Iran có thể tấn công tên lửa đánh “vỗ mặt” Mỹ ở Syria

VietTimes -- Mới đây, Iran đã phóng tên lửa tấn công phiến quân IS ở tỉnh Deir ez-Zour, đây là lần đầu tiên nước này sử dụng tên lửa kể từ sau Chiến tranh Iran- Iraq. Theo Iran, lý do của cuộc tấn công này là để trả đũa cuộc tấn công của IS vào quốc hội Iran và lăng mộ của lãnh tụ Ayatollah Ruhollah Khomeini hồi đầu tháng 6.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3 rời bệ phóng trong một lần thử nghiệm
Tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3 rời bệ phóng trong một lần thử nghiệm

Cho dù IS là cái cớ trực tiếp của cuộc tấn công, nhưng người ta nghi ngờ rằng Tehran muốn gửi đi một thông điệp khác tới Mỹ và đồng minh, đặc biệt là khi quân đội Mỹ bắt đầu tấn công lực lượng của Assad ở Syria. Quả thực, Tướng Ramazan Sharif của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã trả lời trước phương tiện truyền thông nhà nước rằng “Ả Rập Xê-út và Mỹ là những bên thông điệp này hướng tới. Hiển nhiên một số nước trong khu vực, đặc biệt là Ả Rập Xê-út đã từng tuyên bố họ đang cố khiến Iran bất ổn".

Ngăn các đối thủ trong khu vực ngừng đe dọa Iran là lý do chính khiến Tehran trang bị cho mình lực lượng tên lửa đạn đạo lớn nhất Trung Đông, National Interest nhận định. Chương trình tên lửa này bắt đầu dưới thời Shah, nhưng chỉ thực sự được đẩy nhanh trong Chiến tranh Iran - Iraq nhằm đe dọa Saddam Hussein với các cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ Iraq.

Kể từ đó, Iran đã hợp tác với các quốc gia như Libya, Triều Tiên và Trung Quốc để phát triển một kho tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình lớn và đa dạng, trở thành một phần trong chiến lược ngăn chặn ba chân của họ. Việc Iran sử dụng tên lửa vào cuộc xung đột lần này, Mỹ và các đồng minh nên xem xét cẩn thận kho vũ khí của Tehran.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Shahab

Trụ cột của lực lượng tên lửa Iran là loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn sử dụng nhiên liệu lỏng dòng Shahab (SRBM). Dòng tên lửa này có ba biến thể: Shahab-1, Shahab-2 và Shahab-3. Shahab-1 là tên lửa đầu tiên của Iran dựa trên mô hình tên lửa Scud-B của Liên Xô. Ban đầu có thể Iran đã mua Shahab-1 từ Libya và Syria, nhưng Triều Tiên mới là nhà cung cấp chính cho Iran. Shab-1 có phạm vi từ 285-330 km và có thể mang đầu đạn khoảng 1.000 kg. Iran được cho là có ba trăm tên lửa Shahab-1.

Sau đó Iran đã mua lại tên lửa Shahab-2, có thể là từ Triều Tiên. Tên lửa này dựa trên mô hình của Scud-C và có tầm bắn 500km với sức tải 770 kg đầu đạn. Iran lần đầu thử nghiệm Shahab-2 vào năm 1998, và tên lửa này đã đi vào hoạt động ít nhất là từ năm 2004.

Giống như Shahab-1, Shahab-2 là tên lửa di động, tuy nhiên, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ đã lưu ý rằng: "Kinh nghiệm về chiến tranh, ví dụ như trong cuộc chiến Iran- Iraq, cho thấy các tên lửa này có xu hướng hoạt động trong phạm vi bán kính khoảng 100 km hoặc ít hơn từ căn cứ của chúng vì cần phải đảm bảo an ninh hoạt động và có thể duy trì sự hỗ trợ hậu cần quan trọng". Tehran chỉ mua từ 100-170 tên lửa Shahab-2 từ Triều Tiên, nhưng bây giờ nước này có thể tự sản xuất chúng (dù một số bộ phận vẫn phải nhập khẩu).

Quan trọng nhất trong các biến thể là Shahab-3, đây cũng là một tên lửa hoạt động bằng nhiên liệu lỏng và di động. Shahab-3 là tên lửa đạn đạo tầm trung đầu tiên của Iran, với tầm bắn từ 1.000- 1.300 km tùy thuộc vào tải trọng. Trọng tải được cho là có trọng lượng từ 760-1.200 kg. Tên lửa Shahab-3 được cho là dựa trên mô hình tên lửa No Dong-1 của Triều Tiên, trong khi tên lửa No Dong-1 lại được sản xuất dựa trên công nghệ của Liên Xô.

Không giống các biến thể khác của dòng Shahab, Shahab-3 là tên lửa hai kỳ với một động cơ và phương tiện tái xâm nhập riêng.

Phiên bản tên lửa của Iran lần đầu tiên được thử nghiệm vào năm 1998. Tuy nhiên cuộc thử nghiệm đó không thành công và nhiều cuộc thử nghiệm sau này cũng thất bại. Do đó Shahab-3 đã không thể đi vào hoạt động đến tận năm 2003.

Không biết Iran đã triển khai bao nhiêu tên lửa Shahab-3, một phần vì Tehran dường như phụ thuộc chủ yếu vào một số biến thể tên lửa với các tên gọi khác nhau như Emad và Ghadr. Những phiên bản tên lửa này kết hợp công nghệ của Pakistan, có phương tiện tái xâm nhập được thiết kế mới cùng hệ thống dẫn đường và hướng dẫn cải tiến. Có thể những biến thể này sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn được nâng cấp từ 1500-1800 km, và cao nhất có thể đạt tới 2.500km.

