Hé lộ nội dung Đề án tái cơ cấu Sacombank

VietTimes -- Báo cáo tài chính riêng bán niên 2017 sau soát xét vừa được Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank; Mã: STB) phát hành đã hé lộ một số nội dung trong Đề án tái cơ cấu Sacombank mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phê duyệt...
Hé lộ nội dung Đề án tái cơ cấu Sacombank. (Ảnh minh họa: Internet)
Hé lộ nội dung Đề án tái cơ cấu Sacombank. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo Sacombank, ngày 22 tháng 5 năm 2017, Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của Sacombank và các kiến nghị của Sacombank tại Đề án tái cơ cấu về một số cơ chế và giải pháp để xử lý tài chính đối với các khoản lãi dự thu, trái phiếu đặc biệt VAMC, các khoản nợ xấu, các tài sản tồn động và các khoản đầu tư góp vốn mua cổ phần trong thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN.Tym và Công văn số 426/NHNN-TTGSNH.Tym.

Số hiệu của các quyết định, với đuôi “Tym” cho thấy, đây có vẻ đây đều là các văn bản chưa thể công khai. Và thực tế, đến thời điểm này, NHNN và Sacombank đều chưa công bố nội dung chi tiết của các văn bản nêu trên.

Tuy vậy, tại Báo cáo tài chính riêng bán niên 2017 vừa được phát hành, Sacombank (Ngân hàng) đã hé lộ một số nội dung tóm tắt của các kiến nghị đã được phê duyệt. Trong đó, nội dung quan trọng nhất là Sacombank sẽ được chủ động phân bổ và trích lập dự phòng dự theo năng lực tài chính của chính phía ngân hàng. Tất nhiên, là phải trong thời hạn quy định.

Cụ thể, về chính sách kế toán đối với các khoản mục chính theo Đề án tái cơ cấu được NHNN Việt Nam phê duyệt:

-          Lãi dự thu: Cho phép Ngân hàng khoanh số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng trên báo cáo tài chính của Ngân hàng đến ngày 31/12/2015 và phân bổ dần số lãi và phí dự thu này vào chi phí hoạt động kinh doanh của Ngân hàng theo năng lực tài chính trong thời hạn tối đa 10 năm theo Đề án tái cơ cấu do Ngân hàng xây dựng.

-          Dự phòng rủi ro tín dụng: Cho phép Ngân hàng thực hiện giải pháp trích lập và phân bổ dự phòng rủi ro tín dụng theo năng lực tài chính theo Đề án tái cơ cấu do Ngân hàng xây dựng trong thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu.

-          Trái phiếu VAMC: Cho phép Ngân hàng thực hiện việc trích lập dự phòng đối với trái phiếu VAMC theo năng lực tài chính trong thời hạn trái phiếu VAMC.

-          Các tài sản tồn đọng: Yêu cầu Ngân hàng xây dựng các biện pháp và lộ trình xử lý cụ thể, đảm bảo sớm xử lý dứt điểm các tài sản đã nhận cấn trừ nợ nhằm thu hồi vốn cho Ngân hàng. Cho phép Ngân hàng được bán nợ và các tài sản tồn đọng cho các tổ chức, cá nhân theo giá thị trường, trường hợp giá bán nợ thấp hơn dư nợ gốc thì phần chênh lệch giữa giá bán và dư nợ được phân bổ dần vào chi phí hoạt động kinh doanh của Ngân hàng theo năng lực tài chính trong thời hạn tối đa là 5 năm kể từ thời điểm bán.

-          Các khoản đầu tư góp vốn mua cổ phần vượt 11% vốn điều lệ công ty được góp vốn và sở hữu chéo: Chấp thuận lộ trình xử lý các khoản đầu tư, góp vốn, mua cổ phần để đảm bảo tuân thủ quy định hiện hành theo Đề án tái cơ cấu do Ngân hàng xây dựng.

Liên quan đến câu chuyện tái cấu trúc Sacombank, trong bài phát biểu đầu tiên ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017 – 2021 vào chiều 30/06/2017, tân Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh từng nói, tái cơ cấu Sacombank là một quá trình dài, đề án xác định 10 năm. “Nhưng Hội đồng quản trị mới đã họp, xác định sẽ cố gắng trong 5 năm, và hy vọng 3 năm sẽ xong luôn”.

Để làm được điều này, theo ông Minh, HĐQT mới sẽ tập trung vào 4 vấn đề: Xử lý nợ xấu, quản trị điều hành ngân hàng hiệu quả, cơ cấu lại nhân sự phù hợp, và đẩy mạnh kinh doanh.

Ông Minh khẳng định, 60.000 tỷ đồng nợ xấu của Sacombank chủ yếu là bất động sản, nên có tài sản, không sợ mất vốn. Việc xử lý nợ xấu sẽ xong nhanh./.