Hơn 75% sản phẩm nông sản an toàn được dán QR code

VietTimes -- Sau 3 tháng triển khai Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản thực phẩm an toàn, đến nay hệ thống đã đi vào hoạt động hiệu quả, có quy mô lớn với nhiều chủng loại sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại có khoảng 420/555 dòng sản phẩm được dán mã QRcode để bày bán trên thị trường. 
Người tiêu dùng ngày càng có niềm tin hơn vào nông sản an toàn nhờ nguồn gốc rõ ràng trên từng sản phẩm. Ảnh: Tú Mai
Người tiêu dùng ngày càng có niềm tin hơn vào nông sản an toàn nhờ nguồn gốc rõ ràng trên từng sản phẩm. Ảnh: Tú Mai

Nội dung trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử, diễn ra vào ngày 3/11, tại Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, để tăng cường công tác quản lý chất lượng nông lâm sản thực phẩm và giúp doanh nghiệp tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng như mở rộng kết nối giao thương giữa người sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng, từ tháng 8/2016, Trung tâm đã đưa vào hoạt động Hệ thống minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản an toàn.

Tính đến nay, sau khi được bàn giao tài khoản quản lý, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chế biến, đóng gói và kinh doanh tham gia Hệ thống đã chủ động quản lý tài khoản, in và dán mã QRcode cho các dòng sản phẩm tham gia minh bạch thông tin. Hiện trong tổng số 555 dòng sản phẩm đăng ký tham gia, đến nay các doanh nghiệp đã dán mã QRcode cho tất cả các sản phẩm. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại có khoảng 420/555 dòng sản phẩm được dán mã QRcode để bày bán trên thị trường. Nguyên nhân là trong 135 mã QRcode đăng ký nhưng không được dán tại thời điểm này là do hết vụ.

Bên cạnh đó, theo tổng hợp đánh giá, cho đến nay đã có trên 5 vạn lượt người truy cập nguồn gốc sản phẩm thông qua Hệ thống. Trong đó đã có hơn 200 ý kiến phản hồi của người tiêu dùng cho doanh nghiệp và đơn vị quản lý. Từ những ý kiến phản hồi trực tiếp của người tiêu dùng đã giúp doanh nghiệp định hướng được thị trường và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Đồng thời cũng giúp tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cho các đơn vị quản lý.

Tuy nhiên, đây là ứng dụng mới và lần đầu tiên được áp dụng với nông sản thực phẩm trên quy mô lớn nên trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khan. Mặt khác, do việc sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết, sản phẩm nông nghiệp có tính thời vụ nên ảnh hưởng đến việc dán tem QRcode không được thường xuyên. Và người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa có thói quen sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Vì vậy, để chương trình xây dựng Hệ thống đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp hi vọng Thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm triển khai Hệ thống. Trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất có sản phẩm tốt.

Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố, các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm nơi sản xuất và trong quá trình lưu thông phân phối. Đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã tham gia tiếp tục duy trì và phát triển them các sản phẩm tốt để bổ sung vào hệ thống. Đồng thời phân công cán bộ trực tiếp quản lý hệ thống và tư vấn cho người tiêu dùng.