Tên lửa đạn đạo Fateh

Tên lửa dòng Fateh là những tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn, tương ứng với tên lửa Shahab. Giống như Shahab-1 và Shahab-2, Fateh-110 và Faeth-331 là loại tên lửa di động tầm ngắn phóng từ mặt đất. Fateh-110 là tên lửa một kỳ với tầm bắn 210 km. Nó chính xác hơn một số biến thể đầu của Shahab, với chỉ số sai số trượt mục tiêu CEP là 1 trong vòng 100m.

Iran bắt đầu phát triển Fateh-110 vào năm 1995, lần đầu tiên thử nghiệm vào tháng 5/2001 và đi vào hoạt động vào năm 2004. Fateh-313 có tầm bắn lớn hơn Fateh-110 khoảng 500 km, và cũng nâng cấp nhiều hơn, ví dụ như về độ chính xác. Fateh-313 được cho là bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2015. Bộ Tài chính Mỹ đã cáo buộc các công ty Trung Quốc hỗ trợ cho Iran phát triển tên lửa Fateh.

Tên lửa Fateh 110 của Iran (Ảnh minh họa)

Năm ngoái, Iran đã công bố một thành viên mới của gia đình Fateh, mang tên Zolfaghar. Khi Iran lần đầu tiên tiết lộ tên lửa này, Bộ trưởng Quốc phòng Hossein Dehghan tuyên bố tên lửa này có tầm bắn khoảng 700km. Theo IHS Jane's, "Zolfaghar dường như có cùng kích thước với Fateh-110, nhưng hệ thống dẫn đường đã được thiết kế lại và nằm gần mũi hơn. Điều này có thể tạo không gian cho động cơ sử dụng nhiên liệu rắn lớn hơn, nhưng bù lại tải trọng sẽ bị giảm đi. Cơ quan thông tấn Fars News Agency có nguồn tin thân cận với Vệ binh Cách mạng Iran cho biết Zolfaghar có khả năng mang phương tiện tái xâm nhập đa chiều (MRV), tuy nhiên điều này cũng khó có khả năng xảy ra. Theo tuyên bố từ phía Iran, nước này đã sử dụng tên lửa Zolfaghar trong cuộc tấn công mới đây vào Syria, tuy nhiên theo thông tin tình báo từ Israel, rất có thể Iran chỉ sử dụng Shahab-3.

Tên lửa đạn đạo Sejjil

Tên lửa đạn đạo tầm trung Sejjil là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn cũng tương ứng với Shahab-3. Theo Dự án phòng thủ tên lửa của CSIS, tên lửa Sejjil có kích thước, trọng lượng và tầm bắn tương đương với Shahab-3. Cụ thể, tên lửa hai kỳ này có tầm bắn 2.000 km và có thể mang đầu đạn từ 500-1.500 kg. Được phát triển từ cuối những năm 1990, đến tận năm 2008, Sejjil mới có cuộc thử nghiệm đầu tiên.

Trong một cuộc thử nghiệm năm 2009, tên lửa đã bay được khoảng 1.900km. Mặc dù tên lửa Sejjil sử dụng thiết kế của Iran, nhưng lại nhận được sự hỗ trợ từ Trung Quốc. Một số chuyên gia thậm chí còn so sánh Sejjil với DF-11 và DF-15. Iran cũng đã tuyên bố nước này đã phát triển rất nhiều biến thể của tên lửa Sejjil, bao gồm cả Sejjil-3, loại tên lửa mà nhiều nhà phân tích cho rằng có tầm bắn lên đến 4.000 km.

Tên lửa Sejjil của Iran (Ảnh minh họa)

 Tên lửa chống hạm Khalij Fars

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Iran đã phát triển một tên lửa đạn đạo chống tàu để nâng cao chiến lược chống tiếp cận đối với quân đội Mỹ ở Vịnh Ba Tư. Iran đặt tên cho tên lửa này là Khalij Fars. Dựa trên mô hình Fateh-110, Khalij Fars lần đầu được thử nghiệm vào đầu năm 2011, và cũng trùng hợp khi Iran tuyên bố hoàn thiện radar tầm xa có khả năng thu tín hiệu trong bán kính 1.100km. Cuối năm đó, Iran cũng tuyên bố tên lửa này đã được sản xuất đại trà. Trong các cuộc thử nghiệm kể từ đó đến nay, tên lửa này đã thành công 100% mỗi lần tấn công tàu ở Vịnh Ba Tư.

Theo truyền thông Iran, “đạn siêu thanh, có thể mang theo một đầu đạn 650 kg, miễn dịch với các cuộc đánh chặn và có các hệ thống có độ chính xác cao.” Một tướng của Iran năm 2013 từng tuyên bố: “Hiện nay, Iran đã có tên lửa có thể đè bẹp tàu Mỹ và nhấn chìm chúng xuống lòng đại dương.” Iran cũng đã tiết lộ hai biến thể mới của Khalij Fars: Hormuz-1 có radar dẫn đường thụ động và Hormuz-2 có radar dẫn đường chủ động.

Tên lửa Khalij Fars của Iran

Trên đây chưa thể liệt kê đầy đủ kho tên lửa của Iran, vì nước này còn có một số loại tên lửa hành trình nữa. Tuy nhiên bài đánh giá cũng đã cung cấp cho người đọc cái nhìn cơ bản về một trong những khả năng của Vệ binh Cách mạng Iran. Đồng thời theo National Interest, tên lửa đạn đạo cũng là vũ khí sắc bén nhất trong chiến lược ngăn chặn của Iran (chiến lược này bao gồm cả chiến tranh lai và chiến tranh hải quân phi đối xứng). Trước tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran hiện nay, Mỹ cần cảnh giác và tìm cách đối phó với những tên lửa nguy hiểm này.