Hơn 100 ứng dụng thương mại điện tử và ngân hàng bị Trung Quốc “sờ gáy”

VietTimes -- Trung tâm An ninh mạng Trung Quốc cho biết có hơn 100 ứng dụng liên quan đến thương mại điện tử và ngân hàng đã bị xử phạt vì vi phạm thông tin cá nhân người dùng.
Đầu năm nay, Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc (CCA) đã cảnh báo rằng một số lượng lớn ứng dụng trên điện thoại thông minh ở Trung Quốc đang thu thập quá nhiều dữ liệu cá nhân của người dùng bao gồm vị trí, số điện thoại và các danh sách liên lạc khác.
Đầu năm nay, Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc (CCA) đã cảnh báo rằng một số lượng lớn ứng dụng trên điện thoại thông minh ở Trung Quốc đang thu thập quá nhiều dữ liệu cá nhân của người dùng bao gồm vị trí, số điện thoại và các danh sách liên lạc khác.

Trung Quốc đang mở một “cuộc đàn áp” lớn nhắm đến một loạt các ứng dụng nhằm tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh nhiều người dùng đang lo ngại về quyền riêng tư trên các ứng dụng.

Theo cơ quan an ninh mạng Trung Quốc, trong số 100 ứng dụng này, đa số là các ứng dụng liên quan đến thương mại điện tử và ngân hàng. “Nhiều ứng dụng đã bị xử phạt từ tháng 11 vì thu thập dữ liệu cá nhân bất hợp pháp, thiếu các thỏa thuận bảo mật, trong khi nhiều quy tắc còn mơ hồ”, cơ quan này cho biết.

Cơ quan này cũng tiết lộ 27 trong số các ứng dụng đã được yêu cầu sửa đổi và 63 ứng dụng đã bị cảnh báo bằng văn bản. Liên quan đến vi phạm dữ liệu cá nhân, có 10 người đã bị phạt tiền và hai người khác đang bị điều tra hình sự. Theo SCMP, chỉ tính trong năm 2019, có tới 683 ứng dụng đã bị Trung Quốc xử phạt. Quốc gia này vẫn đang tiếp tục càn quét các ứng dụng vi phạm dữ liệu cá nhân.

Một số ứng dụng bị liệt vào danh sách đen này bao gồm các dịch vụ từ China Everbright Bank, Bank of Tian, nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Weidian và Kaola, nền tảng cho thuê nhà ở trực tuyến Fang.com cũng như nhà cung cấp thông tin xe Chexun.com,… Tuy nhiên, hình thức xử phạt cụ thể đối với các ứng dụng này vẫn chưa được tiết lộ.

Vi phạm quyền riêng tư và thông tin cá nhân đang trở thành một vấn đề nổi cộm ở Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này tiếp tục thực hiện số hóa nền kinh tế. Vào tháng trước, một số quan chức Trung Quốc đã yêu cầu các công ty hoạt động trong lĩnh vực internet tăng cường các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng trong bối cảnh lo ngại dữ liệu của một số người dùng đang bị đánh cắp, các giao dịch hoặc các thông tin cá nhân bị tiết lộ dưới danh nghĩa “nghiên cứu dữ liệu” trên quy mô lớn.

Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia của Trung Quốc tuyên bố rằng nếu không có sự đồng ý của người dùng, các tổ chức không được phép thu thập, sử dụng hay cung cấp thông tin cá nhân cho bất ký bên thứ ba nào. Vào hồi đầu năm nay, Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc (CCA) cũng đã đưa ra cảnh báo rằng một số lượng lớn ứng dụng trên điện thoại thông minh ở Trung Quốc đang thu thập quá nhiều dữ liệu cá nhân của người dùng bao gồm vị trí, số điện thoại và các danh sách liên lạc khác.

Trung Quốc được cho là đang làm việc về một dự luật bảo mật dữ liệu mới nhằm giải quyết các vấn đề nhạy cảm trên các nền tảng kỹ thuật số. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào dự luật này sẽ được hoàn thành và ban hành.

Trong khi đó, Thượng viện Hoa Kỳ cũng đã tổ chức các phiên điều trần về luật riêng tư mới nhằm bảo vệ người Mỹ. Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) đã có hiệu lực trên tất cả các quốc gia thuộc liên minh EU từ tháng 5 năm 2018.

Theo SCMP