súng sai mục đích.

Đối tượng được cấp súng không phải lúc nào cũng được mang theo súng mà đơn vị phải có kho cất giữ, khi có lệnh của cấp có thẩm quyền mới mở kho cấp cho người được sử dụng theo kế hoạch được chỉ huy đơn vị, thủ trưởng cơ quan phê duyệt. Trong kế hoạch nêu rõ lấy súng trong khoảng thời gian bao lâu, sau khi hết hạn đó phải nộp súng vào kho.

Quy trình cấp súng rất chặt chẽ nhưng theo Tượng tướng Võ Trọng Việt, trường hợp ở Yên Bái cũng có cái khó: “Muốn lấy súng đi thì phải có lệnh của người đứng đầu, nhưng ông Đỗ Cường Minh lại là người giữ vị trí cao nhất của đơn vị đó (Chi cục trưởng – PV). Người đứng đầu họ nói đi làm thì chắc chắn nhân viên cấp dưới phải đưa súng thôi. Và cũng không ai nghĩ ông ấy sử dụng súng để làm việc như thế!”

Trong vụ việc ở Yên Bái, dư luận cũng đặt câu hỏi về vấn đề an ninh tại cơ quan công quyền, khi một người có thể dễ dàng mang vũ khí vào cơ quan, đến từng phòng lãnh đạo tỉnh. Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho rằng, vẫn còn tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”.

“Quy trình là phải kiểm tra, nhưng ở Việt Nam chỉ vì quen biết là bỏ qua hết. Ở các nước rất chặt chẽ, kể cả lãnh đạo vào cơ quan cũng đều phải qua kiểm tra. Qua vụ Yên Bái thức tỉnh các cơ quan công quyền phải thực hiện theo đúng nguyên tắc. Làm bài bản sẽ không có gì xảy ra, nhưng chỉ cần không bài bản 1 lần sẽ gây hậu quả đáng tiếc” – ông Võ Trọng Việt nói.

Về trách nhiệm của những người liên quan trong quy trình cấp súng trong vụ Yên Bái, Thượng tướng Võ Trọng Việt cho biết, hồ sơ công an vẫn đang trong giai đoạn điều tra. Sau này điều tra xong mới xem trình tự lấy súng và sử dụng súng thế nào, động cơ, mục đích gì...

“Chỗ này cần rành mạch, Luật có lỗ hổng hay chưa chặt chẽ thì cần hoàn thiện luật. Còn luật đã đầy đủ rồi mà mình thực hiện không đúng luật thì phải chấn chỉnh việc thực hiện. Vụ Yên Bái cũng vậy, không phải do hậu quả mà đổ rằng luật có lỗ hổng. Đây là do ý thức, trách nhiệm thực hiện luật chưa tốt, còn nếu thực hiện tốt thì chẳng có gì sai sót cả” – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh khẳng định.

Luật siết chặt hơn, bao gồm nổ súng không cảnh báo

Từ thực trạng những bất cập hiện nay, Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (nâng lên từ Pháp lệnh) sắp được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 sẽ rà soát và quy định chặt chẽ hơn về quy trình cấp súng, quản lý, bảo vệ súng.

Luật cũng quy định rõ hơn, sâu hơn và cụ thể hơn về nổ súng, trong đó đáng lưu ý là nêu cụ thể trường hợp cảnh vệ nổ súng không cần cảnh báo trước khi bảo vệ lãnh tụ.

“Trước đây mình nói về mặt nguyên tắc, không được rõ, cứ chung chung nên khó trong thực thi. Còn lần này quy định chi tiết từng trường hợp được nổ súng. Điểm mới là có quy định nổ súng không cần báo trước áp dụng cho lực lượng cảnh vệ khi bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết.

Luật quy định cấp súng cho các lực lượng như QĐND, CAND, Kiểm ngư, Kiểm lâm, Hải quan ở cửa khẩu và trực tiếp chống buôn lậu... Sau khi quy định có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phối hợp với các Bộ có hướng dẫn quy định cụ thể đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng; trình tự, thủ tục cấp súng.

Dựa vào thông tư hướng dẫn ấy, từng đơn vị sẽ có quyết định cấp súng cho những ai đủ tiêu chuẩn, trong đó gồm cả về sức khoẻ và đạo đức, kèm theo giấy phép sử dụng súng. Đối tượng được cấp có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích, được học, được huấn luyện.

Ông Võ Trọng Việt nhấn mạnh, vũ khí, vật liệu nổ rất nguy hiểm nên khi thiết kế quy định đều theo hướng quản lý ngày càng chặt chẽ. Đối tượng được cấp súng là người được bồi hưỡng, huấn luyện, tuyển chọn kỹ, chặt chẽ. Trình tự cũng rất đầy đủ.

“Đừng nghĩ với vụ việc cụ thể thì do luật, luật rất đúng. Như quy định nổ súng về mặt nguyên tắc, lý luận đều rất chặt, nhưng do thực hiện của mình không chuẩn. Nếu huấn luyện kỹ và chuẩn bị chu đáo thì thực hành trong thực tế sẽ tốt” – Thượng tướng Võ Trọng Việt nói thêm và ví như một người lái xe chuyên nghiệp sử dụng thành thạo ga, phanh nhưng với người mới lái, đáng ra nhấn phanh thì lại nhấn ga và ngược lại vì lúng túng.

Khi bàn về dự thảo Luật vẫn có 2 luồng ý kiến về quản lý vũ khí còn trong dân. Có ý kiến cho rằng đưa vào luật là không thực tiễn vì khó quản, nhất là với khu vực đồng bào dân tộc. Quan điểm khác cho rằng, Luật là cái gốc, nên cần đưa tất cả các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào để quản lý. Còn việc thực hiện luật thì phải giáo dục cho dân.

“Quan điểm là Luật cần quy định hết. Những gì cấm cũng phải đưa vào để toàn dân nhận thức tuân thủ pháp luật” – Thượng tướng Võ Trọng Việt nêu quan điểm.

Theo VOV