Khám phá "kỳ quan" khách sạn Caravelle

Là người Sài Gòn hẳn ít ra đã một lần chúng ta nghe nhắc đến khách sạn Caravelle, bởi đó là một cái tên được nhắc khá nhiều lần trong suốt 15 năm từ 1960 đến 1975 trên nhiều phương tiện thông tin.
Khách Caravell Sài Gòn nhìn từ phía công viên Lam Sơn từ những ngày đầu... - Ảnh tư liệu
Khách Caravell Sài Gòn nhìn từ phía công viên Lam Sơn từ những ngày đầu... - Ảnh tư liệu
....Và ngày nay - Ảnh: Thuận Thắng
....Và ngày nay - Ảnh: Thuận Thắng

Khoảng năm 1860-1862, Sài Gòn mọc lên một khách sạn hai tầng đồ sộ có ba mặt ngó ra sông nước.

Một mặt ngó ra sông Sài Gòn, một mặt ngó ra kinh Cầu Sấu và một ngó ra kinh Lớn. Giờ đây, ngôi nhà ấy sau hơn 150 năm vẫn còn đứng vững.

"Kỳ quan" mới!

Hai con kinh ngày xưa nay đã thành đường phố đông đúc là Nguyễn Huệ (kinh Lớn) và Hàm Nghi (kinh Cầu Sấu).

Và ngôi nhà ấy nay là trụ sở Hải quan thành phố Hồ Chí Minh. Khi ngôi nhà to lớn ấy mọc lên đã khiến người Sài Gòn vô cùng kinh ngạc vì sự đồ sộ của nó.

Ngôi nhà ấy đã mang theo khá nhiều dấu vết lịch sử phát triển của Sài Gòn những ngày đầu tiên và nó đánh dấu một bước phát triển mới của Sài Gòn, ít nhứt về mặt xây dựng.

Một trăm năm sau, Sài Gòn lại xuất hiện một “kỳ quan” mới. Đó là khách sạn Caravelle.

Sao lại là “kỳ quan”? Từ cuối thế kỷ 19 đến bốn thập niên đầu thế kỷ 20, trên con đường số 16 sau được đổi tên là Catinat, rồi Tự Do nay là đường Đồng Khởi, đã xuất hiện nhiều khách sạn sang trọng.

Đầu tiên là khách sạn Continental xây dựng từ năm 1878 đến 1880 do Pierre Cazeau, một nhà chuyên sản xuất vật liệu xây dựng và thiết bị gia dụng, làm chủ.

Đây là nơi cư trú của nhiều nhân vật tai to mặt lớn ở nước ngoài khi đến Sài Gòn như nhà văn Ấn Độ đoạt giải Nobel Rabindranath Tagore, nhà văn Pháp Andre Malraux, nhà văn Anh Graham Greene.

Khách sạn nầy sau đó đổi chủ nhiều lần. Nổi tiếng nhứt trong số nầy là Công tước De Montpensier, được coi là một tay chơi khét tiếng thời ấy, người đã xây Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết và đêm đêm có máy phát điện riêng sáng rực một vùng, mua lại vào năm 1911 để làm nơi cư trú khi ông chạy xe hơi thám hiểm Kampuchia.

Sau đó, khối tài sản khổng lồ nầy được một người Việt Nam, Đốc phủ Lê Văn Mầu, chủ quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho được coi là lãnh chúa cù lao Năm Thôn (từ thời Ngô Đình Diệm được đổi lại là cù lao Ngũ Hiệp), mua lại vào khoảng năm 1920 để làm của hồi môn cho con gái.

Và cái của hồi môn ấy lọt vào tay chàng rễ gốc đảo Corse là Mathieu Franchini. Cuối cùng dòng họ Franchini đã làm chủ khách sạn sang trọng nầy cho đến năm 1975.

Khách sạn bề thế thứ hai xuất hiện trên con đường được coi là số 1 của Sài Gòn vào năm 1925 là Majestic do Hứa Bổn Hòa, còn được người Sài gòn gọi là Chú Hỏa, xây dựng với sự hợp tác của nhà báo Pháp lai Việt De Lachevrotière, một người rất có thế lực ở Sài Gòn thập niên 1920-1940.

