Học giả Trung Quốc: Nhật Bản không ngừng “chìa cành ô liu” quân sự cho Việt Nam

VietTimes -- Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 8/6 cho rằng, có nguồn tin cho biết, Nhật Bản và Việt Nam đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng, trọng điểm là Tokyo cung cấp viện trợ, ủng hộ Hà Nội mua sắm nhiều tàu tuần tra hơn.
Tàu của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (ảnh minh họa)
Tàu của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản (ảnh minh họa)

Sau khi Chính phủ Mỹ vừa dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, Nhật Bản đã lập tức tuyên bố có kế hoạch bán tàu tuần tra kiểu mới cho Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 28/5 cho biết, sau hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, hai bên đã đồng ý đẩy nhanh chương trình tàu tuần tra. Tàu tuần tra sẽ trở thành một kênh mới để Nhật Bản cung cấp hỗ trợ cho Việt Nam tăng cường khả năng bảo vệ an ninh biển. 

Tháng 8/2014, Nhật Bản đồng ý cung cấp 6 tàu tuần tra cho Việt Nam, toàn bộ biên chế cho Cảnh sát biển Việt Nam. Được biết, những tàu 600 - 800 tấn này từng được sử dụng như tàu tuần tra đánh bắt cá và tàu cá thương mại, nhưng đều được cải tạo để có thể sử dụng cho các hoạt động bảo đảm an ninh, đồng thời đã lắp các thiết bị tuần tra và tìm kiếm cứu nạn.

Chương trình viện trợ phát triển của Chính phủ Nhật Bản còn cung cấp hỗ trợ cho việc Nhật Bản cung cấp tàu đa chức năng cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines vào năm 2015. 

Tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Nguồn ảnh: báo Nhân Dân, Trung Quốc.
Tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Nguồn ảnh: báo Nhân Dân, Trung Quốc.

Hợp đồng này trị giá 200 triệu USD, yêu cầu phía Nhật Bản cung cấp 10 tàu, triển khai ở nhiều khu vực của Philippines, bao gồm Manila, La Union và Princesa.

Đề cập đến việc làm bình thường này của Nhật Bản, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng "Nhật Bản can thiệp quân sự ở Biển Đông" đang tiến hành theo 2 bước: Một là gián tiếp can thiệp. Hai là trực tiếp can thiệp.

Hiện nay, tất cả các phương thức đều can thiệp gián tiếp, trước tiên bán vũ khí, để mọi người cảm nhận được các yếu tố quân sự của Nhật Bản. Bước đi này một khi hoàn thành, quan hệ quân sự hai nước có thể tiếp tục xích lại gần nhau. 

Theo Đỗ Văn Long, Trung Quốc phải rất quan tâm đến bước thứ hai, tức là Nhật Bản trực tiếp can thiệp. Chẳng hạn, tiến hành tuần tra chung với Mỹ ở vùng biển này, cũng có thể sẽ tham gia tuần tra chung đa phương. 

Hiện nay, Mỹ và Philippines đã tiến hành tuần tra chung. Đỗ Văn Long đặt vấn đề: Trong tương lai phải chăng sẽ có tuần tra liên hợp? Nếu Nhật Bản không ngừng "chìa cành ô liu" quân sự cho Việt Nam, phải chăng sẽ hình thành tuần tra liên hợp Mỹ-Nhật-Việt-Phi? 

Theo Đỗ Văn Long, một khi hình thành cục diện này, về năng lực quân sự, Nhật Bản có thể "trực tiếp tấn công". Nếu hiện nay bán vũ khí trở nên thường xuyên, không loại trừ trong tương lai Nhật Bản đưa tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ vệ nghỉ hưu vào toàn bộ danh sách vũ khí dỡ bỏ lệnh cấm. 

Nếu những trang bị kiểm soát trên không và trên biển này tạo ra quy mô nhất định trong lực lượng tác chiến của Việt Nam, quan hệ quân sự Việt-Nhật sẽ đạt đến mức rất cao. 

Tàu cảnh sát biển Trung Quốc hung hăng hăm dọa ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh tư liệu.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc hung hăng hăm dọa ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014. Ảnh tư liệu.

Đỗ Văn Long cho rằng, đối với cách làm này của Nhật Bản, thứ nhất, Trung Quốc cần "phản đối"; thứ hai, Trung Quốc cần "quan sát"; thứ ba, Trung Quốc cần "tiến hành chuẩn bị". 

Ở khu vực Biển Đông, nếu nhiều nước không ngừng can thiệp quân sự, một khi hình thành trạng thái quốc tế hóa, phức tạp hóa, sẽ tiếp tục làm tăng độ nóng của cuộc chiến trên phương hướng này.

Mỹ vừa mới hủy bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, trong tương lai phải chăng sẽ tiếp tục tăng cường khả năng trang bị của Việt Nam và Philippines?

Đối với vấn đề này, Đỗ Văn Long cho rằng, nhìn vào tình hình hiện nay, Mỹ muốn phá vỡ “tảng băng” này, hình thành “liên minh nhỏ” ở Biển Đông. Mỹ đã có 5 căn cứ quân sự ở Philippines, một khi mở rộng phạm vi căn cứ, hình thành liên minh quân sự, sẽ có thể tiến hành "giáp công" đối với Biển Đông, khả năng kiểm soát trên hướng này cũng sẽ tăng lớn. 

Như vậy, vì tìm cách hỗ trợ cho tham vọng “đường lưỡi bò” vô lý, phi pháp của Bắc Kinh, các chuyên gia, học giả Trung Quốc rất nhạy cảm với những hoạt động hợp tác quốc phòng bình thường giữa Việt Nam với các nước và đưa ra những bình luận có nhiều định kiến. 

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc hung hăng hăm dọa ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ảnh tư liệu.
Tàu Hải Cảnh Trung Quốc hộ tống giàn khoan HD-981 hung hăng hăm dọa ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014. Ảnh tư liệu.

Cần nhấn mạnh với các chuyên gia, học giả Trung Quốc rằng, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng mang tính tự vệ. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn xâm phạm chủ quyền và các quyền lợi biển hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.

Việt Nam tiến hành hợp tác quân sự với các nước chắc chắn sẽ nhằm thực hiện mục tiêu tăng cường khả năng tự vệ. Việt Nam không chỉ hợp tác với các nước trong khu vực, mà còn hợp tác rộng rãi với các nước khác trên thế giới. Đó là những hợp tác công khai, minh bạch, hợp pháp, bình thường.