Hội nghị An ninh Shangri-La: Trung Quốc chỉ cử tướng về hưu, chờ Mỹ lên tiếng

Diễn đàn An Ninh Châu Á, tức Đối Thoại Shangri-La 2017 tại Singapore có sự tham gia của nhiều lãnh đạo quốc phòng, chuyên gia về an ninh quốc tế từ khoảng 40 quốc gia. Mọi chú ý đều đổ dồn vào Mỹ, với hy vọng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ làm rõ chính sách an ninh Châu Á-Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump.
Bộ trưởng Mattis tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Vnexpress.
Bộ trưởng Mattis tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Vnexpress.

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ có bài phát biểu tại phiên họp sáng 3/6 với chủ đề chính là "Mỹ và an ninh Châu Á-Thái Bình Dương”. Cho đến nay, mặc dù tổng thống Mỹ và các cố vấn thân cận vẫn khẳng định tầm quan trọng của khu vực, nhưng theo nhiều nhà ngoại giao châu Á, Washington chưa khẳng định rõ chính sách trong thời gian tới, tiếp tục đường lối xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương của người tiền nhiệm, hay có những thay đổi.

Giới quan sát đánh giá, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đối thoại Shangri-La, thái độ của Mỹ được chú ý nhất chứ không phải là Trung Quốc.

Reuters đưa tin, trên đường tới Singapore dự hội nghị, Bộ trưởng James Mattis cho biết ông sẽ nhấn mạnh đến một “trật tự thế giới” cần thiết cho hòa bình tại châu Á, hàm ý nhắc đến vấn đề hạt nhân nóng bỏng trên bán đảo Triều Tiên, với tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có kế hoạch gặp các đồng nhiệm Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Ông James Mattis khẳng định quan điểm của Mỹ là tăng cường hợp tác với các đồng minh, hỗ trợ các nước nâng cao khả năng tự phòng vệ và gia tăng sức mạnh quân sự của Mỹ để ngăn ngừa chiến tranh.

Theo Reuters, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết ủng hộ về nguyên tắc đề xuất của thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy Ban Quân lực của Thượng viện về ngân sách quân sự 7,5 tỉ USD cho Châu Á-Thái Bình Dương.

Tình hình Triều Tiên liên tục thử tên lửa và hai lần thử hạt nhân từ đầu năm 2016 đến nay đặc biệt gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế, rõ ràng là vấn đề hàng đầu của hội nghị Shangri-la lần này. “Những nguy cơ hạt nhân tại Châu Á-Thái Bình Dương” sẽ là chủ đề của một phiên thảo luận cuối chiều 3/6. Vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập tới trong phiên thảo luận về “các biện pháp tránh xung đột trên biển”.

Bộ trưởng Mattis cũng cho biết ông sẽ nhấn mạnh đến đòi hỏi tuân thủ “luật pháp quốc tế”, một diễn đạt rõ ràng liên quan đến các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo giới quan sát, việc Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump lần đầu tiên cử chiến hạm vào trong khu vực 12 hải lý của đá Vành Khăn do Trung Quốc kiểm soát trái phép tại quần đảo Trường Sa hôm 25/5 nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải, đã phần nào cho thấy Washington không từ bỏ cam kết với các đồng minh và khu vực.

Tham dự diễn đàn Shangri-la lần này, đáng chú ý là đoàn Trung Quốc chỉ cử lãnh đạo cấp thấp là một tướng về hưu thuộc Viện hàn lâm quân sự dẫn đầu.