Không sắp đặt ‘quân đỏ, quân xanh’ trong bầu cử Quốc hội

Thảo luận về dự luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội đề nghị cần tránh sắp xếp các ứng viên quá chênh lệch về tuổi đời, chức vụ, trình độ… cùng tranh cử tại một địa bàn bầu cử theo kiểu “quân đỏ, quân xanh”.
Không sắp đặt ‘quân đỏ, quân xanh’ trong bầu cử Quốc hội

Ít nhất 35% người ứng cử đại biểu Quốc hội là nữ

Về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự Luật do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Phan Trung Lý đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại phiên họp cho thấy, qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể về cơ cấu, thành phần và tỷ lệ phân bổ đại biểu là phụ nữ, người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử, người trẻ tuổi ngay trong Luật, không nên quy định có “số lượng thích đáng” như dự thảo hiện nay.

Theo ông Phan Trung Lý, việc bảo đảm cơ cấu, thành phần hợp lý đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là yêu cầu khách quan, cần thiết và là yếu tố quyết định tính chất, chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND sau này. Tuy nhiên, việc dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải căn cứ vào tiêu chuẩn, đồng thời cần quan tâm đến tình hình, yêu cầu cụ thể của từng giai đoạn, từng địa phương.

Do vậy, theo ông Lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này theo hướng chỉ quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng người dân tộc thiểu số, số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội nhưng phải bảo đảm ít nhất 18% tổng số người ứng cử là người dân tộc thiểu số, ít nhất 35% tổng số ứng cử là phụ nữ. Trên cơ sở đó, cử tri sẽ cân nhắc, lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho mình.

Về Hội đồng bầu cử quốc gia, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép quy định Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, cùng lúc với việc công bố ngày bầu cử. Hội đồng kết thúc nhiệm vụ sau khi trình Quốc hội khóa mới báo cáo tổng kết bầu cử.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức Hội đồng bầu cử quốc gia theo phương án này sẽ bảo đảm tính ổn định, kế thừa trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử Trung ương.

Để tổ chức bầu cử bổ sung, Quốc hội sẽ quyết định thành lập Hội đồng bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, UBND cấp tỉnh phối hợp cùng Thường trực HĐND, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp thành lập Ủy ban bầu cử bổ sung đại biểu HĐND cấp mình.

Chưa quy định công dân Việt ở nước ngoài bầu cử, ứng cử

Về điều kiện thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND, ông Phan Trung Lý cho biết, trong quá trình thảo luận, vấn đề tổ chức để công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài tham gia bầu cử, ứng cử đã được đặt ra.

Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc lập danh sách cử tri, xác định đơn vị bầu cử, việc tổ chức cho người ứng cử tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử…Vì vậy, ông Phan Trung Lý cho biết vấn đề này sẽ tiếp tục được xem xét, nghiên cứu, quy định khi đã có đủ điều kiện cho phép.

Bản báo cáo giải trình cũng cho thấy có ý kiến đề nghị cần bảo đảm để người đang bị tạm giam, tạm giữ cũng được thực hiện quyền bầu cử, vì về mặt pháp lý, những người này chưa bị coi là có tội và không bị tước mất quyền bầu cử.

Theo ông Phan Trung Lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến nói trên và đề nghị chỉ quy định trong Luật người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật; người đang phải chấp hành hình phạt tù và người mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được ghi tên vào danh sách cử tri.

Các địa phương, các cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm bảo đảm thực hiện việc lập danh sách cử tri đối với những người đang bị tạm giam, tổ chức việc bỏ phiếu đối với người đang bị tạm giam tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND vẫn còn chung chung, nhất là trình độ văn hoá, chuyên môn. Theo bà Yến, ngoài những tiêu chuẩn chung, cần những tiêu chuẩn riêng cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

“Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước nên đòi hòi đại biểu Quốc hội phải có đầy đủ năng lực, kiến thức, trình độ, kỹ năng, khả năng tổng hợp phân tích đánh giá”, bà Yến nhấn mạnh, và nói thêm: đối với đại biểu HĐND cũng cần có thêm tiêu chuẩn riêng về trình độ, chuyên môn.

Về cơ cấu tỷ lệ đại biểu, bà Yến đề nghị cần cân nhắc, để không vì chuyện “cơ cấu, thành phần” mà ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND các cấp.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) thì đề nghị quy định không sắp xếp các ứng viên quá chênh lệch về tuổi đời, chức vụ, trình độ… cùng tranh cử tại một địa bàn bầu cử theo kiểu “quân đỏ, quân xanh”. 

Theo Thanh Niên