Khí đốt giá rẻ dần cạn kiệt

Theo Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), hiện nguồn khí đốt khai thác gần bờ có chi phí thấp đang dần suy giảm, các mỏ khí chuẩn bị khai thác lại xa bờ, chi phí cao và dự báo chỉ trong vòng 2-3 năm tới nguồn khí “giá rẻ” sẽ không còn đủ để cung cấp cho khu vực miền Nam.
Nguồn khí giá rẻ đang dần cạn kiệt - Ảnh: PV Gas.
Nguồn khí giá rẻ đang dần cạn kiệt - Ảnh: PV Gas.

Cụ thể, theo một báo cáo từ PV Gas hôm nay 12-1, ngành công nghiệp khí Việt Nam đang đối mặt với các thách thức từ khai thác, phân phối đến giá khí. Trong đó, các mỏ khí có giá trị khai thác thấp (dưới 5 đô la Mỹ/m3 khí) đang dần suy giảm sản lượng, một số mỏ khí chuẩn bị chuẩn bị khai thác lại xa bờ, có chi phí phân phối cao lên đến gần 10 đô la Mỹ/m3.

Dự đoán đến năm 2018, các mỏ khí có giá thấp có thể sẽ suy giảm đến mức độ phải ngừng cung cấp khí cho toàn bộ các vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Do nguồn khi đóng vai trò quan trọng cho nền kinh tế của đất nước nên hiện nay, song song với việc phát triển nguồn khí trong nước, ngành dầu khí quốc gia đang triển khai các dự án nhập khẩu khí LNG, tính đến khả năng mua khí thông qua đường ống dẫn khí Trans-ASEAN từ các nước lân cận như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, cũng như lập phương án phát triển các nguồn khí phi truyền thống như khí than.

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, sản lượng cung cấp khí đến năm 2015 đạt 15 tỉ m3.

Một số dự án khai thác khí ngoài khơi hiện đang triển khai hiện nay gồm Lô B-52, Hải Thạch – Mộc Tinh, Thiên Ưng – Mãng Cầu, đường ống dẫn khí Lô B Ô Môn, Nam Côn Sơn 2, nhà máy chế biến khí tại Cà Mau và một số dự án thu gom khí như Hải Sư Đen, Hải Sư Trắng, Tê Giác Trắng…

Theo các chuyên gia ngành công nghiệp khí, muốn thực hiện đúng theo quy hoạch ngành khí được Chính phủ phê duyệt thì ngay lúc này cần có phương án xử lý các thách thức của ngành khí như xây dựng hạ tầng đường ống dẫn khí, nhà máy xử lý khí từng vùng, có cơ chế về giá khí phân phối cho từng ngành tiêu dùng, từng vùng. Cần sớm thực hiện việc nhập khẩu khí LNG trong thời điểm giá dầu đang xuống thấp như hiện nay.

Huy động tối đa điện khí, điện than để bù thủy điện thiếu hụt

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hôm nay, sản lượng thủy điện năm 2016 thiếu hụt khoảng 3,2 tỉ kWh. Để bù vào lượng thủy điện thiếu hụt do tình hình khô hạn gây ra bởi El Nino, EVN sẽ huy động nhiều nguồn điện khí, điện than, nhập khẩu điện từ Trung Quốc và cả chạy dầu.

Về cơ cấu sản lượng điện các loại mùa khô năm 2016, EVN nhận định điện thương phẩm năm nay sẽ tăng 11,4% so với năm 2015 với tổng sản lượng gần 160 tỉ kWh. Trong đó, thủy điện chiếm gần 30%, điện than chiếm gần 41%, điện khí chiếm gần 28%, nhập khẩu Trung Quốc khoảng 950 triệu kWh (giảm 733 triệu kWh so với năm 2015) và có tính tới phương án chạy dầu phát điện khi nhu cầu điện tăng cao đột biến.

“Trên cơ sở tính toán này, hệ thống điện đủ khả năng cung cấp cho nền kinh tế và sinh hoạt của người dân, sẽ không tiết giảm phụ tải, sẵn sàng đáp ứng cả trong lúc phụ tải điện tăng cao hơn kế hoạch, đảm bảo đủ điện cho Miền Nam; các tổ máy tua bin khí và nhiệt điện than miền Nam sẽ huy động tối đa, truyền tải trên các đường dây 500 kV Bắc Nam luôn ở mức cao trong cả năm”, EVN khẳng định trong thông báo gởi TBKTSG Online hôm 12-1.

Theo TBKTSG