Không thể truy thu thuế với Sabeco

Đó là ý kiến của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - xung quanh kiến nghị của KTNN về việc truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2013 của TCty Bia Sài Gòn (Sabeco) số tiền 408 tỉ đồng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Không thể truy thu thuế với Sabeco

Thông tư 05 có thiếu sót

Đều dựa vào Thông tư 05/2012 của Bộ Tài chính quy định về thuế TTĐB, KTNN khẳng định phải truy thu thuế TTĐB của Sabeco, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp (DN) này cũng chứng minh Sabeco đã làm đúng luật. Hàng loạt câu hỏi đang được cộng đồng DN đặt ra: Có phải Thông tư 05 quy định thu thuế TTĐB sơ hở không? Nếu luật pháp sơ hở, việc hồi tố để truy thu thuế TTĐB như trường hợp của Sabeco có hợp pháp không? Tại sao chỉ riêng Sabeco bị truy thu thuế TTĐB còn các DN khác cũng làm như Sabeco sao không bị truy thu?

Ông Cao Tấn Khổng - Phó Tổng KTNN - tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán 2014 ngày 10.7 tại Hà Nội thừa nhận Thông tư 05 có thiếu sót. Vậy nhưng KTNN vẫn cho rằng, việc truy thu thuế TTĐB của Sabeco 408 tỉ đồng là dựa vào Thông tư 05/2012 của Bộ Tài chính.

Để chứng minh điều này, bà Trương Thị Việt Hương - Kiểm toán trưởng khu vực 4 của KTNN, phụ trách việc kiểm toán TCty Bia Sài Gòn (Sabeco) - cho biết: KTNN không chỉ căn cứ vào Thông tư 05 mà còn căn cứ vào thực tế cơ cấu điều hành của Sabeco để xác định DN có trốn thuế TTĐB hay không.

Lý giải điều này, bà Hương cho rằng thuế TTĐB đánh vào khâu sản xuất, quyết định giá bán ra cuối cùng của khâu sản xuất. Sabeco thành lập Cty TNHH một thành viên thương mại Sài Gòn Sabeco với 100% vốn của Cty mẹ. Từ đó thành lập các Cty liên kết, Cty con có vốn của Cty thương mại chiếm 90 - 95%. Sau đó sản phẩm mới bán cho các đại lý.

Đây là mô hình sản xuất khép kín, Sabeco chi phối về vốn, quyết định từ nguyên liệu đầu vào, giá mua, giá bán và quyết định bán cho đại lý cấp 1. Lợi nhuận cuối cùng chuyển ngược về Sabeco. Do đó, KTNN xác định khâu cuối cùng là của các Cty thương mại khu vực nên phải tính thuế TTĐB cả khâu này.

Dây chuyền sản xuất của Sabeco. Ảnh T.L

Cũng lấy chính Thông tư 05 để khẳng định “chúng tôi làm đúng luật”, ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT Sabeco - cho biết DN không làm sai nghĩa vụ nộp thuế TTĐB. Cũng theo ông Tuất: Bia Sài Gòn là DN 90% vốn nhà nước, nên không “dại gì” trốn thuế. Vì thuế TTĐB cũng nộp ngân sách, phần còn lại nộp thuế thu nhập DN chia cổ tức mà Nhà nước cũng là cổ đông lớn chiếm đa số trong TCty.

Việc buộc hồi tố các khoản thuế TTĐB từ năm 2008 sẽ làm tăng 10% doanh số chịu thuế, tăng 3,3% thuế suất thuế TTĐB tại TCty. Nếu thực hiện kết luận của KTNN, Sabeco sẽ phát sinh khoản nộp tăng thêm mỗi năm 350 - 400 tỉ đồng, tổng cộng sẽ lên tới khoảng 4.000 tỉ đồng trong các năm 2008 - 2014. Đồng nghĩa với việc này là hàng chục ngàn người lao động trong DN sẽ lâm vào cảnh khó khăn.

Vấn đề không dừng lại ở đó, do Sabeco đã ấn định giá bán của nhà sản xuất, nên khi thay đổi cách tính thuế, Bia Sài Gòn sẽ phải điều chỉnh giá bán từ năm 2008 đến nay, sẽ khiến TCty không thể xử lý được các phát sinh bởi từ đó đến nay, các chỉ tiêu tài chính đã được phân chia, cổ tức đã chia cho cổ đông, lương, thưởng của người lao động đều dựa trên các chỉ số tài chính hiện có.

Để xác định KTNN đúng hay Sabeco? Chúng tôi đã trao đổi với ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách của Quốc hội. Ông Thanh cho biết: Khi tính thuế TTĐB, giá tính thuế là giá cuối cùng ra khỏi đơn vị.

