IPO Hanel sẽ “ế”?

VietTimes -- Tương tự VEFAC, điểm “quyến rũ” nhất của Hanel cũng là bất động sản. Trong đó, tài sản giá trị nhất tổ hợp khách sạn 5 sao nổi tiếng Daewoo – một điểm lưu trú có vị trí đắc địa, toạ lạc trên lô đất vàng rộng 3ha ngay giữa trung tâm quận Ba Đình (Hà Nội).
Tổ hợp Khách sạn Daewoo thuộc sở hữu của Hanel.
Tổ hợp Khách sạn Daewoo thuộc sở hữu của Hanel.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về việc bán đấu giá 19,1 triệu cổ phần của Công ty TNHH MTV Hanel.

Với mức giá khởi điểm theo công bố là 10.000 đồng, tính ra, đợt chào bán này sẽ huy động về cho Hanel tối thiểu 191 tỷ đồng.

Song với việc tổng số cổ phần Hanel chuẩn bị được đem ra đấu giá chỉ chiếm 9,9% vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa của công ty là 1.926 tỷ đồng nên theo một số nhà phân tích, không loại trừ trường hợp thương vụ IPO này sẽ không thực sự hút khách.

Bởi bên cạnh 19 triệu cổ phần đem ra đem ra đấu giá, theo kế hoạch, sẽ có đến 117 triệu cổ phần (61% VĐL) Hanel sẽ được đem bán cho nhà đầu tư chiến lược với giá tối thiểu 1.174 tỷ đồng. Phần còn lại (29,1% vĐL) sẽ vẫn do Nhà nước sở hữu.

Được biết, theo Quyết định số 5812/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, hai nhà đầu tư chiến lược của Hanel sẽ là CTCP Công nghệ Tiến Việt (36% VĐL) và Công ty Sebrina Holdings Ltd của Singapore (25% VĐL). Trong đó, CTCP Công nghệ Tiến Việt mới chỉ đi vào hoạt động kể từ ngày 15/07/2015. Còn về Sebrina Hodings Ltd, đầu tháng 9/2015, ông Nasrat Muzayyin - Tổng giám đốc, đồng sáng lập công ty này cũng đã tới thăm và làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Hanel.

Bàn về phiên IPO Hanel tới đây, một nhà đầu tư nói rằng nó khiến ông liên tưởng đến phiên đấu giá cổ phần của Công ty TNHH Trung tâm triển lãm Giảng Võ (VEFAC) diễn ra vào hạ tuần tháng 3/2015, cũng tại HSX.

Khi đó, VEFAC cũng đưa ra đấu giá 16,3 triệu cổ phần, tương ứng 9,76% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 10.050 đồng/cổ phần. Song do có tới 80% cổ phần đã được “nhắm” cho nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Vingroup, nên phiên IPO của VEFAC đã “ế nặng”, và rút cuộc chỉ bán được 620.500 cổ phần, chiếm chưa nổi 4% khối lượng chào.

Số cổ phần bị “ế”, đáng chú ý, sau đó đã lại được gán nốt cho Vingroup, đưa tập đoàn này trở thành chủ sở hữu gần như tuyệt đối của VEFAC, để qua đó thâu nạp thêm gần 7ha “đất vàng” tại trung tâm triển lãm Giảng Võ.

Tương tự VEFAC, điểm “quyến rũ” nhất của Hanel cũng là bất động sản. Trong đó, tài sản giá trị nhất tổ hợp khách sạn 5 sao nổi tiếng Daewoo – một điểm lưu trú có vị trí đắc địa, toạ lạc trên lô đất vàng rộng 3ha ngay giữa trung tâm quận Ba Đình (Hà Nội).

Thêm vào đó, còn là một tổ hợp nhà ở, văn phòng cho thuê rộng 6.000 m2 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội); cũng như quyền quản lý, sử dụng 5.000 m2 đất tại quận Hải An (Hải Phòng) theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm với UBND Hải Phòng; quyền quản lý sử dụng hàng lọat khu đất đã ký hợp đồng thuê với UBND Hà Nội như 2.660 m2 đất, 5.483 m2 nhà tại số 2 Chùa Bộc; 242.274 m2 tại KCN Sài Đồng B, 120.000 m2 tại Long Biên kế thừa từ Cty TNHH Đèn hình Orion-Hanel; Các địa điểm đất thực hiện dự án tại 60 Nguyễn Đức Cảnh, 409 Lĩnh Nam, tại phường Phúc Lợi (Long Biên); tại xã Cổ Bi (Gia Lâm), tại Lô 2 E9 đường Phạm Hùng (Cầu Giấy)….

Đó là chưa kể đến việc Hanel còn đang gián tiếp sở hữu mạng di dộng Vietnamobile, thông qua một công ty liên kết là Hanoi Telecom.

Cuối năm 2014, Hanel từng nhượng lại 20% vốn sở hữu tại Công ty Phát triển đô thị Sài Đồng cho Tập đoàn Vingroup.

Daewoo có 3 tòa khách sạn, căn hộ và văn phòng cho thuê gồm hơn 400 phòng nghỉ và hàng trăm căn hộ. Khách sạn được thành lập năm 1996, từng đón tiếp các lãnh đạo lớn của thế giới như Tổng thống Mỹ Clinton, Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào…

Giữa năm 2015, trong một tài liệu công bố của Saigontourist, Công ty Bông Sen đã hé lộ việc đang thu xếp 3.650 tỷ đồng mua 51% cổ phần của Daewoo.

Ninh Giang