“Không thể chậm trễ đưa chiến tranh biên giới, hải chiến Hoàng Sa… vào SGK“

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa về việc chờ đưa các sự kiện chiến tranh biên giới, hải chiến Hoàng Sa… vào sách giáo khoa mà nên giảng dạy ngay, vượt qua khuôn khổ sách giáo khoa.
Ông Dương Trung Quốc
Ông Dương Trung Quốc

Trước việc, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét đưa các cuộc chiến tranh biên giới, kiến thức về hải chiến Hoàng Sa... vào SGK sắp biên soạn, phóng viên đã có cuộc trao đổi Nhà sử học Dương Trung Quốc.

Thưa ông, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ xem xét đưa các cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam, Hải chiến Hoàng Sa… vào sách giáo khoa mới với dung lượng phù hợp nhất. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Trước hết với một sự kiện lịch sử đã có độ lùi đến gần 4 thập kỷ mà không được phản ánh trong sách giáo khoa đó là điều không được bình thường. Nhất là sự kiện này theo nhận thức của giới sử học đó là bước chuyển hết sức quan trọng.

Nó không những là cuộc chiến tranh có quy mô lớn, để lại không ít hậu quả và đồng thời để lại bài học lịch sử hết sức sâu sắc nên việc chúng ta né tránh nó là một câu hỏi mà cả người làm sử như chúng tôi cũng như người dân hết sức thắc mắc.

Đương nhiên, chúng tôi hiểu có những vấn đề liên quan đến đời sống ngoại giao hiện tại đôi khi chúng ta phải mềm mỏng, phải khôn ngoan … nhưng tôi thử hỏi Việt Nam với nước Pháp, Việt Nam với Hoa Kỳ, Việt Nam với thời kỳ chủ nghĩa phát xít Nhật chúng ta phản ánh trong lịch sử một cách minh bạch, chúng ta không né tránh tại sao chúng ta vẫn hoà giải được, vẫn tăng cường hữu nghị được và các nước ấy vẫn là các quốc gia trở thành bè bạn chiến lược với chúng ta. Tại sao Trung Quốc lại phải thế, tại sao chúng ta lại không thể minh bạch điều đó?

Hơn nữa, bài học chiến tranh là chính là bài học sâu sắc nhất về hoà bình. Nhắc lại cuộc chiến tranh này để chúng ta không lặp lại cuộc chiến tranh tương tự nữa. Và riêng với dân tộc chúng ta, các thế hệ trẻ, học sinh của chúng ta hiểu thêm giá về độc lập tự do, ý trí của dân tộc.

Đồng thời cũng khẳng định năng lực của Việt Nam về hoà giải được với tất cả các đối tác bằng thiện chí của mình và bằng lòng mong muốn hoà giải với các nước khác, trong đó có cả Trung Quốc. Vì thế, tôi nghĩ chẳng có lý do gì để chúng ta lảng tránh. Tốt nhất chúng ta nên nhắc lại điều đó một cách sâu sắc với một thái độ trách nhiệm.

Theo ông, chúng ta có thể đưa những sự kiện trên vào sách giáo khoa của cấp học nào là phù hợp?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đây là vấn đề không đơn giản. Nó vừa là vấn đề về khoa học lịch sử, vừa là vấn đề về chính trị, vừa là vấn đề giáo dục nên việc này phải là những người có trách nhiệm, những chuyên gia có trách nhiệm họ biên soạn xem liều lượng như thế nào là vừa. Số tiết học, nội dung đề cập đến cái gì, hướng các cháu về việc tiếp xúc với sự kiện này như thế nào. Cá nhân tôi, tôi không thể nói chủ quan được.

Nhưng tôi muốn nói thêm điều này: Lời hứa của Bộ Giáo dục và Đào tạo là sẽ đưa vào trong sách giáo khoa lần tới điều đó là cần thiết nhưng không thể chậm trễ được nữa. Vì nếu chúng ta để đến lúc có sách giáo khoa thì còn rất nhiều thời gian, công đoạn.

Chúng tôi cho rằng cho dù bây giờ trong sách giáo khoa đang dùng mới có 11 dòng, dư luận nói như thế thì chúng ta vẫn có thể giảng dạy đàng hoàng vượt ra khỏi khuôn khổ của sách giáo khoa đi.Đấy là quyền của chúng ta!

Sách giáo khoa không phải là cái gì to tát mà chúng ta không vượt qua được. Vấn đề bây giờ là, chúng ta đã có sự đồng thuận của dân, có sự thận trọng về mặt khoa học giáo dục, có sự phối hợp của các nhà sử học, chúng ta có một chương trình giảng dạy ngay lập tức để các cháu tiếp cận với điều đó đặc biệt là vấn đề liên quan đến biển đảo.

Thưa ông, nếu ông được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời vào ban cố vấn soạn thảo sách giáo khoa lịch sử lần tới, ông sẽ đưa ra nguyện vọng gì về cuốn sách lịch sử mới này?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Đến lúc này tôi chưa trả lời được điều đó. Nhưng nguyện vọng của chúng tôi đây là việc cần thiết. Chúng ta không bàn tới chuyện cũ rằng tại sao chúng ta đã không đưa vào sách từ trước mà giờ chúng ta bàn nội dung, nội dung đó làm sao đảm bảo được tính khoa học, chính trị và chúng ta luôn hướng tới mục tiêu tích cực kể cả trong mối quan hệ với các quốc gia đã từng có các hệ luỵ trong lịch sử.

Tôi cho rằng, nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam cũng mong muốn sự minh bạch và các nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm về điều này đừng để xảy ra chiến tranh nữa vì đó là xương máu của nhân dân, không phải là chuyện đâu đâu nữa.

Trên sách giáo khoa, vấn đề biển đảo nhắc tới rất mờ nhạt. Trong kỳ họp Quốc hội thứ 10 vừa rồi, tôi đã có chất vấn Thủ tướng vì khi đó một số đại biểu quốc hội nêu vấn đề đó ra thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản cho rằng đã đưa vấn đề này vào sách giáo khoa đầy đủ. Chúng tôi đã làm phản biện cho thấy rằng phát biểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có cơ sở, trên thực tế nó còn rất mờ nhạt. Một số địa phương ở khu vực biển đảo họ làm rất tốt, họ bổ sung vào chứ trong các chương trình sách giáo khoa chính thức của Bộ hết sức mờ nhạt.

Đây là cơ hội chúng ta phải làm rõ trách nhiệm này ra xem vấn đề này là của ai của Bộ Giáo dục hay trên hơn nữa. Thủ tướng vẫn nợ tôi câu trả lời về vấn đề này.

Vâng xin cảm ơn ông!