Thông tư 05 đã hướng dẫn nhưng nói không rõ. Chỉ khi nào giá ra khỏi phạm vi Cty đó thì mới được tính là giá đầu ra, đầu vào. Còn về việc một thông tư 05 mà có đến hai cách hiểu? Ông Thanh khẳng định: Vấn đề chính là việc xác định giá làm căn cứ tính thuế TTĐB đã tạo kẽ hở cho các DN. Hiện tại không chỉ Sabeco mà còn một số “ông lớn” trong ngành sản xuất nước giải khát khác cũng lập Cty con để “đỡ” thuế cho Cty mẹ. Có thể thấy, Thông tư 05 có “lỗ hổng” để những người thực thi vận dụng cách nào cũng được. Thừa nhận Thông tư 05 có những thiếu sót, ông Cao Tấn Khổng cho biết Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội biểu quyết Luật thuế TTĐB sửa đổi, bổ sung để bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2016.

Truy thu thuế của Sabeco là không đúng

Trước câu hỏi của các nhà báo: Vì sao chỉ có Sabeco bị KTNN “sờ gáy”, trong khi trên thị trường đang còn rất nhiều tập đoàn, TCty cũng áp dụng mô hình lập Cty con để “cõng” thuế TTĐB cho Cty mẹ mà không bị đề xuất truy thu thuế TTĐB? Việc này sẽ gây ra hiện tượng bất bình đẳng và tạo sự bất lợi trong việc cạnh tranh trên thị trường giữa các DN hoạt động trong cùng lĩnh vực? Nếu đã kiểm toán, nên làm toàn diện, chứ không “xử án điểm” và đề xuất truy thu thuế đối với riêng Sabeco?

Bà Trương Thị Việt Hương cho biết: “Tôi kiểm toán đơn vị nào thì tôi trả lời đơn vị đó. Kiểm toán ở đâu phát hiện sai phạm thì chỉ nêu nơi mình phát hiện và kiến nghị để báo với Nhà nước thôi”(?). Nếu KTNN và cơ quan thuế làm như vậy, sẽ có nhiều DN hoạt động cùng ngành nghề như Sabeco được hưởng lợi lớn từ việc Sabeco bị truy thu thuế TTĐB, bởi các sản phẩm của Sabeco sẽ bị “đội giá”, còn mặt hàng tương tự của các DN khác thì không.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động về đề nghị truy thu thuế TTĐB năm 2013 đối với Sabeco có chính xác? Ông Đậu Anh Tuấn cho biết: “Cách làm đó là không đúng, và không thể hồi tố để truy thu thuế TTĐB đối với Sabeco”. Lý giải về điều này, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh: Khi áp dụng pháp luật, có một nguyên tắc rất quan trọng là: “Khi luật không rõ ràng thì phải áp dụng theo hướng có lợi cho đương sự”.

Việc Thông tư 05 có kẽ hở, để cho DN lợi dụng, về nguyên tắc của luật pháp là nếu DN không vi phạm pháp luật (không trốn thuế - PV) thì không hồi tố để truy thu, mà cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm phải khắc phục ngay vấn đề sơ hở của luật pháp. Thông tư 05 và các văn bản khác chưa quy định chi tiết trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua Cty cấp 1, cấp 2 của mình… tính thuế TTĐB như thế nào, dẫn đến việc Sabeco áp dụng theo hướng có lợi cho mình, do đó quan điểm nói là Sabeco vận dụng linh hoạt không trái luật cũng đúng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - cho rằng: “Luật quy định nếu rơi vào gian lận thuế và trốn tránh thuế thì có quyền hồi tố để truy thu, thậm chí có quyền đưa ra tòa. Nhưng nếu các văn bản của Nhà nước chưa có quy định rõ ràng và còn gây nhiều cách hiểu khác nhau thì DN có thể làm đơn đề nghị KTNN và cơ quan thuế. Nếu kết quả kinh doanh đã thực hiện nghĩa vụ với cổ đông, các bên liên quan thì cơ quan thuế có thể xem xét miễn giảm bớt thuế, hoặc nộp thuế dần dần tùy trường hợp cụ thể”.

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính): “Thông tư 05 chưa rõ và Bộ Tài chính đang có phương án sửa đổi. Trong thông tư chỉ nêu quan hệ “Cty thương mại” thôi, không đề cập gì tới mối quan hệ Cty mẹ - con. Các DN đã lách yếu tố đó, họ vẫn đáp ứng đúng luật. Nếu trong luật nói rõ “Cty thương mại độc lập”, không có quan hệ Cty mẹ - con thì lại khác”.

Theo Lao Động