Hiệp hội bảo kê xăng gian?

Sau khi hàng trăm cây xăng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bị bắt quả tang gian lận để ăn cắp tiền người tiêu dùng, thật bất ngờ khi mới đây Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai lại lên tiếng phản ứng lực lượng bắt xăng gian.
"Nữ tướng" giả làm người mua bán xăng lẻ - Ảnh: Sở KH-CN Đồng Nai cung cấp
"Nữ tướng" giả làm người mua bán xăng lẻ - Ảnh: Sở KH-CN Đồng Nai cung cấp

Ông Phạm Đức Nghiêu, Phó chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai, vừa ký văn bản gửi UBND tỉnh phản ứng hoạt động kiểm tra gian lận xăng dầu của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (thuộc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai) do “nữ tướng” Đỗ Ngọc Thanh Phương, Chi cục trưởng, trực tiếp chỉ đạo.

“Bà chi cục trưởng làm lộn ngành”

Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai cho rằng, về hành vi của công chức Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, có nhiều ý kiến của thương nhân phản ánh: khi kiểm tra không trình quyết định kiểm tra, chia nhau giám sát mọi hành vi của thương nhân; cán bộ kiểm tra giật cò bơm yêu cầu ngưng bán hàng, rất nặng nề gây hoang mang cho doanh nghiệp (DN). Khi không phát hiện sai phạm thì không lập biên bản.

Do đó, việc kiểm tra cần phải công khai, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. “Nhiều thương nhân không đồng tình với cách ứng xử nặng nề như vậy. Cá biệt, vẫn có những người cố ý gian lận, cần phải xử lý để đảm bảo sự công bằng. Song không suy ra mọi người đều gian lận để hình sự hóa hành vi kiểm tra”, văn bản nêu.

Ngoài ra, một số chủ DN kinh doanh xăng dầu cũng gửi thư đến Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai dùng những lời lẽ nặng nề, xúc phạm “nữ tướng” Đỗ Ngọc Thanh Phương như “kiểm tra như ăn cướp”; “bà chi cục trưởng làm lộn ngành, phải chuyển qua làm trinh sát hình sự mới đúng”... và kiến nghị “khi đến kiểm tra cần có thông báo trước lịch làm việc, nên kết hợp kiểm tra liên ngành...”.

Tôi cũng chưa rõ phía Sở Công thương, Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai họ phản ứng vì lẽ gì. Phải chăng vì để bảo vệ tiếng nói cho các doanh nghiệp gian lận, vi phạm. Vụ việc “nữ tướng bắt xăng gian” đã được Bộ KH-CN xác minh, kiểm tra và Thủ tướng cũng đã tặng bằng khen. Quy trình thanh tra theo đúng quy định của pháp luật, thậm chí còn rất tốt, rất hiệu quả là tấm gương để tỉnh, thành khác học hỏi.

Ông Bùi Thế Duy, Chánh văn phòng Bộ KH-CN

Trong khi đó như PV đã phản ánh, từ tháng 3 - 7/2015, “nữ tướng” Đỗ Ngọc Thanh Phương đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, bí mật đi trinh sát (đóng giả khách du lịch, người buôn xăng lẻ...) để tìm hiểu các cây xăng có hành vi gian lận.

Đặc biệt tất cả quá trình thu thập chứng cứ, đều được quay phim, chụp ảnh làm bằng chứng khiến chủ DN không thể chối cãi. Nhờ đó chỉ trong vòng 4 tháng, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Đồng Nai đã phát hiện 53 trạm xăng vi phạm đo lường và chất lượng, xử phạt trên 5 tỷ đồng, trong đó trường hợp bị phạt cao nhất đến 600 triệu đồng. Điều đáng nói hơn là gần 350 cây xăng trên địa bàn (cả vi phạm và chưa vi phạm) lần lượt làm đơn xin sửa chữa và kiểm định lại các trụ bơm.

Trước sự quyết liệt này, tình trạng gian lận xăng dầu trên địa bàn Đồng Nai giảm rất nhiều. Mới đây, “nữ tướng” Đỗ Ngọc Thanh Phương cũng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Phản ứng vì mất nguồn thu bất chính

Trên thực tế, ngày 4/8, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành công văn về việc thực hiện các giải pháp kiểm tra, xử lý ngăn chặn hành vi gian lận về đo lường và chất lượng trong kinh doanh xăng dầu thực hiện theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ cuối năm 2014. Trong đó đã lưu ý: “Đoàn kiểm tra của các sở, ngành tăng cường tiến hành kiểm tra đột xuất, bí mật, bất ngờ vào bất cứ thời gian nào khi có nghi ngờ gian lận hoặc khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng. Được yêu cầu DN không được phép tiếp cận, tác động vào các cột đo xăng dầu và các cầu dao, thiết bị ngắt nguồn điện của các cột đo xăng dầu trong quá trình kiểm tra...”.

