Hơn 560 nghìn DN đăng ký dịch vụ khai và nộp thuế điện tử

VietTimes -- Theo Bộ Tài chính, trong năm 2016 Tổng cục Thuế đã bảo đảm hệ thống cung cấp dịch vụ khai và nộp thuế điện tử cho trên 560 nghìn doanh nghiệp trên cả nước, trong đó, có hơn 96,72% doanh nghiệp đăng ký sử dụng.
Từ đầu năm 2016, Tổng cục Thuế đã bãi bỏ 92 thủ tục hành chính.
Từ đầu năm 2016, Tổng cục Thuế đã bãi bỏ 92 thủ tục hành chính.

Ngày 2/12, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2016 ngành thuế và hải quan đã tích cực sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong đó, với lĩnh vực thuế, từ đầu năm 2016 đến nay, Tổng cục Thuế đã bãi bỏ 92 thủ tục hành chính, đồng thời ban hành mới 7 thủ tục hành chính. Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã bảo đảm hệ thống cung cấp dịch vụ khai và nộp thuế điện tử cho trên 560 nghìn doanh nghiệp trên cả nước, trong đó có hơn 96,72% doanh nghiệp đăng ký sử dụng.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề nộp thuế điện tử được sự nhất trí và đầu tư mạnh từ các ngân hàng, thì ngành thuế cũng chưa nhận được phối hợp nhiều từ các bộ ngành liên quan, cũng như hưởng ứng một cách thật sự của các doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới rất cần sự vào cuộc tích cực của các đơn vị liên quan và hưởng ứng của doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực hải quan, tổng số thủ tục hành chính đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia tính đến tháng 11/2016 là 36 thủ tục với tổng số hồ sơ đã được xử lý trên 204 nghìn bộ hồ sơ với sự tham gia của trên 8.200 doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp thời gian qua ngành hải quan đã xây dựng đề án nâng cấp dịch vụ công trực tuyến 46 thủ tục hành chính hải quan lên cấp độ 3, 4 trong năm 2016.

Theo Bộ Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn một số khó khăn trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm của các Bộ khác nhau còn chưa cắt giảm nhiều.

Vì vậy, để khắc phục vấn đề này, Tổng cục Hải quan đang chủ động phối hợp với một số đơn vị chức năng chuyên môn thuộc các Bộ quản lý chuyên ngành cùng tháo gỡ. Trước tiên là khảo sát thực tế tại một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu, một số đơn vị kiểm tra chuyên ngành... Từ đó, các cơ quan chức năng nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để có giải đáp, xử lý những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động này.