Khẩn trương triển khai các dịch vụ hành chính công qua Bưu điện

VietTimes -- Việc tiếp nhận hồ sơ của người dân được Bưu điện Việt Nam thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ, đảm bảo hồ sơ của người dân đầy đủ, chính xác theo đúng yêu cầu. Bưu điện sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, hướng dẫn người dân bổ sung, sau đó mới niêm phong, đảm bảo hồ sơ đầy đủ, đúng theo quy định.
Nhân viên Bưu điện tỉnh thực hiện việc chi trả thủ tục hành chính tại phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm).
Nhân viên Bưu điện tỉnh thực hiện việc chi trả thủ tục hành chính tại phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm).

Song song với việc thực hiện tốt các dịch vụ hành chính công hiện có, sau 6 tháng đẩy nhanh triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích, ngay từ đầu năm 2017, Tổng công ty và các Bưu điện tỉnh, thành phố đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương triển khai các phần việc cần thiết để sớm phục vụ người dân một cách nhanh chóng, tiện lợi và an toàn.

Kết quả khả quan trong thực hiện

Tính riêng 4 tháng đầu năm, Bưu điện Việt Nam đã trả kết quả đối với nhiều TTHC theo yêu cầu của người dân như: chuyển trả chứng minh nhân dân, chuyển phát hồ sơ bảo hiểm xã hội, chuyển phát giấy đăng ký xe, hồ sơ đất đai, giấy phép kinh doanh lĩnh vực GTVT, Tài chính, Y tế. Trong đó, dịch vụ tiếp nhận hồ sơ BHXH tại các doanh nghiệp, đơn vị tham gia BHXH đạt trên 5.000 hồ sơ; Dịch vụ chuyển trả cấp đổi giấy đăng ký xe đạt trên 2.500 cái; Dịch vụ chuyển trả hồ sơ đất đai cũng đạt trên 4.000 hồ sơ; Dịch vụ chuyển trả giấy chứng nhận kinh doanh và con dấu đạt trên 1.000 cái. Đặc biệt, đối với hình thức tiếp nhận hồ sơ, thu lệ phí và trả kết quả như cấp lý lịch tư pháp qua bưu điện cũng đạt trên 1.000 người; cấp đổi hộ chiếu đạt trên 2.000 người; lĩnh vực cấp đổi giấy phép lái xe cũng thu hút hơn 8.000 người dân sử dụng dịch vụ này.

Ngoài ra, Tổng công ty cũng thực hiện hàng chục nghìn lượt dịch vụ hành chính công mới khác. Đáng chú ý là việc thu tiền phạt và chuyển trả giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm giao thông trên phạm vi toàn quốc ngày càng được đông đảo người tham gia giao thông đánh giá cao và sử dụng dịch vụ khi vi phạm Luật giao thông đường bộ. Trung bình hiện nay một tháng có hơn 44.000 lượt người sử dụng dịch vụ nộp phạt vi phạm giao thông qua bưu điện và nhận lại giấy tờ tạm giữ tại địa chỉ yêu cầu. Tổng số tiền phạt vi phạm giao thông qua Bưu điện bình quân mỗi tháng là trên 50 tỷ đồng

Đồng loạt công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện qua Bưu điện

Với sự ủng hộ cao của các cơ quan quản lý Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, sau 6 tháng triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, đến tháng 5/2017 đã có 4 Bộ, cơ quan ngang Bộ công bố thủ tục hành chính, bao gồm: Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Dịch vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu điệnDịch vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu điện

Bên cạnh đó, hơn 30 tỉnh, thành phố cũng đã công bố danh mục TTHC thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích như: Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Kon Tum, Phú Yên, Quảng Nam, Thái Bình, Tây Ninh, Bình Thuận, Hậu Giang, Cần Thơ, Ninh Thuận, Đak Lak, Đắk Nông, Quảng Bình, Bắc Cạn, Lai Châu, Hà Tĩnh, Ca Mau,... Đáng chú ý, một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyên Quang đã ban hành kế hoạch, lộ trình triển khai cụ thể từ việc thực hiện thí điểm đến triển khai đồng loạt trên toàn địa bàn. Đặc biệt, từ ngày 1/6, thành phố Cần Thơ là địa phương đầu tiên triển khai việc tiếp nhận hồ sơ tại 65 điểm giao dịch trên toàn địa bàn với 1.858 thủ tục hành chính. Điều này chắc chắn sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian đi lại của người dân. Dự kiến đến hết tháng 6/2017, hơn 30 tỉnh còn lại cũng sẽ công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện qua Bưu điện.