Tiếp xúc với P.V hôm qua, “nữ tướng” Đỗ Ngọc Thanh Phương chia sẻ: “Tôi không có gì bất ngờ cũng như không ngạc nhiên vì đã đoán trước được sự phản ứng này. Sở dĩ họ phản ứng mạnh mẽ vì đụng chạm đến lợi ích của họ. Khi Sở KH-CN quyết liệt xử lý hành vi gian lận sẽ khiến các DN gian lận mất đi nguồn lợi bất chính bao lâu nay. Và con số này tập trung ở các DN kinh doanh xăng dầu tư nhân, còn các DN nhà nước như Công ty xăng dầu Đồng Nai, Công ty xăng dầu Tín Nghĩa thì hoàn toàn ủng hộ, nghiêm chỉnh chấp hành”.

Hiệp hội bảo kê xăng gian? ảnh 1

Chị Phương giả làm khách du lịch để tiếp cận cây xăng

Ông Bùi Thế Duy, Chánh văn phòng Bộ KH-CN, cũng bày tỏ: “Tôi cũng chưa rõ phía Sở Công thương, Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai họ phản ứng vì lẽ gì. Phải chăng vì để bảo vệ tiếng nói cho các DN gian lận, vi phạm. Vụ việc “nữ tướng bắt xăng gian” đã được Bộ KH-CN xác minh, kiểm tra và Thủ tướng cũng đã tặng bằng khen. Quy trình thanh tra theo đúng quy định của pháp luật, thậm chí còn rất tốt, rất hiệu quả là tấm gương để tỉnh, thành khác học hỏi”.

Ông Duy nhấn mạnh, trong văn bản chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho phép thanh tra các sở, ngành kiểm tra đột xuất, bí mật, bất ngờ vào bất cứ thời gian nào khi có nghi ngờ gian lận hoặc khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng về gian lận xăng dầu. “Khi tiến hành thanh tra phải cải trang, nhập vai hoàn toàn phù hợp với nghiệp vụ thanh tra. Còn nếu đến để “bắt” xăng gian lại dán chữ thanh tra lên người thì làm sao mà bắt được”, ông Duy nói. Ông Duy cũng khẳng định: “DN vi phạm, gian lận thì kêu rằng mình bị thiệt hại rồi phản đối. Theo tôi, chế tài của chúng ta xử phạt hành chính còn quá nhẹ bởi hành vi đó đều là phạm pháp. Chế tài nghiêm minh lẽ ra phải đóng cửa luôn”.

Hiệp hội bảo kê xăng gian? ảnh 2

Kiểm tra bồn xăng giữa đêm khuya

Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai, khẳng định Sở và các nhân viên Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ KH-CN và UBND tỉnh Đồng Nai. “Thật ra địa phương nổ tiếng súng đầu tiên trong hoạt động kiểm tra gian lận là tỉnh Nghệ An chứ không phải Đồng Nai. Chúng tôi chỉ học tập từ Nghệ An nhưng làm quyết liệt hơn. Và chúng tôi làm điều này vì đó là trách nhiệm xã hội, muốn xóa bỏ hoạt động gian lận xăng dầu bao lâu nay chứ không vì mục đích cá nhân nào cả. Nếu nói vì cá nhân, tôi chỉ cần kiểm tra và xử phạt mạnh một vài cây xăng thôi, chứ không làm đồng loạt nguyên một chiến dịch như vậy cả”, ông Sáng nói.

Sở Công thương chống chỉ đạo của Phó thủ tướng?

Để có câu trả lời chính thức cho Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai, Sở KH-CN đã tham vấn Sở Công thương các vấn đề pháp lý. Ngày 17.11, ông Dương Minh Dũng - Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh, trả lời “tăng cường công tác thanh kiểm tra đột xuất, bí mật, bất ngờ vào bất cứ thời gian nào khi có nghi ngờ gian lận là nội dung hoàn toàn không phù hợp”. Ông Dũng cho rằng: “Việc nghi ngờ mang tính định tính, chủ quan không có bằng chứng sẽ dẫn đến tình trạng lạm quyền, gây khó khăn và cản trở hoạt động bình thường của DN kinh doanh xăng dầu. Nếu chỉ vì nghi ngờ mà tiến hành kiểm tra vào ban đêm hay bất cứ lúc nào sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh của những DN kinh doanh chân chính trong mắt người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra đột xuất, bí mật, bất ngờ cũng phải theo đúng trình tự, thủ tục quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra...”.

Theo Thanh Niên