Không chỉ đề xuất tăng thuế GTGT, nhiều sắc thuế khác cũng sẽ điều chỉnh mạnh

VietTimes -- Thông tin tại buổi họp báo chuyên đề “Giới thiệu Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế tài nguyên (dự án Luật sửa đổi bổ sung các Luật thuế)” chiều 15/8, đại diện Vụ Chính sách thuế, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng đã thông tin cụ thể về những thay đổi của dự thảo Luật.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Hai phương án điều chỉnh mức thuế GTGT

Theo Vụ Chính sách thuế, đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT, đơn vị soạn thảo tập trung sửa đổi 07 nội dung, bao gồm 04 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Chuyển phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT; Bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT; Quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới hai mươi triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng.

03 nội dung sửa đổi nhằm bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong đó: giảm nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế; nâng mức thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12%.

Về việc điều chỉnh mức thuế GTGT lên 12%, Bộ Tài chính nêu ra hai phương án. Phương án 1: Tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019; Phương án 2: Tăng theo lộ trình lên 12% từ ngày 1/1/2018 và 14% từ ngày 1/1/2021. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1.

Theo Bộ Tài chính, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhiều quốc gia kể cả các nước phát triển có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.

Cụ thể, tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế thu nhập (TNDN và TNCN), các nước chuyển hướng sang tăng thuế tiêu dùng (GTGT và TTĐB). Số lượng quốc gia áp dụng thuế GTGT/thuế hàng hoá và dịch vụ ngày càng tăng, nếu như năm 2004 là 140 nước thì đến năm 2014, 2016 các con số tương ứng lần lượt là 160 và 166 nước.

Cùng với việc tăng số lượng các nước sử dụng thuế GTGT để điều tiết tiêu dùng cũng như tăng số thu ngân sách thì xu thế tăng thuế suất GTGT cũng diễn ra phố biến.

Theo đó, các nước đều đã tăng thuế suất phổ thông từ năm 2009 – 2016. Thuế suất trung bình tại các nước EU năm 2000 là 19% nhưng đến năm 2014 đã tăng lên gần 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế GTGT từ mức trung bình 18% năm 2000 lên khoảng 19% năm 2014 và hơn 19% vào năm 2016. Các nước ở châu Á cũng không ngoại lệ khi nhiều nước như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản... đã cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng thuế tiêu dùng trong tổng thu ngân sách từ việc tăng thuế suất thuế GTGT.

Dẫn ra số liệu từ World Bank, Bộ Tài chính cho biết qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12 – 25%. Trong đó có 56 nước có mức thuế suất từ 17 – 25%, còn lại 24 nước phố biến ở mức hơn 10%. Đối với các nước xung quanh Việt Nam, Bộ Tài chính cũng chỉ rõ thuế phổ thông đang cao hơn 10%. Cụ thể, ở Lào, Indonesia, Campuchia mức thuế phổ thông là 17%, mức thuế ưu đãi là 13% còn ở Philippines mức thuế suất là 15%.

Không chỉ đề xuất tăng thuế GTGT, nhiều sắc thuế khác cũng sẽ điều chỉnh mạnh ảnh 1Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi. (Ảnh: Mof.gov.vn)

Nhiều nội dung sửa đổi khác

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB, theo đại diện Vụ chính sách thuế, dự thảo sẽ tập trung sửa đổi 04 nội dung.

Trong đó, 01 nội dung sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu, phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể là bổ sung nước ngọt vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019.

02 nội dung sửa đổi nhằm thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế và góp phần định hướng tiêu dùng liên quan đến việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá ngoài mức thuế suất tương đối 70% hiện nay tăng lên 75% vào năm 2019 đề nghị bổ sung thêm mức tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà áp dụng từ ngày 01/01/2020 và xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng áp dụng thuế suất thuế TTĐB bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích xi lanh; 01 nội dung sửa đổi về giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhằm thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô (giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước)

Trong khi đó, với Luật thuế TNDN, tập trung sửa đổi 08 nội dung, bao gồm 01 nội dung về giảm thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để đáp ứng và tương thích với Luật hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14 mới được Quốc hội ban hành.

Cụ thể doanh nghiệp siêu nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới ba tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%; DNNVV (là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người; đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ ba tỷ đồng đến 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%; 03 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; 03 nội dung sửa đổi nhằm thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế; 01 nội dung sửa đổi về ưu đãi thuế theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, Nghị quyết số 25/2016/QH14 và phù hợp với thông lệ quốc tế theo hướng hẹp về lĩnh vực, tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có GTGT lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao, lĩnh vực xã hội hóa, hoạt động tài chính vi mô của tổ chức tài chính vi mô hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Tại nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN, tập trung sửa đổi 08 nội dung.

Trong đó, 03 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho cá nhân; 01 nội dung sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu; 02 nội dung sửa đổi để cải cách thủ tục hành chính; 02 nội dung sửa đổi nhằm thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế.

Cuối cùng, đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế tài nguyên: Tập trung sửa đổi 04 nội dung. Việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế tài nguyên để thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan (pháp luật về khoáng sản, pháp luật về điện lực, pháp luật về hải quan) và đảm bảo tính thống nhất của các quy định tại Luật, như: Sửa đổi, bổ sung quy định về người nộp thuế tài nguyên trong trường hợp khai thác nhỏ, lẻ để phù hợp với quy định của Luật khoáng sản, phù hợp với thực tế; Sửa đổi, bổ sung quy định về sản lượng tài nguyên tính thuế đối với nước thiên nhiên (trừ nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện) để đảm bảo tính đồng bộ của các quy định trong Luật; Sửa đổi, bổ sung quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện và giá tính thuế tài nguyên đối với tài nguyên khai thác xuất khẩu để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan (pháp luật về điện lực, pháp luật về hải quan).

Chưa có thuế đánh vào quyền sở hữu ngôi nhà thứ hai

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Vụ Chính sách thuế đã trả lời các câu hỏi của phóng viên xung quanh các nội dung liên quan đến thuế TTĐB đối với ô tô, cân đối NSNN trong bối cảnh nguồn thu giảm khi Luật đi vào cuộc sống; Thuế TNCN đối với người trúng thưởng; Lộ trình giảm thuế đối với người có thu nhập thấp.

Đối với câu hỏi của phóng viên liên quan đến lộ trình đánh thuế đối với việc sở hữu ngôi nhà thứ hai, ông Phạm Đình Thi cho biết “Trong định hướng cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 có loại thuế tài sản. Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25 của Quốc hội có yêu cầu quản lý tốt nguồn thu từ nội địa, trong đó có thuế tài sản. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thuế đánh vào quyền sở hữu ngôi nhà thứ hai”.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên lý do liên tục đưa ra các đề xuất sửa đổi các sắc thuế, ông Thi khẳng định “Việc sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với điều kiện KTXH hiện tại, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh”./.