Khách sạn cao ba từng lầu nầy (sau nầy xây thêm 2 từng nữa) nằm ngay đầu đường Catinat, góc quai de Belgique (Đồng Khởi-Tôn Đức Thắng) một thời được chú ý. Năm 1948 thì khách sạn được giao (hay bán lại) cho Sở Du lịch và triển lãm Đông Dương. Nhiều nhân vật tên tuổi của thế giới khi đến Sài Gòn đã cư trú tại đây.

Ba năm sau, năm 1928, một khách sạn sang trọng khác ra đời ở số 8 Catinat, góc Đồng Khởi - Ngô Đức kế hiện nay.

Năm 1928, nhà báo De Lachevrotière đã mở ở đây một tiệm rượu, đến năm 1930 thì tiệm rượu được xây dựng thành khách sạn lộng lẫy với những trang trí mỹ thuật độc đáo.

Về sau, khách sạn nầy còn được gọi bằng một cái tên ấn tượng là Sài Gòn Lữ Quán. Sau một thời gian hoạt động, có lẽ do không có nghề quản lý khách sạn, nên De Lachevrotière đã sang khách sạn cho Patrice Luciani để rồi sau đó Grand Hotel đổi tên thành Saigon Palace.

Nhưng tất cả những khách sạn đã kể đều có chiều cao khiêm tốn so với những gì sắp diễn ra.

Một “ảo vọng”!?

Đầu năm 1954, khi người Pháp còn loay hoay ở chiến trường miền Bắc và tập trung quân xây dựng cứ điểm Điện Biên Phủ, thành phố Sài Gòn vẫn chỉ tập trung ở ba quận Nhứt, Nhì và quận Ba.

Những làng Hoà Hưng, Phú Nhuận, Phú Thọ... là vùng ngoại ô xa xôi, vắng người cư ngụ. Và vào thời điểm ấy, đôi bạn người Pháp là Emery và Mallein đến Sài Gòn và nghĩ đến việc xây dựng một khách sạn hiện đại được điều hòa không khí hoàn toàn, sang trọng, có điện thoại ở mỗi phòng và cao nhứt thành phố Sài Gòn.

Nhiều người cho đó là một “ảo vọng”!

Họ xoay sở và có bằng khoán một khoảnh đất rộng 775 mét vuông nằm trên góc đường Caitnat và quảng trường nhà hát Lớn (Đồng Khởi-Công trường Lam Sơn), một trong những địa chỉ danh giá nhứt Sài Gòn.

Miếng đất nầy trước kia là quán cà phê Grand cafe de la Terrace, một trong những quán cà phê đầu tiên và nổi tiếng của Sài Gòn từ cuối thế kỷ 19. 

Để có miếng đất nầy, họ đã xin được phép triệt hạ toàn bộ những công trình xây dựng trên mảnh đất nầy, đồng thời xin phép thành lập một công ty mang tên Catinat Foncier có văn phòng tại số 18 Tôn Thất Đạm, khai trương ngày 24-5-1954.

Vào thời kỳ nầy, một khách sạn sang trọng dành cho giới thượng lưu và kinh doanh văn phòng hàng đầu ở Sài Gòn rất khó kiếm. Vì vậy, công ty Catinat Foncier nhanh chóng tiến hành việc xây dựng một khách sạn như thế. Song tiền vốn lại không đủ và có cả việc lo lắng về thời cuộc, nên công ty Catinat Foncier liền tổ chức kêu gọi vốn đầu tư.

Pháp nhân đầu tiên tham gia góp vốn là hãng hàng không Air France và dành quyền sử dụng toàn bộ tầng trệt. Phái bộ ngoại giao Úc hùn vốn và xí toàn bộ tầng thứ 7 để làm nơi cư trú cho vị trưởng phái bộ và làm nơi làm việc. Rồi giáo hội Công giáo cũng tham gia hùn vốn.

Theo ông Nguyễn Đình Đầu thì “thời điểm đó, giáo hội Thiên chúa giáo sở hữu trung tâm thuế vụ trên đường Lê Lợi, tòa nhà nay là Fahasa, hầu hết các tòa nhà đối diện khách sạn Continental và một số nhà tư”.

Có vốn, công ty Catinat Foncier liền xúc tiến việc xây dựng khách sạn vào năm 1957.

Kể từ thời điểm đó, công việc xây dựng và công trình khách sạn đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Vậy khách sạn đã được xây ra sao và những ngày đầu nó như thế nào? Mời bạn đón đọc bài tiếp theo. 

Theo Tuổi trẻ