Theo Phó Tổng giám đốc Chu Thị Lan Hương, việc công bố danh mục TTHC qua dịch vụ BCCI là điều kiện, cơ sở để thực hiện dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC. Tuy nhiên, để việc triển khai có hiệu quả và nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hành chính trên địa bàn, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và một số UBND tỉnh, thành phố đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác tập trung giữa Bưu điện tỉnh và các Sở/Ngành. Các tỉnh, thành phố khác đang tiếp tục làm việc với các Sở/Ban/Ngành để đề xuất ký kết.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích được tổ chức gần đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng đánh giá cao những nỗ lực Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cũng như sự phối hợp chặt chẽ và sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. 

Để việc triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg có hiệu quả hơn nữa, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo, tổ giúp việc gửi công văn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chưa công bố danh mục thủ tục hành chính tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích sớm tiến hành công bố danh mục thủ tục hành chính tại địa phương mình. Tuy nhiên, Thứ trưởng đặc biệt lưu ý, cần tránh tình trạng UBND tỉnh, thành phố công bố danh mục nhưng các sở, ngành lại không tích cực vào cuộc triển khai. Điều này không chỉ khiến chủ trương của Chính phủ khó đi vào cuộc sống mà chính người dân, tổ chức và doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng tới những lợi ích thiết thực của mình.

Sẵn sàng phục vụ người dân

Để tạo điều kiện thuận lợi cho từng người dân, đưa các thủ tục hành chính được thực hiện qua Bưu điện từ cấp xã, Tổng công ty đặt mục tiêu trong năm 2017, mỗi Bưu điện tỉnh, thành phố sẽ có ít nhất 20 BĐ-VHX triển khai cung cấp dịch vụ trả kết quả giải quyết dịch vụ hành chính công.

Hiện Tổng công ty đã hoàn thiện xong quy trình tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua Bưu điện, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Theo đó, việc tiếp nhận hồ sơ của người dân được Bưu điện Việt Nam thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ, đảm bảo hồ sơ của người dân đầy đủ, chính xác theo đúng yêu cầu. Bưu điện sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, hướng dẫn người dân bổ sung, sau đó mới niêm phong, đảm bảo hồ sơ đầy đủ, đúng theo quy định. Các hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được đóng trong bao bì riêng có độ bền cao để đảm bảo an toàn cho các giấy tờ gửi bên trong. Việc bàn giao hồ sơ, kết quả giữa các bên (người dân <=> Bưu điện, cơ quan hành chính <=> Bưu điện) phải có sự kiểm tra và xác nhận của bên giao, bên nhận. Các bưu gửi hồ sơ, kết quả sẽ được theo dõi định vị từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi phát trả kết quả.

Đặc biệt, Tổng công ty cũng đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống phần mềm hành chính công (HCC) có chức năng tra cứu tất cả các TTHC được thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, cập nhật thông tin hồ sơ trên hệ thống, thu và quản lý việc thu nộp lệ phí, quản lý định vị bưu gửi hồ sơ. Đồng thời phối hợp với một số Bộ, ngành, địa phương trong việc tích hợp giữa hệ thống của Bưu điện Việt Nam với các cơ quan này để nhận yêu cầu khi người dân đăng ký, cũng như khi nhân viên Bưu điện đến cơ quan hành chính nhận kết quả chuyển trả cho người dân.

Các điểm cung cấp dịch vụ hiện nay đã được trang bị đầy đủ các thiết bị như máy tính kết nối Internet, máy in, phong bì được thiết kế riêng cho các dịch vụ HCC... Ngoài ra, đội ngũ nhân viên giao dịch cũng được lựa chọn, đào tạo, tập huấn chuyên sâu những chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ về cung ứng dịch vụ HCC qua Bưu điện, cùng nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng các phần mềm trong việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC.

Hiện nay, để tìm hiểu về danh mục thủ tục hành chính của các tỉnh đã công bố, người dân có thể tìm hiểu thông tin trên website:hanhchinhcong.vnpost.vn. Bưu điện các tỉnh thành phố cũng đã công bố, niêm yết các danh mục thủ tục hành chính thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích tại các điểm phục vụ. Ngoài ra cổng thông tin điện tử của các địa phương cũng như trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành (nếu có) cũng đăng tải danh mục thủ tục hành chính được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích và những thủ tục không thực hiện qua bưu chính để tổ chức, cá nhân, nhân viên bưu chính biết và thực hiện.